Giám tuyển Ace Lê: 'Việt Nam - thị trường nghệ thuật tăng trưởng tốt nhất Đông Nam Á'

11/07/2022 07:59 GMT+7 | Văn hoá

Triển lãm phi thương mại Timeless Souls: Beyond The Voyage - Hồn xưa bến lạ do Sotheby’s tổ chức, với sự giám tuyển của Ace Lê, diễn ra tại Park Hyatt Saigon từ ngày 11 đến 14/7, giới thiệu 56 tác phẩm của “bộ tứ Paris”. Quan điểm của Sotheby’s về triển làm này: “Tự hào giương cao lá cờ tiên phong trong một dự án nhằm nâng cao nhận thức về Việt Nam như một nôi văn hóa nghệ thuật quan trọng”.

Gần 500 tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 

Gần 500 tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 

Chiều 1/12, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc và trao giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020. Sự kiện do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.

“Bộ tứ Paris” là cách gọi thân mật của các danh họa Việt Nam sống tại Pháp, gồm Mai Trung Thứ (1906-1980), Lê Phổ (1907-2001), Vũ Cao Đàm (1908-2000), Lê Thị Lựu (1911-1988) - xếp thứ tự theo năm sinh. Họ cùng học tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sáng tác một thời gian tại Hà Nội, trước khi sang Pháp định cư. Trên thị trường quốc tế, sau khi Lê Phổ cán mốc triệu đô (USD), thì giá bán của ba họa sĩ còn lại cũng leo thang chóng mặt. Sẽ không có gì bất ngờ khi họ sẽ trở thành “bộ tứ triệu đô” trong tương lai gần.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với giám tuyển độc lập Ace Lê về quá trình chuẩn bị cho triển lãm công phu này.

Chú thích ảnh
Giám tuyển Ace Lê

* Thưa anh, vì sao Sotheby’s lại muốn bắt đầu với “bộ tứ Paris” này?

- Vì xét cả về mặt lịch sử và lịch sử mỹ thuật, hành trình các tác phẩm của bộ tứ này mang tính đại diện lớn cho quá trình trở về nguồn cội của tranh Đông Dương nói chung. Phong cách sáng tác của họ cũng thể hiện sự kết hợp Đông-Tây nhuần nhuyễn: mặc dù sử dụng nhiều kỹ thuật sáng tác du nhập từ Tây phương, nhưng chất cá nhân và bản sắc Việt vẫn được biểu đạt mạnh mẽ.

Về mặt thị trường, các tác phẩm của bộ tứ này đã liên tục phá kỷ lục gõ búa, đứng đầu thị trường Việt Nam, vượt qua sức mua của đại đa số công chúng, của cả các bảo tàng công lập. Tại Việt Nam, hầu hết khán giả tuy đã đọc về tác phẩm của họ trên truyền thông dày đặc, nhưng rất tiếc lại có rất ít cơ hội để chiêm ngắm trực tiếp. Các tác phẩm hồi hương đều nằm trong tư gia của các nhà sưu tập và bảo trợ nghệ thuật tư nhân, nên việc lựa chọn các tác phẩm lần này giới thiệu tới công chúng đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc lan tỏa sự tiếp cận với mỹ thuật Đông Dương.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thiếu nữ cầm quạt” (mực và gouache trên lụa, 37cm x 30cm, khoảng 1940) của Lê Phổ

* Quá trình tuyển lựa ra sao? Nó phản ánh như thế nào về diện mạo của các bộ sưu tập có tranh của bộ tứ Paris này tại Việt Nam hiện nay?

- Đây là một quá trình chọn lọc và thẩm định kỹ lưỡng. Trước hết, tôi làm việc với các nhà sưu tập uy tín trong nước để đặt vấn đề mượn tranh - việc thuyết phục được nhà sưu tập “mở kho” là cả một vấn đề lớn. Từ một danh sách tranh đề cử ban đầu gồm 200 bức, tôi đã làm việc với nhóm chuyên gia Sotheby’s để lọc xuống còn 56 bức.

Đây cũng là lần đầu tiên nhà Sotheby’s viện tới sự trợ giúp của các chuyên gia Việt, nên tôi cũng nhân cơ hội này liên lạc với một số nhà nghiên cứu trong nước để nhờ tham vấn thêm trong quá trình tuyển lựa. Đây thực sự là công sức chung của cộng đồng nghiên cứu, nay xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các cộng sự như anh Ngô Kim Khôi, anh Phạm Long, anh Phạm Quốc Đạt, anh Lý Đợi, bạn Kevin Vương, anh Châu Hải Đường... và nhiều người khác mà tôi không thể liệt kê hết.

Chỉ khoảng 1/4 số tranh đưa ra được tuyển lựa, vì nó phải bảo đảm nhiều yêu cầu nghiêm ngặt, đồng thời chúng là những lát cắt dọc theo chiều dài sáng tác của bộ tứ, chủ yếu xuyên suốt các thập niên từ 1930 đến 1970. Có nhiều tác phẩm quan trọng về mặt lịch sử mỹ thuật, thể hiện tư tưởng và kỹ thuật sáng tác xuất sắc của mỗi người.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Trở về” (sơn dầu trên toan, 92,5cm x 73,5cm, 1964) của Vũ Cao Đàm

* Từ cương vị của một giám tuyển độc lập, đâu là hài lòng nhất của anh cho đến lúc này?

- Thuận lợi lớn nhất là sự ủng hộ không vụ lợi từ cộng đồng cho dự án phi thương mại này. Bên cạnh các chuyên gia luôn sẵn sàng hỗ trợ về cố vấn và thông tin, còn có nhiều Mạnh Thường Quân giấu tên và đội ngũ tình nguyện viên tham gia giúp đỡ rất nhiều.

Thách thức thì có nhiều lắm, vì đây là triển lãm đầu tiên xét theo rất nhiều khía cạnh, nên tôi cũng hy vọng nó sẽ là mốc chuẩn cho nhiều dịch vụ cung cấp còn đang hạn chế về chuyên môn, thậm chí là chưa có mặt ở Việt Nam. Ví dụ như dịch vụ bảo hiểm cho tranh, Sotheby’s phải sử dụng dịch vụ tại Singapore. Về mặt đóng gói, vận chuyển và treo tranh, cũng phải có một đội ngũ chuyên biệt từ Singapore bay về để đảm đương.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hai mỹ nữ” (bột màu trên lụa, 58cm x 34cm, khoảng 1942) của Mai Trung Thứ

Nhưng điều hài lòng lớn nhất cũng là thách thức lớn nhất, đó là sự tiếp nhận từ công chúng. Dù đã có dự tính trước, nhưng bản thân tôi cũng không thể ngờ được triển lãm lại nhận được sự quan tâm lớn đến vậy – số lượng người đăng ký trong toàn bộ các khung giờ viếng thăm đã vượt quá 140% so với dự kiến - chỉ sau chưa đầy một tuần công bố. Điều này là vấn đề lớn về mặt an ninh. Chúng tôi đã phải thuê dịch vụ bảo vệ và CCTV 24/7, cộng thêm 50 tình nguyện viên giúp điều phối chương trình, nhưng chắc chắc sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Tôi cũng mong khán giả thông cảm, để cùng nhau tuân theo những quy tắc ứng xử văn minh khi tới xem triển lãm này.

* Triển lãm này phản ánh thế nào về tầm nhìn hoặc tương lai của Sotheby’s tại Việt Nam?

- Theo nhiều số liệu quốc tế cho thấy Việt Nam đang là thị trường nghệ thuật tăng trưởng tốt nhất Đông Nam Á, nhưng Sotheby’s lại chưa có hiện diện trực tiếp như ở Indonesia, Thái Lan hoặc Singapore. Triển lãm này thể hiện sự đầu tư chiến lược của họ vào Việt Nam, nên tôi cho là rất đáng mừng. Việc đồng ý biến nó thành dự án triển lãm phi thương mại đầu tiên trong lịch sử của họ, cũng là một động thái ý nghĩa và chiến lược, thể hiện sự tôn trọng với cộng đồng và thị trường Việt Nam, tri ân lịch sử mỹ thuật và giới sưu tập, thưởng lãm tại Việt Nam. Nó làm tôi cảm thấy những gì tôi đã và đang làm trong thời gian vừa qua cũng có một chút hiệu quả nhất định.

Tôi hy vọng dự án này chỉ là bước đầu để góp phần mở cánh cửa cho các nhà đấu giá quốc tế khác nhận ra lợi ích của việc hợp tác với các chuyên gia Việt Nam trong quá trình phát triển thị trường tranh Việt một cách minh bạch, bền vững.

* Trân trọng cảm ơn anh.

Ace Lê có bằng thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng và thực hành giám tuyển; khóa thạc sĩ về báo chí và truyền thông tại Nanyang Technological University. Anh cũng lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh tại National University of Singapore. Ace Lê là giám đốc sáng lập của Lân Tinh Foundation và hiện đang làm ở Art Republik Việt Nam. Anh là thành viên chương trình Lãnh đạo nghệ thuật quốc tế 2022 của Hội đồng nghệ thuật Australia và là thành viên ban cố vấn của kho dữ liệu nghệ thuật Việt Nam (ViAA).

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link