21/05/2019 20:03 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Những tranh cãi vừa qua quanh vở cải lương thể nghiệm Nhật thực đã đánh động một vấn đề không mới: nên “thể nghiệm” bộ môn nghệ thuật truyền thống này tới đâu?
Nói không mới, bởi nếu hỏi cải lương có cần đổi mới hay không, thì câu trả lời là “cần”. Thế kỷ này đã là thế kỷ 21, con người đã có nhịp sống mới, khán giả đã có nhu cầu thưởng thức mới, thì tất nhiên nghệ thuật phải đồng hành với họ. Thế nhưng, cách giải quyết bài toán ấy lại không hề dễ để đem tới một hiệu quả lâu dài.
Không thể dậm chân tại chỗ
Không phủ nhận những giá trị cũ, những tác phẩm xưa là rất hay, nhưng nếu cứ đi mãi một con đường thì mọi thứ sẽ cũ mòn, cải lương sẽ chết. Những tác phẩm mới bây giờ chưa chắc qua nổi những tác phẩm xưa, vậy nó phải có cái gì riêng nó thì mới tồn tại được.
Đạo diễn Hồng Dung (Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) - cũng là con gái của cố soạn giả Năm Châu lừng danh - khẳng định: “Cải lương chưa bao giờ dừng lại, vì vậy thể nghiệm là con đường tất yếu nó phải đi. Trong bản thân chữ cải lương đã có ý nghĩa là cải cách rồi. Thế hệ chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cải lương thể nghiệm”.
Đã có những nghệ sĩ máu lửa bước vào con đường gian nan này. Hai tên tuổi nổi bật là đạo diễn Hoa Hạ và đạo diễn Nguyên Đạt. Cách đây mười mấy năm, Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga của Hoa Hạ đã táo bạo phối hợp âm nhạc ngũ cung với nhạc giao hưởng, dàn dựng tại Nhà thi đấu Quân khu 7 hoành tráng, mỗi vở có khoảng 400 nghệ sĩ cải lương, ca sĩ, múa, âm nhạc, họa sĩ, hậu đài… Vé bán lúc đó đã lên tới 500 ngàn, 700 ngàn và 1 triệu đồng. Mỗi suất 4.000 vé ngồi kín tất cả ghế, có suất phải kê thêm ghế xúp.
Mới đây, đạo diễn Nguyên Đạt có vở Tổ quốc nơi cuối con đường và Nhật thực, phối hợp âm nhạc ngũ cung với pop, rock, world music, cũng gây ấn tượng rất mạnh mẽ. Nếu như Hoa Hạ với sở trường dàn dựng hoành tráng, thì Nhật thực của Nguyên Đạt lại tối giản diện tích, cảnh trí, diễn viên, nhỏ xinh như một bức tranh. Mỗi người một kiểu, làm cho cải lương thay đổi diện mạo, thổi vào không khí trầm lặng của cải lương một làn gió mới, khiến người ta không thể thờ ơ.
Đi mãi mới thành đường
Rõ ràng là không thể thờ ơ, bởi mỗi vở cải lương có sự thể nghiệm đều khuấy động khá mạnh đời sống của bộ môn nghệ thuật này, với những tranh cãi từ nhiều phía: khen, chê, ủng hộ, phủ nhận… Đạo diễn Hồng Dung nói: “Tất nhiên thôi, cái gì mới mà không gây tranh cãi?! Nhưng tinh thần là phải ủng hộ thể nghiệm, rồi cái gì non nớt, yếu kém thì mọi người góp ý cho hoàn thiện”.
Và cũng theo bà Dung, cải lương thể nghiệm vẫn phải giữ cho được “chất cải lương”, nghĩa là nội dung đề tài phải gần gũi, với chất tâm lý xã hội, với tinh thần nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, không nên giáo điều, hoặc suy nghĩ phức tạp. Riêng bài ca, lời thoại thì phải mang tính tự sự, dù có văn học cách mấy cũng không nên rơi vào kiểu khoa trương, lên gân… Bên cạnh đó, âm nhạc phải phối hợp thế nào để thấy được sự hài hòa, ngọt ngào giữa ngũ cung với các thể loại âm nhạc khác, có lẽ là khâu khó nhất, nếu không khéo sẽ trở thành sự lắp ghép sống sượng.
Nhìn lại, trong những vở thể nghiệm đã qua, thấp thoáng đâu đó cái được và cái chưa được, nhưng sự đóng góp của chúng là đáng ghi nhận. Người ta sẽ rút ra được từ đó những kinh nghiệm quý, dần dần tạo nên hình nên vóc cho gương mặt cải lương hiện đại.
Nhưng sự thật từ mười mấy năm nay, cải lương thể nghiệm cứ như con sóng vừa trồi lên một chút rồi lặn xuống mất tăm, chưa tạo thành cái gì chắc chắn. Chính vì vậy, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ từng bức xúc: “Đi mãi mới thành đường chứ. Chúng tôi chỉ mới vẹt cỏ, đặt vài bước chân, cần phải có nhiều người khai phá và tiếp bước nữa, thì con đường mới rõ nét”.
Đúng là quá ít người tiếp tục con đường thể nghiệm, quá ít người dám mạo hiểm. Hoa Hạ và Nguyên Đạt đều bán nhà, bán đất để làm vốn dựng vở. Thậm chí, đạo diễn Nguyên Đạt còn đi đến từng đơn vị công đoàn để tự giới thiệu, mong công nhân được xem vở Tổ quốc nơi cuối con đường. Hoa Hạ thu lại được, còn Nguyên Đạt vẫn chưa. Tâm huyết ấy, “máu liều” ấy đâu phải ai cũng có.
Nhưng lạ, nhìn lại hình như công cuộc cải cách gian nan này đều do tư nhân khởi xướng và thực hiện, chưa có sự hỗ trợ nào của nhà nước. Hoa Hạ kể: “Duy chỉ một lần…! Hồi đó, một lãnh đạo TP.HCM xem xong Chiếc áo thiên nga, thấy thích, muốn bỏ tiền mua thêm 2 suất diễn cho sinh viên xem miễn phí, mỗi suất 4.000 vé. Nhưng bên cho thuê sân khấu đã kín hết lịch, chúng tôi không chen vô được nữa. Mà cảnh trí đó phải mất 10 ngày mới lắp ráp xong, nếu dỡ ra rồi lắp lại thì ảnh hưởng tới lịch của người ta. Đành thôi”.
Giá như được nhà nước hoặc nhiều “Mạnh Thường Quân” hà hơi tiếp sức thì có lẽ cuộc thể nghiệm này sẽ liên tục hơn, mạnh hơn, hoàn chỉnh hơn – thay vì lo lắng về những đứt gãy khiến con đường đi tới tương lai của cải lương trở nên xa vời. Đừng để câu chuyện ấy mãi là nỗ lực của từng nghệ sĩ, khi họ hết sức thì con sóng thể nghiệm lại lặng xuống và chìm sâu.
“Nhật thực” (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt) là vở cải lương thể nghiệm do Sân khấu Nhà hát Thế giới Trẻ và Sân khấu Sen Việt phối hợp dàn dựng để tham gia Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm Quốc tế lần thứ 3 vào cuối năm nay. |
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất