(Thethaovanhoa.vn) -
Những ngày gần đây, 2 cổ vật Việt Nam được mua đấu giá tại Pháp là chiếc long sàng của Vua Thành Thái và xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh đang trong hành trình về cố hương, vẫn không ngớt được sự quan tâm theo dõi của công chúng.
Đặc biệt, qua những chi tiết hình ảnh được giới thiệu trên báo chí, nhiều người càng muốn tìm hiểu thêm nguồn gốc, sự ra đời của hai kỷ vật trên, trước khi lưu lạc trên đất khách quê người tròn cả 100 năm.
Bậc thang giá trị của chiếc long sàngTheo đánh giá của bác sĩ Gérard Chapuis, nhà sưu tập người Pháp gốc Việt, trong giới sưu tập nghệ thuật và cổ vật, kết cuộc của một cổ vật bán đấu giá là giấy giám định của văn phòng chủ trì phiên bán, xác nhận tính trung thực của đồ cổ. Giấy chứng nhận, hóa đơn hay trích xuất từ các biên bản bán công khai có giấy trị pháp lý khi kiện tụng.Khi giấy chứng nhận mang dòng chữ : “Tác phẩm của…”, hay “ Ký bởi... …”, thì ta có thể tin rằng tác phẩm được thực hiện bởi chính tác giả. Đó là tác phẩm thật. Nếu vì bất cứ lý do nào, khi có nghi vấn dù rất nhỏ về người cha đẻ sáng tạo ra tác phẩm thì giấy chứng nhận tính trung thực sẽ mang dòng chữ “Được gán cho là của…/ Attribué à…”. Lời ghi chú này kèm theo tên tác giả bảo đảm rằng tác phẩm đó được sản xuất lúc tác giả đó còn lao động thịnh hành và có khả năng rất lớn tác phẩm được sáng tạo từ chính tay tác giả.
Riêng trường hợp chiếc long sàng vừa được bán ở Cheverny (Pháp), vì vẫn còn giấy hoá đơn viết tay của Vua Thành Thái bán cho gia đình Jourdan (cụ thể là giấy từ tay Vua Thành Thái bán cho ông Prosper Jourdan ngày 18.10.1907 với giá là 400 quan Pháp thời đó để mua ngự vật. 2 vật này đã từng được triển lãm ở Bourse du Commerce (Phòng thương mại) tỉnh Dijon năm 1916).
Theo đó, nhà nghiên cứu Gérard Chapuis đưa ra nhận định: “Đối chiếu với cột mốc thời gian ghi trên giấy, có rất nhiều khả năng đến từ chính tay của nghệ nhân siêu quần bất nhị, xuất chúng vô song Nguyễn Văn Khả.
Thêm nữa, kích thước chiếc giường là: chiều cao 191cm; dài 212 cm; rộng 140cm. Theo quan niệm của người phương Đông, các số đo 191cm (1+9+1); 212 cm (2+1+2); 140cm (1+4+0) đều có tổng liên quan đến thành tố lẻ số 01 hoặc 05 các số sinh, chứng tỏ chiếc giường được nghiên cứu các số đo khá kỹ trước khi chế tác bởi nghệ nhân lành nghề”.
Theo suy luận nói trên, Gérard Chapuis cho rằng, chiếc long sàng của Vua Thành Thái đã leo đến một thang giá trị “ bậc hai”, nếu giấy giám định mang dòng chữ “Tác phẩm được gán cho là của nghệ nhân Nguyễn Văn Khả” ở sàn đấu giá quốc tế, nhưng thật ra nó là “bậc nhất” trong lịch sử sáng tạo thủ công mỹ nghệ/mỹ thuật Việt Nam tương đương với những vật còn lại trong nhà thờ Tộc họ Nguyễn ở Huế ( trường kỷ, đoản kỷ, sập gụ) hay những tác phẩm trang trí lăng Khải Định hiện nay và một vài vật phẩm đâu đó trong Bảo tàng Cung đình Huế.
