18/06/2012 14:16 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro
Ba anh bạn cùng khoang, Nick, Andrew và Matthew
Cái radio cũ rích trong tay Anatoly lúc nào cũng như rung lên sau những lời bình luận hối hả nửa như thúc giục, nửa như sốt ruột, nhưng lại có vẻ gì đó hơi trách móc vàcăng thẳng trong giọng nói đang vang lên từ chiếc loa bé xíu. Lúc ấy đã là đêm và con tàu từ thành phố cảng Mariupol đi Moskva đón chúng tôi từ Donetsk để đi Kharkov cho trận đấu giữa Hà Lan và Bồ Đào Nha đã tắt gần hết đèn, chỉ còn để lại ánh sáng leo lét từ hành lang chật chội của toa tàu nằm, với dăm ba nhân viên soát vé vẻ mặt buồn rầu và những tay cổ động viên lấm lét đi qua cứ như sợ đụng phải người hâm mộ của đội đối địch. Chỉ còn tiếng tay BLV la lên những tiếng thất thanh, tiếng hò reo của khán giả trên sân của trận Hy Lạp-Nga vẳng qua loa và tiếng thở dài của Anatoly và các bạn anh.
Tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, Anatoly chỉ chực bật khóc nức nở. Tiếng Nga học từ thưở cấp hai của tôi bỗng dưng trở thành một thứ cực kì xa xỉ đến mức trong chốc lát nó không tồn tại và không đủ để chia buồn, chưa nói gì đến việc an ủi anh và nhóm sinh viên Nga đang trên đường trở về nhà. Trở về nhà, và đội Nga cũng thế, trong thất vọng tràn trề ở một giải đấu mà họ đã khởi đầu tuyệt vời, để rồi sau đó cứ tuột mãi, trôi mãi và cuối cùng thất bại trong đau đớn. Những người Nga có thể buồn, còn những người hàng xóm Ukraina, từng có những năm tháng chia sẻ một chế độ, một cách sống, cách nghĩ và những trang lịch sử, bắt đầu lo lắng: trong cái ngày mà Nga và một nước đồng đăng cai là Ba Lan bị loại, số phận của Ukraina cũng như đang treo lơ lửng, sau một sự khởi đầu như mơ.
Từ một tuần nay, EURO của tôi luôn bập bềnh trong tiếng ray đường sắt và những cung đường dài như thế, giữa Kiev, Donetsk, Kharkov, giữa những trận đấu lớn, những cuộc gặp gỡ với các nhóm cổ động viên, những điện thoại và làm việc ngay trên tàu xe, mọi lúc, mọi nơi, không ngơi nghỉ. Đã quá quen với những chuyến tàu đêm có hình ảnh của những người soát vé mặc trang phục xanh đến mức buồn tẻ, những cô nhân viên phát chăn và vỏ gối cho hành khách chẳng bao giờ thấy cười mà mỗi khi đi qua lại ngửi thấy mùi hôi nách, những toa xe chật chội và nóng. Nhưng phải hai năm sau những chuyến tàu World Cup ở Nam Phi, vốn chật chội, bẩn thỉu và lộn xộn hơn, mới lại được chứng kiến những cung đường lạch xạch trên ray chứa đựng nhiều khát vọng và hoài bão thắng lợi cũng như biết bao thất vọng vì những đội tuyển không đi đến đích cuối cùng. Anatoly buồn. Mấy cậu bạn người Ukraina cùng khoang với anh và dăm ba người khác ở khoang bên cạnh cũng không thấy vui. Trận thua Pháp 0-2 đã đẩy Ukraina vào tình thế ngặt nghèo. Họ sợ Ukraina cũng sẽ theo chân Nga và Ba Lan ra khỏi giải nếu không thắng được đội Anh ở trận cuối. Cái viễn cảnh kinh khủng, là EURO vẫn tiếp tục diễn ra mà không có họ khiến không ít người rùng mình. Sự thất vọng là có thật: ở khoang kế bên, anh chàng có tên Roman và một người họ hàng gốc Azerbaijan đã bán đi chiếc vé trận Ukraina-Anh vì không tin là đội chủ nhà sẽ thắng. Họ rời Ukraina đến Moskva cho một kì nghỉ hè đến sớm hơn mà không cần EURO.
Một góc nhìn qua ô cửa sổ toa tàu
Tôi không rõ Nga và Ukraina đứng thứ bao nhiêu trong cái gọi là Chỉ số hành tinh Hạnh phúc (HPI) mà người ta mới công bố. Nhưng nếu Việt Nam nhà mình đứng thứ 2 trong danh sách đó, nghĩa là cao chót vót và vượt trên cả những quốc gia này, thì có lẽ là hơi bất công đối với họ. Bởi nếu xét về bóng đá, thì họ ít ra còn được đá ở EURO để mà hy vọng và rồi thất vọng. Bất công cả với 3 anh chàng người Anh cùng khoang với tôi đang lên Kharkov để xem trận Hà Lan-Bồ Đào Nha và rồi ngay sau đó, trở lại Donetsk cho trận quyết định với Ukraina ở lượt cuối. Phải chứng kiến cái cảnh Nick, Matthew và Andrew đang chơi ngồi poker và phần thưởng cho những ván thắng không phải tiền mà là...bông ngoáy tai mới hiểu cái hạnh phúc và sự thanh thản của những người hâm mộ đang chờ đợi những ngày vui của đội tuyển thế nào.
Ba anh chàng là fan của Arsenal ấy đều yêu Arsene Wenger, đều đã từng có mặt ở Bloemfontein, Nam Phi, nơi đội tuyển Anh đã thua Đức 1-4 ở World Cup, đều nhớ bàn thắng của Lampard không được công nhận, đều đã từng có mặt và say xỉn trong một quán bar sau trận thua ấy, mà hôm ấy, tôi cũng uống ở đó. Cả lũ nhận ra nhau, trong một khoang tàu cách Nam Phi hàng nghìn dặm, sau hai năm, cũng trong một giải bóng đá, cũng trong một nỗi khắc khoải và hạnh phúc vì được chứng kiến niềm vui và nỗi buồn của biết bao người. Họ tin vào Roy Hodgson, họ bảo Rooney trở lại trận tới là một điều đảm bảo cho thắng lợi, họ hẹn tôi đến quán bar ở Liverpool Hotel, nơi thường xuyên tập trung đông đủ cổ động viên Anh những ngày này ở Donetsk để làm một li. Đương nhiên là tôi nhận lời.
Nick, anh chàng đầu hói, người có vẻ chín chắn nhất nhóm, có vẻ rất thông cảm với Anatoly khi biết tin Nga thất trận: "Điều kinh khủng nhất với một cổ động viên là anh ta không được ở gần đội tuyển khi đội thất bại, cũng không được chứng kiến trận thua ấy mà phải nghe qua radio. Tôi không hy vọng gì nhiều vào đội Anh, nhưng chúng tôi sẽ vui chừng nào có thể". Tôi cũng thế, đến chặng cuối cùng của hành trình EURO 2012. Ở ngoài hành lang, Roman chẳng cần quan tâm gì hơn nữa đến số phận của đội Nga lẫn Ukraina. Bóng đá với anh và ông anh chỉ đơn giản là một trò đùa, và giờ thì vodka trở thành niềm vui lớn lao sẽ giúp họ vượt qua bóng đêm. Trong bóng tối nhập nhoạng của đèn tàu, Roman cười trông như một gã Don Juan thực sự. Bằng một giọng nhừa nhựa mùi rượu, anh đang ba hoa về những cuộc tình chớp nhoáng và nhớp nhúa đã qua mà "mồi nhử" có khi chỉ là vài ba li vodka.
Khi bóng đá mất hết ý nghĩa, thì sex là cứu cánh, Roman?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất