19/07/2019 19:04 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Nằm trong kế hoạch live-action (quay người thật, cảnh thật…) toàn bộ di sản hoạt hình của Disney, thương hiệu khổng lồ này đã dành thời điểm tròn 25 năm ra đời siêu phẩm hoạt hình The Lion King (1994 - 2019) để tung ra bản live-action cực kỳ mãn nhãn!
Sau thành công bước ngoặt của bộ phim The Jungle Book (Cậu bé rừng xanh) phiên bản live-action (2016) của đạo diễn Jon Favreau, lần đầu tiên hãng Disney ứng dụng nhiều hiệu ứng kỹ thuật số mang tính tiên phong để tạo ra một thế giới rừng xanh đầy muông thú sống động… Và Disney hoàn toàn hài lòng để chuẩn bị cho một dự án vĩ đại hơn mà họ hằng ấp ủ.
Một tác phẩm sống động hơn bao giờ hết
Các nhà làm phim The Lion King (Vua sư tử) đã hợp tác với bộ phận nghiên cứu về động vật ở Công viên Vương quốc động vật của Disney (DAK) có trụ sở tại Orlando (bang Florida) để cài đặt một hệ thống máy quay “bất khả xâm phạm” nhằm có thể ghi lại hành động của khoảng 75% loài động vật sẽ xuất hiện trong Vua sư tử. Những hình ảnh thu được sau đó sẽ được sử dụng như một nguồn tư liệu tham khảo cho các họa sĩ tại MPC Film.
Họ cũng đã thu được những thước phim về cuộc sống thường ngày của bầy sư tử cũng như các loài vật khác đang cư trú tại DAK để giúp gia tăng tính chân thực cho bộ phim. Bộ phận phụ trách âm thanh cũng đã bay tới vườn bách thú Magdeburg của Đức để ghi lại tiếng của những chú sư tử con trong một nỗ lực nhằm tạo nên tiếng gầm của sư tử con Simba ở thời khắc mang tính bước ngoặt trong phim.
Để có thể thực sự trải nghiệm thế giới của Vua sư tử cùng những cư dân hoang dã của nó, các nhà làm phim đã lên đường tới với lục địa lớn thứ hai của thế giới, nơi có đất nước Kenya cùng một quần thể động thực vật cực kỳ phong phú. Đạo diễn Favreau đã tham gia một cuộc đi săn ở châu Phi khoảng 6 tháng trước cuộc gặp gỡ với hãng Disney để bàn bạc về bộ phim này.
Chính trong chuyến đi đáng nhớ đó ông đã nhận ra được ảnh hưởng của câu chuyện và các nhân vật trong bộ phim hoạt hình kinh điển 1994 đối với người dân trên khắp thế giới. Để bày tỏ sự tôn vinh đối với câu chuyện cũng như bối cảnh nơi câu chuyện diễn ra, Favreau thực sự mong muốn tìm kiếm một cách thức để đưa khán giả tới với thảo nguyên châu Phi và được chứng kiến tận mắt sự hùng vĩ của châu lục này. Nhưng điều đầu tiên mà ông phải làm là đưa đội ngũ sản xuất tới đó.
“Jon Favreau đã giao cho chúng tôi một nhiệm vụ phải thực thi ở châu Phi” -nhà sản xuất Jeffrey Silver chia sẻ - “Ông ấy nói: Hãy chân thực hết mức có thể! Jon mong muốn mọi chi tiết trong phim đều phải được xây dựng dựa trên cơ sở thực tế. Ông ấy cảm thấy rằng nếu chúng tôi không coi sự chân thực là nền tảng của mọi thứ, sản phẩm cuối cùng mà nhóm đạt được sẽ là một bộ phim không cảm xúc, không chân thực và không mấy ấn tượng đối với khán giả. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải giữ cho mọi thứ một cách thật tự nhiên - từ các loài sinh vật, màu sắc của các tảng đá, ánh nắng mặt trời lúc bình minh hay hoàng hôn, bầu trời khi màn đêm buông xuống và cả các loài thực vật phù hợp.”
Một châu Phi vĩ đại và hoang dã thực sự trên màn ảnh
Vào đầu năm 2017, 13 thành viên chủ chốt trong đoàn làm phim của Favreau đã bắt đầu một chuyến đi thực địa kéo dài 2 tuần tại khắp Kenya để quan sát môi trường tự nhiên cũng như các loài vật ở Pride Lands - bối cảnh chủ đạo của Vua sư tử.
Trong suốt chuyến đi này, nhóm đã ghi lại một cách chi tiết thông tin của từng loài vật đã xuất hiện trong phiên bản hoạt hình, ghé thăm mọi khu vực tại quốc gia này từ Bắc đến Nam.Nhóm sống trong 5 khu nhà thuê, sử dụng 3 máy bay trực thăng và 6 chiếc xe Safari Land Cruisers. Các thiết bị máy quay với trọng lượng hơn 1.000 kg đã được sử dụng để ghi lại tổng cộng 12,3 terabyte hình ảnh.
Những thành viên có cơ hội tham gia trong chuyến đi này đã có được những trải nghiệm quý báu cũng như có thêm cảm hứng sáng tạo để thực hiện bộ phim, trong số đó phải kể tới thiết kế sản xuất James Chinlund, quay phim Caleb Deschanel, giám sát VFX Rob Legato, giám sát VFX tới từ MPC Film Adam Valdez và giám sát hoạt hình Andy Jones.