Cần lưu ý thêm, lâu nay, khi thưởng lãm một vật phẩm Việt, người xem khó đoán được niên đại chế tác của nó : có thể chỉ có cách xử lý là được thay đổi nhưng kiểu mẫu và người nghệ nhân vẫn bất biến. Thuở ấy vật phẩm vốn vô danh, nghệ nhân lại không năng động trong sự di dời chỗ cư ngụ cũng như không nhất thiết tìm đến ánh hào quang. Nếu có, sự nổi danh của nghệ nhân sẽ loé ra trong làng của mình, ít khi vượt ra khỏi biên giới làng và không bao giờ vượt qua khỏi cột mốc của cuộc đời của họ. Họ sống ẩn danh, khiêm tốn nhưng độc lập.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Khả - “Đệ nhất xảo thủ” triều NguyễnQua những tài liệu do nhà sưu tập Gérard Chapuis tra khảo cho thấy, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 chính là khoảng thời gian tại vị của các vua Thành Thái (1889-1907), Khải Định (1916-1925) mà Nguyễn Văn Khả là nghệ nhân được trọng dụng để lo trông coi các công việc trang trí, thiết kế mỹ thuật cho triều đình.
Nguyễn Văn Khả (1875-1964) là người làng An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc. Ông sinh ra trong gia đình nghèo, vốn theo nghề nông, nhưng ông được đi học nghề thợ mộc. Với tư chất thông minh, bàn tay khéo léo, ông sớm thành nghề và chẳng bao lâu nổi tiếng vùng kinh kì, không ai sánh bằng. Có lẽ ông thọ giáo từ nghệ nhân làng Kim Bồng Châu (nay là làng Kim Bồng, thuộc xã Cấm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Những chi tiết hoa văn độc đáo của chiếc long sàng Vua Thành Thái
Vào năm Khải Định thứ 3 (1918), ông Khả được phong là Hàn lâm viện Thị độc với biệt danh “Đệ nhất xảo thủ/ Bàn tay tài hoa bậc nhất” ban tặng bởi Vua Khải Định. Lăng Khải Định được khởi công xây ngày 4 tháng 9 năm 1920, người chỉ huy là Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá, còn ông Khả được tận dụng như một Tổng công trình sư với nhiều thợ nghề và nghệ nhân khác nổi tiếng khắp cả nước... Cả đời ông Khả được tặng 16 huy chương và 11 bằng khen nghệ thuật.
Thiết nghĩ rằng trước khi trở thành “thiên hạ vô đối”, người được trọng dụng để làm 100% đồ gỗ chạm trổ sơn son thếp vàng và 50% công trình xây dựng thời Vua Khải Định, thì mười năm về trước, ông Khả, người đương thời tại vị của Vua Thành Thái đã là thợ cả, điêu luyện và tinh xảo trong lúc hành nghề thợ mộc, ở tuổi 27, ông có thể đã tham gia vào công trình xây dựng cung An Định vào năm Thành Thái 14 (1902) và ta có thể đoán không ngoa là hoàng gia thuở đó đã để mắt đến bàn tay khéo léo vang danh xuất chúng của ông ? Và không có gì lạ khi Vua Khải Định- một vị vua tiên phong, canh tân trong cách hoà hợp Âu-Á trọng dụng lại nghệ nhân tài hoa như Nguyễn Văn Khả.
Đến hiện nay, vẫn chưa có thông tin chính thức về thời gian hồi hương của hai kỷ vật triều Nguyễn, dù vậy trước những nhận định của nhà sưu tập Gérard Chaupuis về nguồn gốc sự ra đời của chiếc long sàng cũng là những ý kiến đáng để giới chuyên môn lưu ý, để một lần nữa xác định sự cần thiết đánh giá đúng mức thứ bậc giá trị của những kỷ vật triều Nguyễn trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
"Long sàng cao 191cm; dài 212 cm; rộng 140cm, làm bằng gỗ. Các hoa văn ở các vị trí thành giường, chân giường, khung giường được chạm trổ theo mô-tip cung đình Huế.
Phần đầu giường ở trên chạm trổ, thếp vàng hoa lá hóa dơi theo mô-tip ngũ phúc, có gương soi; phần đầu hộc giường phía sau chạm trổ, sơn son thếp vàng hoa văn tam sơn, cổ đồ và rồng ngang bốn móng; phần đầu hộc giường phía trước chạm trổ con triện và mô-tip chữ thọ hình đỉnh cách điệu; phần thân và chân giường chạm trổ hoa lá, rồng mây dưới dạng dao hóa không sơn thếp, cổ vật thuộc thời Nguyễn, có xuất xứ từ tầng lớp hoàng tộc, hoàng đế với niên đại trên 100 năm (đầu thế kỷ XX). Tác phẩm được gán cho là của nghệ nhân Nguyễn Văn Khả" (Nhà sưu tập Gérard Chapuis) |
Theo Trần Trung Sáng
Báo Văn hóa