Góc Hồng Ngọc: 'Ngôi sao sân cỏ' thời V-League

17/02/2014 14:36 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Những môn thể thao hay nghệ thuật đại chúng luôn cần đến ngôi sao, và bóng đá Việt Nam cũng vậy, đặc biệt khi theo con đường chuyên nghiệp hóa. Đây chính là chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! V-League đã trải qua hơn 10 mùa giải, theo anh có những ai thật sự được coi là ngôi sao của giải đấu?

Hồng Ngọc: Trước tiên, tôi cho rằng cần phân biệt những cầu thủ xuất sắc và ngôi sao. Cầu thủ xuất sắc là cầu thủ quan trọng hàng đầu trong con mắt huấn luyện viên. Còn cầu thủ ngôi sao là cầu thủ quan trọng hàng đầu trong con mắt giới truyền thông và khán giả. Thường thì ngôi sao cũng là những cầu thủ xuất sắc, nhưng cầu thủ xuất sắc chưa hẳn đã là ngôi sao.

Nếu anh đã phân biệt như vậy, thì sự khác biệt giữa họ là gì?

Ngôi sao nghĩa là phải có ánh hào quang. Anh ta có thể làm những việc đặc biệt trong một số tình huống có thể làm thay đổi kết quả trận đấu, mang lại cảm hứng đặc biệt cho khán giả và giới truyền thông. Những tình huống đặc biệt tuy không thường xuyên xuất hiện, nhưng sẽ kích thích trí tưởng tượng, sự gửi gắm của khán giả vào anh ta và gần như “phong thánh” cho anh ta, rằng một thời điểm nào đó anh ta sẽ lại làm được điều tương tự để mang về chiến thắng. Để được “phong thánh”, ngoài những kỹ năng bóng đá, anh ta cần có sức hút tự nhiên với khán giả hoặc có những “bài” PR.

Cầu thủ xuất sắc trong mắt HLV thì không cần có ánh hào quang. Anh ta phải làm tốt vai trò mà HLV giao, có thể đơn giản nhưng hiệu suất cao và ổn định. Sự đơn giản và ổn định là nền tảng tạo ra kết cấu đội bóng, lối chơi tập thể, và phong độ - kết quả ổn định của một đội bóng.

Bạn còn nhớ Phillipe Cocu, cựu tuyển thủ Hà Lan không? HLV Luis Van Gaal từng nói, ông ước gì có trong tay 11 cầu thủ như Cocu để xây dựng đội bóng. Tất nhiên, khán giả thì không mong đợi như vậy, vì Cocu không phải là ngôi sao.

Hay cựu tuyển thủ Pháp Didier Deschamps, bị Eric Cantona gọi là “gã xách nước”. Cantona là ngôi sao, nhưng bị loại ra khỏi kế hoạch của đội tuyển Pháp sau khi Pháp không vượt qua được vòng loại World Cup 1994, còn Deschamps thì được giữ lại và làm đội trưởng. Ngay cả khi Zidane đã rực sáng như một ngôi sao vĩ đại, thì Deschamps vẫn là đội trưởng đội tuyển Pháp khi anh còn ra sân.



Công Vinh, Thủy Tiên ngày càng hoàn thiện về khả năng chuyên môn cũng như tính cách

Vậy theo anh, ở V-League có những ai từng là những ngôi sao thật sự?

Khi V-League mới ra đời, Hồng Sơn và Huỳnh Đức chính là những ngôi sao, nhưng vào thời điểm sự nghiệp đã xuống dốc. Chúng ta vẫn thường nghe khán giả nhắc đến họ mỗi khi thất vọng về bóng đá nước nhà, cho dù đội tuyển thời Hồng Sơn và Huỳnh Đức luôn thua 4 bàn trở lên trước những đối thủ mà giờ đây đôi khi chúng ta có thể thắng. Bởi khán giả có thể không nhận ra một cầu thủ “chạy chỗ” là chạy chiến thuật hay để… trốn bóng, và một cầu thủ khống chế bóng bật ra vài mét là “có ý đồ chiến thuật” hay không.

Ngôi sao thế hệ tiếp theo là Văn Quyến, chỉ kịp tỏa sáng trong 2 năm với bóng đá đỉnh cao trước khi bị dính vào vòng lao lý, nhưng vẫn kịp làm ngôi sao. Những khoảnh khắc Văn Quyến để lại trong lòng khán giả vẫn rất sâu đậm đến tận bây giờ, và mỗi khi nhắc tới một tiền đạo với tài năng nổi trội có thể tỏa sáng trong các trận đấu lớn, chắc ai trong chúng ta cũng nhắc tới Văn Quyến. Dù đôi khi Văn Quyến lười biếng và hiếm khi tham gia phòng ngự, đến mức từng có HLV ngoại khi chưa kịp biết Văn Quyến là ngôi sao đã thẳng thừng loại bỏ Quyến.

Gần như cùng thời với Quyến nhưng chỉ thật sự bước ra ánh sáng khi Quyến dính vào vòng lao lý là Công Vinh, một ngôi sao kém sức hút tự nhiên hơn nhưng lại biết tạo ra sức hút “nhân tạo” hơn. Có lẽ chính việc có chủ đích trong việc tạo ra và duy trì sức hút của mình mà Công Vinh giữ địa vị ngôi sao từ sau Văn Quyến đến tận bây giờ.

Chỉ vậy thôi ư?

Cùng thế hệ với Văn Quyến và Công Vinh còn có những cầu thủ mà tôi đánh giá rất cao về tài năng và vai trò trong đội bóng là Minh Phương và Tài Em. Với tôi, họ là những tiền vệ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam mà tôi từng được xem, hơn cả Hồng Sơn hay Minh Hiếu. Nhưng cách họ chơi và sống với bóng đá khiến họ không được nhìn nhận như những ngôi sao thật sự. Đó là sự khác biệt giữa khái niệm ngôi sao và cầu thủ xuất sắc, mà tôi đã phân biệt ngay từ đầu.

Anh có tổng kết được điểm gì chung giữa các ngôi sao không? Tài năng? Tính cách? Sự chuyên nghiệp? Khả năng xây dựng hình ảnh?

Câu hỏi thật thú vị. Rất khó để tìm ra điểm chung giữa các ngôi sao, ngoài yếu tố tài năng. Và vì ngôi sao thường là cầu thủ tạo ra những tình huống quyết định trận đấu, đó thường là vị trí dành cho tiền đạo hay tiền vệ tấn công.

Tôi không nhận ra điểm chung nào về tính cách trong bốn ngôi sao kể trên. Hồng Sơn thì khôn khéo, thậm chí ranh mãnh; Huỳnh Đức thì thẳng thắn và oai phong, Văn Quyến mới kịp thể hiện tính cách trẻ con và bồng bột, còn Công Vinh thì giàu khát vọng và luôn nỗ lực để làm ngôi sao.

Đạt tới sự chuyên nghiệp cao nhất trong số bốn ngôi sao kể trên cả ở trong lẫn ngoài sân cỏ chỉ có Công Vinh, còn Văn Quyến ở mức rất thấp cả ở trong lẫn ngoài. Huỳnh Đức rất chuyên nghiệp ở trong sân cỏ, nhưng anh còn thiếu sự khéo léo trong giao tiếp với khán giả và truyền thông, và vẫn chịu tai tiếng nhất định với hình ảnh “quyền lực đen”, và sự chuyên nghiệp của anh cũng bị giới hạn ở thời kỳ của bóng đá móc ngoặc. Hồng Sơn thì quá khéo ở điểm mà Huỳnh Đức còn yếu, nhưng có vẻ sự khôn khéo quá mức của anh đánh mất sự chân thành trong quan hệ giữa anh và đồng đội.

Về việc xây dựng hình ảnh, tôi cho rằng chỉ có Công Vinh có ý thức và thực hiện điều đó. Điều đáng tiếc là anh hơi gồng mình. Các cụ nói “kiễng chân thì nhanh mỏi”. Từ khi Công Vinh công khai mối quan hệ với Thủy Tiên và có vẻ như định tạo thành một cặp như Beckham – Victoria của Việt Nam thì anh được nhắc trên báo chí nhiều hơn, nhưng lại ít được nhắc tới trên các bảng tỷ số hơn.

Chúng ta phải xét tổng hợp các yếu tố kể trên. Văn Quyến chỉ có tài năng, nhưng nó quá nổi trội đủ để bù lại sự khiếm khuyết trong các yếu tố còn lại. Ở cực đối diện, Công Vinh kém nổi bật nhất so với thế hệ của mình về tài năng, nhưng tất cả các yếu tố còn lại đều khá mạnh mẽ để bù đắp. Đôi khi, tôi muốn tưởng tượng rằng giá như tài năng của Văn Quyến mà đặt vào tính cách, sự chuyên nghiệp, và khả năng xây dựng hình ảnh của Công Vinh, bóng đá Việt Nam đã có một ngôi sao rực rỡ như thế nào!

Nhưng điều đó gần như là không tưởng ở một nền bóng đá mà việc đào tạo cùng lắm chỉ là tập trung vào yếu tố chuyên môn mà quên đi yếu tố làm người, chưa nói tới việc chuẩn bị hành trang để làm ngôi sao.

Hy vọng rằng những cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG sẽ khác, như Công Phượng chẳng hạn.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị. Hy vọng trong tương lai không xa bóng đá Việt có cho mình những ngôi sao đích thực .

Thể thao Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link