“Andy đã có thể quan sát bầy sư tử sẽ làm những gì khi được sống trong môi trường tự nhiên” - nhà sản xuất Karen Gilchrist cho biết. “Chúng tôi đã xem một đoạn phim mà anh ấy ghi lại hình ảnh một chú sư tử con và thực sự thích thú nhìn ngắm cách mà nó bước đi. Chúng tôi chú ý tới tất cả mọi đặc điểm của chú sư tử con, từ dáng đi khệnh khạng, chiếc bụng no tròn, độ dày của các chân và thậm chí là số lượng con ruồi đang vo ve bên cạnh nó”.
Theo những gì mà giám sát hoạt hình Andy Jones chia sẻ thì nhóm đã chuẩn bị cho chuyến nghiên cứu của mình bằng cách xem rất nhiều phim tài liệu. “Nhưng được đứng tại thảo nguyên châu Phi hùng vĩ đã giúp tôi hiểu thêm nhiều điều” -ông chia sẻ. “Từ Masai Mara cho tới Công viên Quốc gia Amboseli và cả Samburu - những vùng đất này đều có những địa hình, cảnh quan và đới khí hậu khác nhau. Thật bất ngờ khi biết rằng khí hậu nơi đây lại khắc nghiệt và khô cằn tới như vậy. Các loài vật đã học được cách để thích nghi với điều đó nhằm có thể duy trì sự sống. Thực sự đáng ngạc nhiên phải không?”.
Nhà sản xuất Jeffrey Silver bổ sung: “Andy đã trở thành bác sĩ Dolittle (nhân vật bác sĩ thú y có khả năng hiểu và trò chuyện với các loài động vật từng được giới thiệu trong phim hài Dr. Dolittle ra mắt khán giả năm 1998). Anh ấy ra khỏi nhà để quan sát hành vi của các con vật dưới ánh nắng mặt trời, thức dậy vào lúc bình minh, mải miết ghi hình cho tới tận hoàng hôn, thu lại những thước phim về tê giác, sư tử, ngựa vằn, nghiên cứu dáng đi của các loài vật, nghiên cứu cách mà chúng chuyển động hay kiếm mồi… Đó là một trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ đối với Andy, và những dữ liệu mà anh ấy có được về các loài vật thực sự đã ảnh hưởng rất nhiều đối với bộ phận xử lý hình ảnh sau đó”.
Đối với Giám sát kỹ xảo Valdez, chuyến đi tới châu Phi cũng đã giúp nhóm thực hiện nhận ra được những thách thức cũng như cơ hội lớn nhất khi thực hiện bộ phim này. “Tái hiện chân thực quang cảnh bầu trời của châu Phi là một điều cực kỳ khó khăn” - ông nói. “Nó thay đổi liên tục, có thể tính theo giây. Chúng tôi phải tính toán hướng gió và góc mặt trời chiếu sáng, trong khi khí quyển thay đổi phụ thuộc vào các khung giờ khác nhau trong ngày.”
Quay phim Deschanel cho biết: “Điều bất ngờ nhất ở Kenya chính là sự đa dạng về mặt cảnh quan tự nhiên - từ những sa mạc trải dài, những dãy núi hùng vĩ cho tới những hồ nước, những dòng suối và cả những thảm thực vật xanh tốt. Và dĩ nhiên đất nước này là quê hương của vô số loài thú quý hiếm mà bạn từng nghĩ chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng. Chuyến đi đó thực sự đã mang lại cho tôi những trải nghiệm đáng nhớ”.
“Vua sư tử” không hẳn là live-action Cuối tháng 9/2016, hãng Disney đã xác nhận rằng đạo diễn Jon Favreau sẽ tiếp tục làm đạo diễn cho bản remake (làm lại) của kiệt tác phim hoạt hình Vua sư tử 1994 - niềm tự hào của đế chế hoạt hình Disney cuối thế kỷ 20. Đến tháng 11/2016, Favreau có một buổi nói chuyện và cho biết công nghệ quay phim ảo mà ông sử dụng trong Cậu bé rừng xanh sẽ được sử dụng ở mức độ quy mô lớn hơn trong bộ phim The Lion King lần này. Mặc dù các phương tiện truyền thông đã chia sẻ rằng The Lion King là một bộ phim live-action, nhưng nó thực sự chỉ là một phim hoạt hình do máy tính tạo ra. Hãng Disney cũng không xem bộ phim sắp tới là live-action, chỉ nói rằng bộ phim sẽ sử dụng công nghệ giống của phim Cậu bé rừng xanh. Việc sản xuất bộ phim bắt đầu vào giữa năm 2017 tại Los Angeles (Mỹ). Thời gian sau, Giám sát hiệu ứng hình ảnh Rob Legato, đã tiết lộ rằng bộ phim sử dụng công cụ thực tế ảo để quay. Giám sát sản xuất thực tế ảo - Girish Balakrishnan - cho biết trên trang web của mình rằng các nhà làm phim gần như đều sử dụng công nghệ ghi hình chuyển động thực tế ảo VR/AR (Virtual Reality/Augmented Reality). |
Bá Vũ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất