Trước giờ G trao giải, Oscar 2019 liên tục gặp rắc rối

19/02/2019 07:12 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ chưa đầy một tuần nữa là tới lễ trao giải Oscar (ngày 24/2 theo giờ địa phương, tức sáng ngày 25/2 theo giờ Việt Nam). Vậy nhưng, chưa bao giờ giải thưởng này lại gặp nhiều “phiền phức” như năm nay.

Những cái tên làm nên lịch sử tại đề cử Oscar 2019

Những cái tên làm nên lịch sử tại đề cử Oscar 2019

Danh sách đề cử giải Oscar lần thứ 91 năm 2019 đã được công bố vào sáng ngày 22/1 (theo giờ Mỹ) từ Nhà hát Samuel Goldwyn ở Beverly Hills, bang California. Và, bản danh sách ấy cũng gắn liền với những cột mốc mới trong lịch sử đề cử của giải thưởng điện ảnh này.

Gần nhất, chỉ vài ngày trước, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ lại bị chỉ trích tơi bời và bị nhiều ngôi sao dọa tẩy chay sau khi tuyên bố cắt 4 hạng mục trao giải trong chương trình truyền hình trực tiếp.

Lập tức sau đó, tổ chức này đã phải “sửa sai”, quyết định truyền hình trực tiếp toàn bộ các hạng mục giải thưởng. Đồng thời, họ thừa nhận vẫn đang “điều chỉnh kịch bản” cho lễ trao giải năm nay trong bối cảnh phải chịu áp lực chương trình phát sóng phải ít hơn 3 tiếng.

Trước thềm Oscar năm 2019, cùng nhìn lại những tranh cãi đã xảy ra trong thời gian qua.

Chú thích ảnh
 Tượng vàng oscar

“Vẽ” thêm hạng mục Phim đại chúng xuất sắc nhất

Viện Hàn lâm bắt đầu gặp rắc rối từ hồi tháng 8/2018 khi thông báo sẽ có 3 sự thay đổi lớn: Thiết lập hạng mục giải mới cho phim đại chúng, từ năm 2020 đẩy lễ trao giải Oscar lên sớm hơn (vào ngày 9/2), và tiếp cận rộng rãi ra toàn cầu hơn với chương trình phát sóng dài 3 tiếng.

Những thay đổi này được đưa ra với hi vọng tạo sự hấp dẫn hơn trên chương trình phát sóng, sau khi lễ trao giải Oscar năm 2018 tỷ lệ khán giả theo dõi thấp ở mức kỷ lục.

“Chúng tôi đã nghe được nhiều góp ý về những cải tiến cần thiết nhằm giữ cho các lễ trao giải Oscar và Viện Hàn lâm phù hợp với sự thay đổi của thế giới” - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Hàn lâm viết trong một bức thư.

Nhưng đề xuất hạng mục mới cho Phim đại chúng xuất sắc nhất đã khiến nhiều người hoạt động trong nền điện ảnh tức giận. Họ cho rằng hạng mục này sẽ tạo nên một hệ thống 2 tầng, gồm phim nổi tiếng và không phổ biến, tạo nên cuộc “đối đầu” giữa các loạt phim ăn khách về siêu người hùng và phim nghệ thuật có kinh phí thấp.

Hạng mục này sau đó đã được Viện Hàn lâm hủy bỏ song vẫn có chiều hướng được “khởi động lại”. Tổ chức này tuyên bố: Việc thiết lập bất cứ hạng mục giải thưởng mới nào đều tạo ra những thách thức cho các bộ phim đã được phát hành.

Kevin Hart từ bỏ vai trò MC

Vài tháng sau đó, rắc rối lại tiếp tục xảy ra sau khi danh hài Mỹ Kevin Hart được mời làm MC lễ trao giải Oscar năm 2019.

Trên trang Instagram cá nhân, Hart bày tỏ, được làm “chủ trò” lễ trao giải Oscar là ước mơ của anh từ nhiều năm qua. Nhưng chỉ 2 ngày sau đó, ước mơ của Hart đã trở thành “ác mộng”.

Hart buộc phải từ bỏ vai trò MC lễ trao giải Oscar 2019 sau khi những lời bình luận kỳ thị người đồng tính của danh hài này từ trước đó 10 năm đã được xới lại.

Chú thích ảnh
Danh hài Mỹ Kevin Hart đã quyết định từ bỏ vai trò MC lễ trao giải Oscar 2019 sau khi những bình luận kỳ thị người đồng tính của anh từ 10 năm trước bị “xới lại”

"Kevin, hãy đưa ra lời xin lỗi về những lời bình luận của mình hoặc nếu không chúng tôi buộc phải tìm một người dẫn chương trình khác” - Viện Hàn lâm tuyên bố.

Nhưng Hart không chọn cách xin lỗi mà quyết định từ bỏ “ước mơ” của mình. Sự việc này khiến Viện Hàn lâm “đau đầu” tìm người thay thế. Người dẫn chương trình nổi tiếng Ellen DeGeneres từng khuyên Hart nghĩ lại nhưng dường như cho đến nay các nhà tổ chức lễ trao giải Oscar vẫn quyết định tiến hành lễ trao giải không có MC.

Nếu đúng như vậy, đây là lần thứ 4 lễ trao giải Oscar diễn ra mà không có người dẫn dắt kể từ khi sự kiện điện ảnh lớn nhất hành tinh này được bắt đầu hồi năm 1929.

Lần đầu tiên xảy ra chuyện này là 3 kỳ trao giải liên tiếp (1969-1970-1971) khi người dẫn chương trình, nam diễn viên hài Bob Hope, đảm nhiệm vị trí MC của sự kiện trong suốt 4 năm liên tiếp trước đó. Thành công của anh tạo thành một áp lực quá lớn cho người kế nhiệm. Do vậy, vị trí MC đã bị bỏ trống trong 3 năm trước khi tìm được người thay thế.

Cáo buộc đe dọa của Viện Hàn lâm

Vài ngày sau khi Hart rút lui khỏi vai trò MC, Hiệp hội Các diễn viên Điện ảnh Mỹ (SAG) đã chỉ trích Viện Hàn lâm gây áp lực cho các nhân vật nổi tiếng không xuất hiện hoặc hiện diện tại các lễ trao giải khác ngoài Oscar.

SAG cho biết tổ chức này đã nhận được nhiều thông tin về các “nỗ lực kiểm soát các lễ trao giải. Họ tuyên bố: “Các diễn viên nên được tự do chấp nhận bất cứ lời mời nào để tham gia các lễ trao giải trong nền điện ảnh. Các nỗ lực dễ thấy của Viện Hàn lâm nhằm ngăn các thành viên xuất hiện tại các lễ trao giải là hoàn toàn thái quá và không thể chấp nhận được”.

“Cắt” rồi “giữ” một số hạng mục trao giải

Vì áp lực phải có thời lượng phát sóng trực tiếp lễ trao giải ít hơn 3 tiếng đồng hồ, vào tuần trước Viện Hàn lâm đã quyết định không phát trên sóng truyền hình việc công bố 4 hạng mục giải, gồm Quay phim xuất sắc, Biên tập phim xuất sắc, Phim hành động ngắn xuất sắc và Làm tóc xuất sắc. Bù lại, phần cuối lễ trao giải sẽ phát sóng những bài phát biểu nhận giải của các chủ nhân giải thưởng này.

Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối của gần 500 nhà làm phim, diễn viên nổi tiếng và nhà soạn nhạc, như George Clooney, Sandra Bullock, Robert De Niro... Họ đã ký vào một bức thư ngỏ yêu cầu Viện Hàn lâm thay đổi điều này.

Nhà làm phim Mexico Alfonso Cuaron (bộ phim Roma của ông được 10 đề cử Oscar năm nay) viết trên trang Twitter cá nhân: “Trong lịch sử điện ảnh, nhiều kiệt tác đã tồn tại mà không có âm thanh, không có màu, không có câu chuyện, không có diễn viên và không có âm nhạc. Nhưng không có bộ phim nào tồn tại mà không cần quay phim và không cần biên tập”.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link