24/06/2014 13:57 GMT+7 | Bảng D
(Thethaovanhoa.vn) - Trận thua Costa Rica đã khiến cho không ít người đặt Uruguay vào thế “cửa dưới” mà quên mất hai điều: 1) Họ vắng ngôi sao số một Luis Suarez; và 2) Họ bị đẩy vào thế “cửa trên”.
Uruguay, cũng như Atletico Madrid ở cấp CLB, là một đội bóng mạnh về khâu tổ chức phòng ngự và phản công sắc lẹm hơn là dồn lên chủ động cầm bóng ép đối phương về sân nhà như trong trận gặp Costa Rica. Los Ticos đã dụ họ vào cái bẫy, để rồi diệt gọn Celeste với tốc độ của Joel Campbell.
Khi Uruguay trở lại là chính mình
Đến khi gặp Anh, với quân bài tối quan trọng Suarez trở lại, HLV Oscar Tabarez đã đưa Uruguay trở lại với hình ảnh của chính họ: lùi sâu với hai hàng ngang chắn trước khung thành trước khi cướp bóng phản công. Họ đã thành công.
Trong trận gặp Italy, Costa Rica đã dâng cao để pressing. Cách làm này của đội bóng Trung Mỹ tuy hiệu quả khi Italy sa sút thể lực trong hiệp hai, nhưng cần nhớ rằng Andrea Pirlo đã tạo ra không dưới 3 cơ hội nguy hiểm trong hiệp một chỉ bằng một cú vẩy chân phất qua đầu các hậu vệ. Uruguay với những cầu thủ không mạnh về tốc độ như Diego Godin hay Diego Lugano hẳn sẽ không muốn rơi vào tình trạng tương tự.
Trận đấu trước Italy hứa hẹn sẽ là điều kiện lý tưởng để sở trường của Uruguay tiếp tục được vận dụng, bởi đội bóng áo thiên thanh luôn mang tâm thế kiểm soát trận của một ông lớn thực thụ.
Italy sẽ trở lại với 3-5-2?
Vì sao lại là sơ đồ “cũ kỹ” kia, chẳng phải Azzurri đang cải cách (theo hướng của Juventus mùa tới) hay sao?
Rất đơn giản, 3-5-2 sinh ra là để khắc chế 4-4-2. Ở phòng tuyến, đội sử dụng 3-5-2 sẽ luôn có 3 hậu vệ để “bắt” 2 tiền đạo của đối phương; 3 tiền vệ trung tâm sẽ kiểm soát trung tuyến tốt hơn 2 người của đối phương. Khi ấy, việc tấn công sẽ trở nên đơn giản hơn bởi bóng sẽ nằm trong quyền kiểm soát chủ động của họ.
Việc trở lại 3-5-2 cũng mang tới hai lợi ích cho hàng tiền vệ. Thứ nhất, trong trận thua Costa Rica 1-0, Italy đã hoàn toàn bị động khi khoảng cách giữa hàng thủ và hàng tiền vệ của đối phương là không nhiều, Antonio Candreva và Claudio Marchisio không có “đất” để thể hiện mình như trận gặp Anh. Uruguay gần như chắc chắn cũng sẽ có biện pháp giữ khoảng cách tương tự, thế nên việc bỏ qua 2 vị trí tiền vệ công trên là tất yếu.
Điều thứ hai và cũng là một chìa khóa của trận đấu này, đó là việc Andrea Pirlo rất có thể sẽ được kéo về vị trí tiền vệ trụ duy nhất quen thuộc. Khi ấy, vai trò tổ chức sẽ được nhường lại cho regista thứ thiệt của người Ý – Pirlo. Ở đó, con số trung bình 97 đường chuyền/trận của anh thậm chí có thể sẽ hiệu quả hơn nữa.
Sáng tạo từ tuyến sau
Sơ đồ 3-5-2 cũng sẽ mang tới cho Italy một giải pháp rất tốt để chia sẻ gánh nặng phân phối, sáng tạo cho Pirlo: Leonardo Bonucci. Không, bạn không đọc nhầm đâu – chính là trung vệ của Juventus.
Andrea Barzagli, Giorgio Chiellini và Bonucci là một bộ ba đã quá ăn ý của Juventus trong những mùa giải đã qua. Điều đặc biệt không chỉ nằm ở khả năng phòng ngự, mà còn đến ở kỹ năng chuyền dài và nhãn quan rất tuyệt của cái tên trẻ nhất - Bonucci.
Sau hai lần kiến tạo bằng những đường chuyền từ giữa sân trận gặp Lazio ngày 31/8/2013, Bonucci từng đùa: “Nếu tôi để tóc dài thì có lẽ người ta sẽ tưởng tôi là Pirlo.”
Phương pháp rất đơn giản: giả sử Uruguay bố trí một tiền đạo lùi để theo chặt Pirlo, Italy sẽ luân chuyển bóng để đẩy dần đối phương về sân nhà, tạo điều kiện cho các trung vệ dâng cao lên vòng tròn giữa sân. Khi ấy, khả năng phát động của Bonucci sẽ được phát huy tối đa hiệu quả. Đây thực chất là một biện pháp không còn mới của Juventus, nơi mà đối thủ nào cũng nhăm nhe theo kèm Pirlo.
Dĩ nhiên, tất cả những điều trên chỉ có thể thực hiện nếu Italy có một tinh thần thật tốt để nhập cuộc. Với những đội bóng lớn, đôi khi khó khăn nhất của họ lại là vượt qua chính mình...
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất