Truyền kỳ về nàng Chân Hoàn (dài 76 tập) là bộ phim khắc họa cuộc chiến chốn thâm cung của các vị vương phi dưới triều vua Ung Chính nhà Thanh. Khi biết phim được một công ty truyền thông Mỹ hỏi mua, giới làm phim Trung Quốc vừa mừng vừa lo.
Bộ phim truyền hình cổ trang của Trung Quốc có tên
Legend of Zhen Huan (Truyền kỳ về nàng Chân Hoàn) đang trong quá trình thương thảo để được trình chiếu trên truyền hình Mỹ. Thông tin được chính đạo diễn của phim – Trịnh Hiểu Long chia sẻ với báo giới Trung Quốc.
Tại Trung Quốc,
Truyền kỳ về nàng Chân Hoàn rất được yêu thích. Nếu hợp đồng thương thảo diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, bộ phim sẽ được biên tập lại thành 6 bộ phim mini để chiếu làm nhiều đợt.
Đạo diễn Trịnh cho biết tới lúc này ông đã ký được bản hợp đồng sơ thảo đầu tiên với công ty truyền thông bên Mỹ. Hiện tại, đạo diễn vẫn muốn giấu tên của công ty bên Mỹ. Tuy vậy, ông chia sẻ rằng phía Mỹ yêu cầu thêm một số cảnh và thay đổi phần nhạc phim.
Đoàn làm phim Trung Quốc sẽ hoàn toàn nằm ngoài quá trình biên tập, chỉnh sửa phim bởi phía Mỹ cho rằng họ nắm được thị hiếu của người dân nước họ.
Thêm vào đó, phía công ty Mỹ tin tưởng rằng bộ phim sẽ thu hút rất đông người xem.
Truyền kỳ nàng Chân Hoàn đã được trình chiếu trên nhiều kênh truyền hình dành cho người Hoa tại Mỹ và đạt tỷ suất rất cao. Nếu phim được lồng tiếng Anh thì đảm bảo số lượng người xem sẽ còn cao hơn nhiều.
Thông tin này đã khiến giới làm phim Trung Quốc rất xôn xao, phấn khích, tuy vậy cư dân mạng Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra những lo ngại của họ: Liệu rằng phía Mỹ có hiểu hết những thâm ý sâu xa về văn hóa và lịch sử của Trung Quốc được gửi gắm trong phim? Liệu họ chỉnh sửa có hợp lý không?
Tuy vậy, đa số đều tỏ ra vui mừng, lạc quan vì sản phẩm đặc trưng của giới làm phim Trung Quốc – phim truyền hình cổ trang đã có thể tiến những bước đầu tiên vào thị trường truyền hình phương Tây.
Một sinh viên người Mỹ đã sống ở Trung Quốc 5 năm nói rằng anh đã xem bộ phim này bằng tiếng Trung và anh nghi ngờ khả năng biên tập, chỉnh sửa của phía Mỹ. Theo anh này, sự khác biệt văn hóa chính là yếu tố đầu tiên hình thành nên những rào cản trong quá trình tiếp nhận những sản phẩm văn hóa đặc thù như thế này.
Người Mỹ thích những gì bất ngờ, phiêu lưu, mạo hiểm với diễn tiến nhanh. Trong khi đó, tốc độ diễn tiến của phim theo du học sinh người Mỹ là tương đối chậm. Người Mỹ sẽ khó lòng thấy phim hấp dẫn.
Truyền kỳ về nàng Chân Hoà khác xa những phim do Hollywood sản xuất.
Hơn nữa, người Mỹ chưa có khái niệm về phim cổ trang Trung Quốc, vì vậy có thể họ sẽ khó lòng hiểu được phim thấu đáo, nhất là bối cảnh phim đã cách xa thời hiện đại ngày nay.
Theo anh này, những nhà làm phim Trung Quốc như Thành Long, Trương Nghệ Mưu, hay Lý An mới có thể bắt kịp với thị hiếu về phim của người dân Mỹ.
Chân Hoàn bên Hoàng đế Ung Chính |
Truyền kỳ về nàng Chân Hoàn dài 76 tập, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Liu Lianzi. Phim xoay quanh các nàng thê thiếp của Hoàng đế Ung Chính, dưới triều nhà Thanh.
Nàng Chân Hoàn trong trắng, ngây thơ khi 17 tuổi được chọn vào cung làm thiếp. Sau khi vào cung, nàng bị vướng vào những cuộc đấu đá dữ dội và khốc liệt giữa các vị vương phi. Nhận ra hậu cung là nơi toàn dã tâm độc ác và thù hận, Chân Hoàn đã học cách thích nghi để tồn tại và đôi khi nàng cũng sẵn sàng sử dụng thủ đoạn đê tiện để giành phần thắng.
Tại Trung Quốc,
Truyền kỳ nàng Chân Hoàn được khen ngợi là một trong những phim cổ trang hay nhất trong nhiều năm trở lại đây. Phim kịch tính, đưa vào nhiều yếu tố lịch sử, văn học, y học, thẩm mỹ, quy tắc ứng xử cổ xưa của người Trung Quốc một cách chuẩn xác. Ngoài ra, lời thoại trong phim được cho là rất tao nhã, giàu ý nghĩa nên thường được các cư dân mạng Trung Quốc trích dẫn lại.
Phim không chỉ kể về một thời đã xa mà theo nhiều khán giả,
Truyền kỳ về nàng Chân Hoàn còn dạy cho những con người hiện đại cách đối nhân xử thế và tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Theo Pi Uy
China News/Dân Trí