Cho dù các chuyên gia ngôn ngữ học đã vận dụng đủ sách vở để chẻ sợi tóc làm tám, chứng minh từ “ăn” trong tiếng Việt có trường nghĩa quá rộng, không chỉ nói về mỗi một chuyện ăn uống. Nhưng, hãy quên đi những thứ quá rối rắm để nghĩ về cái ăn trong từ “ăn tết”.
“Bánh chưng bánh tét trở thành thứ cả thèm chóng chán nhưng không có lại không ra tết”. Ảnh: Thanh Hảo |
Khởi thuỷ, ăn tết, trước hết là... ăn. Trong bài Ăn tết đăng trên Sáng dội miền Nam, tháng 1.1960, Lê Văn Siêu viết như vầy: “Ngày tết, với những màu thiên tạo của cỏ cây hoa lá, với những màu nhân tạo của nhà cửa đồ đạc, quần áo, món ăn, quả là nhuộm thắm lại tất cả lòng người đến nét mặt của mỗi người nữa”. Câu văn có tính khái quát rất cao về những giá trị vật chất cộng hưởng làm nên cái không khí, tinh thần tết nhất của người Việt. Ở đó, cái ăn (món ăn) đã được ông Siêu xếp vào diện “màu nhân tạo” để “nhuộm thắm” nét mặt đến lòng người, làm lan toả hình ảnh và khí hậu văn hoá ngày tết.
Cái ăn trong tết nhất, bấy lâu nay vẫn được trích dẫn bằng hai câu đối liệt kê toàn danh từ trong thơ của cụ Nguyễn Khuyến: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Ngày nay, người ta vẫn cứ vịn đến hai câu thơ đó để nói về không gian, không khí, phong vị tết, mặc dù xét ra, trong xã hội đô thị hiện đại thì có đến quá 50% món được liệt kê trong hai câu trên đã bị nhổ bỏ khỏi thực tế, nếu không biến mất trọn vẹn thì cũng le lói ở một dạng thức, mà nói theo ngôn từ một cây bút ẩm thực gần đây, là “nguỵ cẩu” (pháo bị cấm đốt từ năm 1995; cây nêu trong truyền thống quan niệm dựng lên để chống quỷ đến từ phía đông nay chẳng còn mấy ai buồn chống; câu đối đỏ thư pháp chữ Việt loằng ngoằng của mấy ông đồ quần jeans áo the thì ai nhẹ dạ, cứ việc tin!) Vậy, chỉ còn thịt mỡ, dưa hành và bánh chưng làm đại diện, trụ lại với thời gian. Xem ra trách nhiệm với chúng thật nặng nề trong việc canh giữ bản sắc tết giữa thời buổi bánh trái đang rất chi “WTO” này, khi mà, bản thân chúng quá hiểu về những khiếm khuyết gây “quan ngại” cho người sử dụng.
Khó mà tránh né được cái thực tế rằng, mỡ bây giờ đã trở thành một kẻ thù đáng sợ đối với sức khoẻ người dân các nước đang phát triển. Còn đáng sợ hơn cả nợ xấu, mỡ gây phệ bụng quý ông, quá khổ cho mông quý bà, làm thanh niên, kể cả trẻ em béo phì, chậm chạp ù lỳ và mang mầm mống xơ vữa có hệ thống bên trong. Mỡ, về mặt nào đó, là mối đe doạ tương lai nòi giống khi đa số các anh đến gõ cửa phòng mạch nam khoa đều trong tình trạng “nhìn xuống không thấy lính tráng đâu”. Thế nên, những miếng thịt mỡ, niềm tự hào lẫy lừng sang trọng trong quá khứ nay đã được các nhà chăn nuôi phù phép thành siêu nạc. Siêu nạc lại có cái chết của siêu nạc, không tin cứ hỏi bộ Y tế. Vấn đề tái cấu trúc, cân đối mỡ – nạc căn bản mà nói, không thể bắt đầu từ những con heo! Vì vậy, nói đi nói lại, một đối tượng nữa đã bị khai trừ khỏi hàng ngũ làm màu cho tết nhất, đó là anh thịt mỡ. Đời sống đang lên cholesterol, thi vị hoá mỡ hay siêu nạc đều không nên!
Rồi tiếp đến, kẻ có nguy cơ bị thổi còi với lý do tế nhị kiểm tra xe chính chủ là cô nàng đỏng đảnh có tên dưa hành. Dưa hành, một số nơi làm dưa món, gồm đu đủ xắt, cải bẹ... được muối với nước mắm ngọt, đóng hũ, chung quy là xưa bày nay làm, khoa học gọi là cơ chế lên men vi sinh. Đến đây thì mấy ông bác sĩ tiêu hoá nhảy đổng như ngựa trong điệu Gangnam style, lên tiếng tố giác rằng, cái trò men vi sinh thực chất là âm mưu của vi khuẩn HP (helicobacter pylori). Bọn vi khuẩn này mà cài vào là gây loét dạ dày, tá tràng, có thể dẫn đến ung thư bao tử như chơi (rồi bao giờ cũng không quên đính kèm một câu an ủi: dù không phải ai ung thư bao tử cũng do HP!) Nhiều người duy ý chí với dưa hành, nói, thôi thì quên đi, tới đâu hay tới đó, bác sĩ ngày nay thuộc thành phần nhạy cảm, nhìn đâu chẳng thấy vi khuẩn với u xơ!
Chỉ còn bánh chưng, bánh tét. Ngoài ra, mỗi vùng miền, tự bổ sung thêm một số loại mứt làm từ hoa trái thổ sản địa phương, không thể thiếu, là rượu, là mấy thùng bia, nước ngọt ướp lạnh.
Phe truyền thống trên mâm tết bị lợi dụng hình ảnh, nhưng thực chất là cô lập tầm ảnh hưởng. Bánh chưng, mứt tết, hoa quả tươi trên mâm cúng, mâm cỗ thời bây giờ xem ra đáp ứng cái nhìn, cái ngửi nhiều hơn thoả mãn cái nếm. Chúng nằm lại ở ý nghĩa biểu tượng giữa tổng thể hạng mục menu ê hề theo tinh thần ngoại tại định hướng, gồm những đối thủ đáng gờm: hải sản tươi sống, gà thả vườn, rau quả sạch... Bánh chưng bánh tét trở thành thứ cả thèm chóng chán nhưng không có lại không ra tết. Không nấu được thì cũng ra chợ, siêu thị mua một vài đòn. Dưa món, dưa hành cũng vậy, nhà nào cũng có một hũ, nhưng thời này, nếu khẩu vị không thấm nhuần tinh thần hoài cổ một cách quá khích, thì khó chung tình quá ba bữa, nếu tình yêu bản sắc ẩm thực chưa được thông tỏ, sẽ khó tránh khỏi cơn cám dỗ của những nhan sắc lộ hàng rất hấp dẫn tân thời. Nói vậy chứ mấy ai tài thánh mà đủ kiên định để giữ vững thành trì duy ý chí.
Cuộc vận động trên mâm ăn ngày tết phản ánh một cuộc vận động khác trong quan niệm con người. Tết vẫn mang tâm thức của sự trở về với màu sắc truyền thống, biểu tượng tết vẫn chưa bị truất phế khỏi lãnh địa vô thức cộng đồng và những cá nhân. Nên sự trở về đó vẫn còn có chỗ cho người ta vừa nuông chiều nỗi xao xuyến hoài cổ, nhưng đồng thời cũng hồ hởi với giá trị mới; vừa để tìm lại những hình mẫu văn hoá đã được xác lập qua thời gian vừa phải thích ứng với những biến đổi xảy ra trong thời gian.
Nhưng rồi sẽ có lúc, những sản vật “màu nhân tạo” cuối cùng của tết truyền thống sẽ lần lượt vắng đi trên mâm cỗ, chỉ còn chút xao xuyến gợi lại khi hai câu đối “thịt mỡ dưa hành...” theo thói quen, được đọc lên vào những ngày cuối năm.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên
SGTT