18/01/2023 08:52 GMT+7 | Văn hoá
Ở tuổi 85, GS Nguyễn Lân Dũng, người con của đại gia đình Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, đã trải qua nhiều Tết Nguyên đán. Nhưng với ông, Xuân 2023 là một cái Tết để lại nhiều suy ngẫm.
Là một người thầy, một chuyên gia nghiên cứu, ông tâm sự rằng: Đến khi nào, vào ngày Tết, chúng ta biết tặng nhau những cuốn sách và coi đó là những vật phẩm mang ý nghĩa tinh thần - thay vì việc chạy đua với những món quà có giá trị vật chất nào đó - thì ý nghĩa biết bao.
"Vâng, năm nay tôi đã 85 tuổi, có nghĩa đã cùng gia đình trải qua rất nhiều dịp Tết Nguyên đán..." - ông mở đầu câu chuyện.
Tết ấm áp nghĩa tình
"Trong kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi thường đi theo cơ quan của bố tôi(Sở Giáo dục Liên khu X và sau đó là Liên khu Việt Bắc). Tuy nghèo và còn không ít khó khăn nhưng tôi nhớ là mẹ và chị tôi vẫn gói bánh chưng, và chúng tôi cùng thức canh nồi bánh đêm 30 Tết.
Để trang trí ngày Tết, chúng tôi thường lên đồi tìm hái hoa sim, hoa mua, giản dị thôi nhưng cũng ấm cúng ngày Xuân. Mâm ngũ quả tuy không đủ loại nhưng vẫn có chuối, có bưởi, có cam, có quýt. Chuyện không thể thiếu là đến thăm thầy cô giáo vào ngày mồng 3 Tết.
Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, tuy đời sống vật chất có khá hơn nhưng có những năm không đủ mặt anh chị em. Những năm đầu chống Mỹ, anh Lân Tuất tham gia bộ đội và làm phiên dịch tại Sở chỉ huy Sư đoàn Phòng không số 1. Tiếp theo là Lân Tráng, tham gia trực tiếp chiến đấu cùng bộ đội pháo cao xạ và là thành viên gia đình tham gia quân ngũ lâu nhất. Rồi đến Lân Việt cũng nhập ngũ nhưng với thời gian ngắn hơn. Có những Tết, từ các nơi sơ tán, chúng tôi không có điều kiện sum họp cả nhà nhưng nói chung vẫn giữ được liên hệ để động viên và hỗ trợ nhau.
Hiện nay, bố mẹ chúng tôi đều đã khuất bóng nên sinh hoạt ngày Tết không thể thiếu được việc về quê viếng mộ bố mẹ 2 bên. Bố mẹ tôi yên nghỉ cạnh nhau tại quê nhà (Phùng Chí Kiên, Mỹ Hào, Hưng Yên) nên chúng tôi về quê vào dịp cúng ông Công ông Táo, vì đó cũng là dịp giỗ ông nội và anh của bố tôi. Bên ngoại, chúng tôi phải đi thăm mộ 2 nơi nhưng cùng một hướng, ông ngoại ở nghĩa trang Mai Dịch còn bà ngoại ở quê Lai Xá, Hoài Đức.
Bây giờ, anh em con cháu đã đông nên việc tổ chức ngày Tết phải chia ra. Chúng tôi ở gần bên ngoại nên ngày mồng 1 tham dự bên ngoại. Tuy nhiên, tối 30 Tết, anh chị em đều về Kim Liên thắp hương trên bàn thờ bố mẹ và anh chị tôi. Ngày mồng 1 Tết, ngoài việc thắp hương, chúng tôi còn có "tiết mục" từng người lớn nhỏ (đã đi làm) nêu tóm tắt công việc trong năm, dâng sách báo của mình lên bàn thờ và sau đó từng người có phong bì "lì xì" cho mọi người lớn bé trong đại gia đình. Cháu nào đang đi học hoặc công tác ở nước ngoài thì bố mẹ nhận hộ. Vui vẻ và hào hứng lắm.
Bên nội thì hẹn nhau ăn chung một bữa cơm tại nơi có bàn thờ của bố mẹ. Cố gắng càng đông càng vui nên nhiều khi lên đến gần 50 người. Ăn xong chúng tôi cùng nhau đi bộ sang trường học gần đó để… chụp ảnh. Chụp chung cả đại gia đình và chụp riêng từng gia đình.
Chuyện đi thăm họ hàng vào ngày Tết là ưu tiên những người thân ở gần và không quên nhắc con cháu ngày mồng 3 nhớ đi thăm các thầy cô giáo của mình và của con cháu mình. Riêng chuyện này, năm nào tôi cũng bùi ngùi vì thầy cô giáo của tôi ở tất cả các cấp đều không còn ai nữa (thầy Hoàng Tụy là thầy giáo cuối cùng của tôi đã đi xa).
Mong muốn nông dân được tặng quà bằng sách
Tết năm naysau những biến cố của đại dịch, chúng tôi có niềm vui mới là tuy có vài người dính Covid-19 nhưng đều an toàn vượt qua. Em trai Lân Việt, con trai Lân Hiếu, cháu trai Ngọc Minhđều là các bác sĩ tham gia tuyến đầu chống dịch nhưng đều bình an, có lẽ đó là niềm vui quá lớn.
Chúng tôi không thấy áp lực về sắm Tết, vì nhiều gia đình đã có điều kiện ở chung cư nên việc xuống siêu thị mua các thứ phục vụ cho 3 ngày Tết trở nên quá đơn giản. Có lẽ, niềm vui sắm sửa lớn nhất là đi sắm thêm quần áo rét cho các cháu nhỏ vì quần áo cũ đã chật.
Năm xưa, nhu cầu vật chất đơn giản hơn nhiều. Những năm gần đây mức sống của nhân dân đều được cải thiện nên việc sắm Tết trở nên thuận tiện. Muốn mua gì vào siêu thị đều có sẵn, kể từ bao lì xì, đến túi đựng quà Tết. Thậm chí chả cần đi đâu, mua hàng qua điện thoại và hàng được "ship" đến tận nhà.
Đúng là kỷ nguyên số đã đến với mọi người. Đời sống đã được nâng cao rõ rệt. Nhưng trong lòng mình, tôi vẫn thật sự băn khoăn về cuộc sống còn khó khăn đối với không ít thành phần trong xã hội.
Lâu nay, tôi rất cố gắng giới thiệu cho bà con nông dân những mô hình nông dân làm ăn giỏi và trở nên khá giả (thông qua chương trình Sinh ra từ làng và các giải đáp khoa học trên trên truyền hình và trên báo Nông nghiệp). Tuy nhiên, chả thấm vào đâu, vì vậy tôi quyết định biên soạn cuốn Hỏi đáp về nông nghiệp nêu lên đủ các kiểu đổi mới cây trồng, vật nuôi và mỗi mô hình đều có địa chỉ và số điện thoại cụ thể.
Tôi thầm nghĩ: Giá mỗi hộ nông dân có được một cuốn này thì sao có thể tiếp tục nghèo đói? Người ta làm được sao mình không làm được, không biết thì hỏi, đâu quá khó khăn. Sách dày 221 trang, giá 119 ngàn đồng. Đợt đầu in có 1 ngàn cuốn, nhưng… không bán hết (!).
Thật buồn, nông dân không có thói quen mua sách và đọc sách, về làng cũng khó tìm thấy hiệu sách và nếu có thì chỉ toàn sách giáo khoa và sách cho trẻ em!
Tôi chợt nghĩ: Giá trong hành trang về quê ăn Tết, nếu mỗi chúng ta bên cạnh mứt kẹo làm quà sao không kèm theo những cuốn sách loại này để làm quà cho những người thân của mình đang sống tại quê nhà...
Tôi lại nhớ, nước ta hiện có đến gần 684 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người. Không ít những ông chủ bà chủ các doanh nghiệp trước đây cũng là nông dân. Sao các chủ doanh nghiệp không nghĩ đến việc trích một phần doanh thu để làm một việc từ thiện rất có ý nghĩa: Tặng bà con cô bác ở chính quê hương mình những cuốn sách khoa học mà có thể thiết thực góp phần thay đổi cuộc sống của họ".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất