16/09/2018 11:22 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Siêu bão Mangkhut tiến vào Biển Đông trở thành cơn bão số 6 năm 2018 được đưa ra dự báo cảnh báo nguy hiểm cấp 5 – cấp thảm họa. Cảnh báo cấp 5, cấp thảm họa là cấp độ cảnh báo bão cao nhất lần đầu tiên được đưa ra kể từ khi Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực đến nay.
Có thể nói bão Mangkhut, cơn bão số 6 có cường độ rất mạnh và phức tạp. Nhìn lại 12 năm trước, năm 2006 nước ta cũng gánh chịu cơn bão số 6 lịch sử, Bão Xangsane. Bão Xangsane giật trên cấp 13 nhưng thực chất thì sức gió của nó đạt cấp 15, cấp 16 khi đổ bộ vào Đà Nẵng.
Trong cơn bão, nước ta cũng gánh chịu những thiệt hại không nhỏ và sinh mạng và của cải. Cùng nhìn lại cơn bão lịch sử này để tránh những nỗi đau lặp lại ngày hôm nay.
Bão Xangsane, theo tiếng Lào có nghĩa là "con voi lớn", còn được gọi là Milenyo tại Philippines, hoặc bão 18W là một cơn bão rất mạnh được hình thành từ vùng biển phía Đông quần đảo Philippines vào cuối tháng 9 năm 2006. Khi vào Biển Đông được gọi là bão số 6. Bão đã ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, mà nhất là các tỉnh miền Trung.
Lúc 6h38 ngày 1 tháng 10 năm 2006 bão cách bờ biển Đà Nẵng đến Quảng Ngãi khoảng 70 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, tức là từ 134 đến 149 km/h, giật trên cấp 13, thực chất thì sức gió của nó đạt cấp 15, cấp 16 bởi khi trước khi đổ bộ vào Đà Nẵng, mắt bão Xangsane rất rõ ràng và tròn xoay.
Vào lúc 7h giờ tại Việt Nam tốc độ gió tối đa khoảng 150 km/h, sóng cao nhất hơn 7m.
Rút kinh nghiệm từ bài học của cơn bão Chanchu, lần đầu tiên trong lịch sử ngành dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam, cơ quan chức năng đã sử dụng khái niệm cấp 13 và trên cấp 13 trong thang sức gió Beaufort.
Nhận thức được độ nguy hiểm của cơn bão này, Chính phủ đã gấp rút chuẩn bị công tác phòng chống bão. Tại miền Trung đã thực hiện cuộc "di dân kỷ lục" với khoảng 180.000 người dân đến gần 300.000 dân để tránh bão mặc dù trước đó có nhận định không dễ thực hiện sơ tán hàng chục vạn dân tránh bão số 6 chỉ trong 17 giờ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến ngày 4 tháng 10 năm 2006, đã có 59 người bị chết, nhiều người mất tích do trận bão khủng khiếp này cũng như các trận lũ sau đó. Ngoài ra, khoảng 527 người bị thương, gần 16.000 nhà sập, hơn 25.000 nhà tốc mái và 52.000 nhà bị ngập trong nước, gần 579 tàu thuyền hư hại. Ước tính tổng số thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng.
Sau bão Xangsane, lũ đã về đến mức kỷ lục kể từ năm 1995 ở thượng nguồn sông Đà, sông Thao, lũ còn cuốn trôi 150m bờ kè sông Vu Gia, phá thành một cửa sông mới rồi chảy vào khu vực Đồng Miếu dẫn ra sông Quảng Huế. Khoảng 1.370 hộ dân ven sông hai xã Đại Cường, Đại Hoà thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị đe doạ tính mạng, tài sản. Thành phố Đà Nẵng có thể khủng hoảng nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô do Nhà máy nước Cầu Đỏ của Đà Nẵng sẽ bị thiếu nguồn cung cấp vì sự nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt... nhất là trong mùa khô.
Cơn bão số 6 Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng, một phần Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh này. Sau bão, mưa lũ khiến nước dâng cao cũng khiến các tỉnh miền Trung khác bị ảnh hưởng. Tổng hợp, bão số 6 và mưa lũ đã làm 71 người thiệt mạng, hơn 500 người bị thương, thiệt hại trên 10 nghìn tỷ đồng.
Ngay sau khi tổng hợp thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ gấp các tỉnh 150 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Quyết định hỗ trợ 161 tỷ đồng cho các địa phương để khắc phục hậu quả do bão số 6 và mưa lũ do bão gây ra.
Trong đó, Đà Nẵng là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất được hỗ trợ 40 tỷ đồng; tiếp sau đó đến Thừa Thiên - Huế 30 tỷ đồng, Quảng Nam 30 tỷ đồng. Đối với các tỉnh bị thiệt hại do lũ sau bão gây ra, Chính phủ quyết định hỗ trợ mỗi tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi 10 tỷ đồng. Tỉnh Bình Định được hỗ trợ 3 tỷ đồng, Phú Yên 2 tỷ đồng và Kon Tum 6 tỷ đồng.
Theo bản tin 5h sáng ngày 16/9, cập nhật tin bão mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách Ma Cao (Trung Quốc) khoảng 400km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150km/giờ), giật cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 350km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 150km tính từ vùng tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, từ khoảng chiều tối nay (16/9) bão số 6 sẽ đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu nhanh. Đến 04 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam các tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (80km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ vùng tâm bão. Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển Bắc Biển Đông trong ngày hôm nay còn có mưa bão, gió mạnh cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; biển động dữ dội. Từ tối nay 16/9, ở vùng biển Đông Bắc Vịnh Bắc Bộ (phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 108,5 độ Kinh Đông) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3-4m; Biển động mạnh. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 18/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 23,5 độ Vĩ Bắc; 103,2 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h). Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Nam bão số 6, trong ngày mai (17/9), ở phía Bắc Quảng Ninh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang có gió giật cấp 6-7; các tỉnh khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ít chịu ảnh hưởng về gió mạnh của bão số 6. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Nam bão số 6, từ sáng sớm ngày 17/9 đến ngày 18/9 ở khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Lạng Sơn, Cao Bằng 150-200mm. Khu vực Việt Bắc và Tây Bắc có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, riêng Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu có mưa 100-150mm. Các khu vực khác thuộc Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa. |
Thảo Nhi (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất