16/03/2019 12:12 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh còn quá thấp trong khi quy hoạch giao thông tĩnh bị phá vỡ, các bãi trông giữ xe biến tướng thành nhà hàng, văn phòng cho thuê… Thiếu điểm trông giữ xe trầm trọng đã kéo theo nhiều hệ lụy trên địa bàn Hà Nội. Vỉa hè, lòng đường, công viên bị chiếm dụng lập bãi trông giữ xe trái phép, thu giá “chặt chém” người gửi xe, phương tiện đậu đỗ tràn lan trong nhiều khu đô thị.
Đây là thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên địa bàn Hà Nội đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp cấp bách giải quyết nhu cầu trông giữ phương tiện cho người dân.
Chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, xẻ thịt công viên lập bãi trông giữ xe trái phép, thu giá gấp nhiều lần quy định là thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân xóa sổ các bãi trông giữ xe trái phép, không phép nhưng chỉ một thời gian sau một số bãi xe vẫn hoạt động trở lại bất chấp các quy định pháp luật như: an toàn phòng cháy chữa cháy, giấy phép trông giữ phương tiện.
Vi phạm tràn lan
Quận Hoàng Mai là một trong những điểm nóng vi phạm các quy định trong dịch vụ trông giữ xe, điển hình là khu đô thị Linh Đàm và khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp.
Gọi là khu đô thị kiểu mẫu nhưng khu đô thị Linh Đàm ngột ngạt vì mật độ phương tiện dày đặc, nhất là vào buổi tối và sáng sớm. Vỉa hè, lòng đường, góc công viên, hay bất cứ khoảng đất trống nào cũng biến thành nơi trông giữ phương tiện. Ôtô, xe máy đỗ la liệt ngay dưới lòng đường, các bãi xe cạnh tranh nhau từng mét đất, thu phí mỗi nơi một kiểu. Ngay dưới gầm cầu vượt qua hồ Linh Đàm cũng biến thành nơi đậu đỗ xe ngày và đêm của cư dân toàn nhà VP6. Đáng ngại là các bãi xe lộ thiên này không có bất cứ phương tiện đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ nào, thế nhưng phí trông giữ ở đây vẫn cao ngất ngưởng.
Theo phản ánh của những cư dân sống ở tòa nhà HH chung cư Linh Đàm, do nhu cầu gửi đỗ xe ở khu đô thị này quá lớn, nên các chủ điểm trông giữ thu giá trông giữ từ 1,2 triệu – 1,5 triệu đồng/ô tô/tháng, tùy từng loại xe. Giá cao nhưng bãi xe “khủng” nhất ở đây sức chứa 500 xe vẫn thường xuyên quá tải. Tại đây có 12 tòa nhà với hơn 10.000 hộ dân nhưng chỉ có duy nhất 1 tầng hầm để trông giữ xe máy nên việc dẹp các bãi xe tự phát trong khu đô thị này như “bắt cóc bỏ đĩa”, thậm chí mỗi lần nghe tin dẹp bãi xe tự phát cư dân lại “phát sốt” vì không biết gửi xe ở đâu.
Tương tự, ở khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, cuối năm 2018, người dân ở đây cũng phản ánh việc bãi xe hơn 2000 m2 chạy dọc bờ Bắc sông Tô Lịch từ đầu cầu Tứ Hiệp đến sát công trình xây dựng đường cao tốc Pháp Vân, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng vận tải Quân Trung quản lý và khai thác. Mặc dù đã hết phép nhưng bãi xe này vẫn tồn tại trái phép hơn 1 năm qua mà chưa bị giải tỏa. Xe đỗ ngang, dọc bất cần hàng lối, chặn hết vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Do giáp khu vực đang xây dựng đường cao tốc nên xe tải chở đất đá thường xuyên qua lại, cộng với xe buýt, xe khách của doanh nghiệp Quân Trung ra vào liên tục nên người đi bộ thường xuyên phải đối diện với nhiều rủi ro khi bị đẩy xuống phần đường dành cho ô tô.
Bên cạnh tình trạng hoạt động không phép, trái phép, tình trạng các điểm trông giữ xe tự phát đẩy giá trông giữ lên cao gấp nhiều lần quy định; tranh giành, chèo kéo khách... cũng tái diễn tại một số di tích đình, đền, chùa, bia, phủ, khu vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khiến người dân bức xúc.
Tìm giải pháp
Việc giải quyết giao thông tĩnh cho thành phố nói chung và quận Hoàng Mai nói riêng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Đó là, số lượng các bến, bãi, điểm trông giữ xe trên địa bàn được cấp phép còn hạn chế, chỉ bằng một phần nhỏ số lượng các bãi trông giữ xe thực tế. Một số tòa chung cư thương mại, nhà ở xã hội có tầng hầm nhưng chỉ phục vụ để xe máy. Các nhà tái định cư không có tầng hầm, dẫn đến tình trạng các bãi trông giữ xe tự phát mọc lên như "nấm sau mưa" tại sân các khu chung cư, đường nội bộ khu đô thị, đất nông nghiệp, đất dự án chưa thực hiện, đất ở của các hộ dân và đỗ xe lộn xộn trên vỉa hè, lòng đường...
Ông Trần Huy Hoàng, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, phường đã thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý các bãi đỗ xe không phép, nhưng nhu cầu gửi xe của chính người dân tại khu đô thị Linh Đàm quá lớn nên khó giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm. UBND phường đã có những đề xuất với quận Hoàng Mai và thành phố Hà Nội để đưa ra giải pháp lâu dài để xử lý tình trạng thiếu bãi đỗ xe tại khu vực.
Theo ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, để đảm bảo giải quyết dứt điểm tình trạng trông giữ phương tiện không phép cũng như đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe cho nhân dân trên địa bàn quận, trước mắt, Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai đã chỉ đạo các phòng chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động người dân gửi xe vào các điểm đã cấp phép.
Đặc biệt, để giảm áp lực không có chỗ để xe, Ủy ban Nhân dân quận đang kiến nghị sở, ngành liên quan cho mở rộng bãi xe đã cấp phép và cấp phép tạm cho những vị trí đủ điều kiện. Đồng thời, Ủy ban Nhân dân quận cũng phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng bãi trông giữ xe phù hợp quy hoạch; trong đó, riêng trên địa bàn 2 phường Đại Kim và Hoàng Liệt đã có 17 điểm quy hoạch bãi đỗ xe, đáp ứng nhu cầu gửi xe cấp thiết của người dân.
Tuyết Mai/TTXVN
Bài 2: Đẩy nhanh quy hoạch bến bãi đỗ xe
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất