Tổng cục TDTT kết luận: Nhiều sai phạm của giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội

24/08/2016 06:00 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Một trung tâm lớn, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thể thao Việt Nam, nhưng lại liên tục để xảy ra sai phạm trong nhiều năm. Đáng buồn hơn, những vi phạm này gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị là Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng. Những sai phạm đã được khẳng định trong kết luận số 37/KL-TCTDTT của Tổng cục TDTT vào ngày 2/2/2016.

Ông Hùng cũng chính là nhân vật vừa qua được dư luận nhắc tới nhiều về việc một số cán bộ của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Rio 2016 bị cho là sang Olympic chỉ để “góp vui”. Tuy nhiên, đây là vụ việc khác và trong số báo này chúng tôi chỉ đề cập tới những vấn đề liên quan tới Trung tâm HLTTQG Hà Nội.

“Quên” thành tích, thu tiền VĐV để chi tiêu

Theo kết luận của thanh tra, năm 2009 với lý do nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung tâm HLTTQG Hà Nội (trong bài gọi tắt là Trung tâm), Trung tâm đã có văn bản đề nghị khen thưởng một số tập thể, cá nhân. Trong đó, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Việc xét tặng được thông qua bởi Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung tâm; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tổng cục TDTT, Bộ VH,TT&DL và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Tuy nhiên, việc kê khai, báo cáo thành tích của ông Nguyễn Mạnh Hùng sau đó bị tố cáo có sự gian dối.

Cụ thể, điểm a, khoản 1, điều 44 Luật Thi đua, Khen thưởng quy định, Huân chương Lao động hạng Ba được trao cho cá nhân, tổ chức “đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 7 năm liên tiếp…”.

Căn cứ báo cáo cá nhân thì ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2003, 2004, 2007, 2008, không đạt danh hiệu này các năm 2002, 2005 và 2006. Trong kê khai, báo cáo thành tích, ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ kê khai đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2003, 2004, 2007 và 2008 như trên mà “quên” kê khai các năm 2005, 2006.

Tháng 4/2014 và tháng 1/2013, với lý do “giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, HLV, VĐV”, ông Hùng tổ chức 2 đoàn đi Côn Đảo gồm 5-6 thành viên. 2 chuyến đi này theo xác minh, không nằm trong kế hoạch công tác năm 2012 và 2013 của Trung tâm được cấp thẩm quyền phê duyệt, nhưng tiêu tốn tới 110 triệu đồng. Có 3 người tham gia cả 2 chuyến đi, trong đó có ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Sau khi lên nắm chức Giám đốc Trung tâm vào năm 2010, ông Hùng đã cho mua sắm, lắp đặt và sử dụng một loạt vật dụng xa xỉ cho phòng khách: bộ bàn ghế tiếp khách 54 triệu đồng, giường đơn 20 triệu đồng, tủ hai buồng 20 triệu đồng….Tổng số tiền hơn 215 triệu đồng, vượt quá quy định của Nhà nước.

Khi bị kiểm tra, ông Hùng giải thích đây là trang thiết bị dùng cho chuyên gia, phòng truyền thống, phòng huấn luyện của Trung tâm nhưng do các chuyên gia ít nên… mượn để dùng.

Trong các năm 2012, 2013 và 2015, Trung tâm nhiều lần thực hiện chấm công tập luyện ngày Chủ nhật (ngày nghỉ) cho HLV, VĐV. Ông Hùng bị tố cáo vi phạm quy tắc tài chính, qua việc này rút tiền Nhà nước để sử dụng sai mục đích.

Kết quả xác minh, việc chấm công của Trung tâm có nhiều tồn tại, bất hợp lý: Tập 5 ngày Chủ nhật/tháng, các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia được cho tập ở thời điểm không có giải đấu chính thức, không có mục tiêu cụ thể là bất hợp lý, chỉ có 1 HLV hoặc 1 VĐV tập trong ngày Chủ nhật…

Số tiền thu của VĐV không được thể hiện trên sổ sách, việc Trung tâm thu tiền VĐV để tổ chức các sự kiện như Ngày Thể thao Việt Nam 27/3, Lễ xuất quân SEA Games 28, liên hoan nhà hàng Sen Tây Hồ năm 2012 cũng bị đánh giá là không hợp lý.

Tuy nhiên, thanh tra không kết luận được số tiền trên có xuất phát từ nguồn là tiền chấm công hay không. Trong khi ông Hùng giải thích đây là tiền VĐV “tự nguyện” đóng góp. Số tiền này theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, vào khoảng gần 4 tỉ đồng.

Vi phạm tràn lan nhưng... vẫn vững ghế

Dưới sự quản lý của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trung tâm HLTTQG Hà Nội qua nhiều năm đã để xảy ra rất nhiều vi phạm, gây bức xúc trong dư luận đơn vị. Năm 2014, 2015 và 2016, Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT và các ban, ngành chức năng liên tục phải giải quyết đơn thư tố cáo cá nhân ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Ngày 10/7/2014, Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL đã ban hành quyết định thành lập Đoàn Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý Dự án đầu tư xây dựng tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội.

Đến ngày 7/11/2014, tiếp tục Tổng cục TDTT đã thành lập Tổ xác minh đơn tố cáo đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc, Bí thư Chi bộ Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Từ đây, một loạt vi phạm của Trung tâm đã được “khui ra”.

Đơn cử như theo kết quả thanh tra của Tổng cục TDTT, từ cuối năm 2011, Trung tâm đã tự ý tiến hành việc ký hợp đồng thuê vệ sĩ chuyên nghiệp, số lượng 18 người/tháng, với số tiền hàng tháng phải trả là 75.540.000 đồng. Số bảo vệ sẵn có của Trung tâm được điều chuyển sang công tác khác.

Trong khi đó, theo Nghị định ngày 17/11/2000 của Chính phủ, Tổng cục TDTT hàng năm giao biên chế sự nghiệp cho Trung tâm gồm 150 chỉ tiêu, người làm việc, trong đó có 72 viên chức chuyên môn và 78 hợp đồng lao động.

Việc Trung tâm được giao chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 68, gồm có bảo vệ cơ quan, nhưng không sử dụng mà thực hiện ký hợp đồng thuê vệ sĩ, không báo cáo lãnh đạo Tổng cục TDTT là chưa đúng quy định, theo khoản 2, điều 7 Nghị định ngày 9/11/2013 của Chính phủ về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Tin tưởng ở Tổng cục TDTT

Tin tưởng ở Tổng cục TDTT

Đại diện Tổng cục TDTT cho biết sẽ chỉ đạo VFF chủ trì một “Hội nghị Diên Hồng” về bóng đá vào tháng 11, thông tin này hẳn nhiều người vui mừng...


Qua kiểm tra danh sách người lao động làm bảo vệ trước đây đã được Trung tâm chuyên công tác tại các phòng chuyên môn thuộc Trung tâm cho thấy, toàn bộ các trường hợp trên vẫn giữ ngạch lương bảo vệ, Trung tâm chưa làm phụ lục hợp đồng hoặc quyết định điều chuyển các đối tượng trên phù hợp với công việc được giao. Đáng chú ý, quá trình xác minh cho thấy thực tế công tác bảo vệ không đủ số lượng người hàng tháng theo hợp đồng, chỉ từ 12-14 người, danh sách người trực cũng không trùng khớp với bảng chấm công của Trung tâm. Dưới sự quản lý của ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều dự án tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội bị triển khai chậm tiến độ, không đúng kế hoạch hoặc mua sắm thiết bị không đúng chuẩn.

Quá trình đấu thầu để xảy ra nhiều vi phạm như chọn nhà thầu không đủ điều kiện kinh doanh, nhà thầu không đủ điều kiện năng lực theo hồ sơ mời thầu vẫn trúng thầu. Đơn cử như gói thầu cải tạo nhà tập luyện và thi đấu bóng chuyền, hợp đồng là sản xuất, lắp đặt phụ kiện thảm thi đấu với giá 644 triệu đồng.

Thực tế, trên cơ sở nền cũ hỏng, cải tạo lại, nhà thầu…tạo lớp lót bằng cao su vụn bên dưới, phủ keo và sơn 5 lớp trên bề mặt sàn để lắp đặt thảm. Gói thầu cải tạo nâng cấp khu A, B thì hệ thống trần được thi công theo thiết kế điều chỉnh thay tấm trần thạch cao chịu nước khung xương chìm Malaysia bằng tấm trần Austrong khung xương nổi 600x1200, dày 15mm, nhưng thanh toán là tấm trần thạch cao (453 triệu đồng); máng tôn thực tế thi công giữ nguyên khung xương cũ và lắp dựng máng tôn 600x600, nhưng thanh toán gồm sản xuất và lắp dựng máng tôn 600x1200,  khung xương máng 600x1200x600 (304 triệu đồng); Tấm trần thạch cao chịu nước ở khu nhà C, D thi công theo thiết kế điều chỉnh là loại dày 4,5mm nhưng thanh toán theo giá hợp đồng và thiết kế ban đầu là loại dầy 10mm (519 triệu đồng). Ở gói thầu xử lý nước sinh hoạt, hệ thống dây chuyền nước uống tinh khiết cho VĐV, một loạt thiết bị không đạt chuẩn vẫn được cho lắp đặt, với tổng trị giá hơn 700 triệu đồng…

Để xảy ra sai phạm tràn lan trong nhiều năm, không thực hiện đầy đủ kết luận thanh tra nhưng tháng 10/2015, ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn được tái bổ nhiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này trong các số báo tiếp theo.

Hồng Đậu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link