Góc nhìn 365: Đề thi và... nước sôi

08/06/2021 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm khoai tây hay quả trứng”? Câu hỏi tại đề văn thi vào lớp 10 của một trường chuyên tại Khánh Hòa đang xuất hiện liên tục trên mạng xã hội tuần qua với hàng loạt phản ứng trái chiều – và tất nhiên, cả với những phiên bản đầy tính giễu nhại.

Chào tuần mới: 'Ta bước vào tháng Sáu mùa thi…'

Chào tuần mới: 'Ta bước vào tháng Sáu mùa thi…'

Kỳ thi vào lớp 10 năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều địa phương có những sự điều chỉnh. Có địa phương quyết định bỏ hình thức thi tuyển chuyển sang xét tuyển (Bà Rịa - Vũng Tàu), có địa phương lùi lịch thi tuyển sang tháng 7/2021 (Bắc Giang).

Nghe có vẻ ngô nghê, nhưng thực tế, câu hỏi này gắn kèm với yêu cầu “viết một bài văn nghị luận” về trích dẫn được đưa ra trước đó: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu”.

Như thế, sự hay dở của đề thi cần được nhìn một cách khái quát trên tổng thể. Và, trong một chừng mực, câu chuyện “khoai mềm - trứng cứng” có thể tạm chấp nhận được, khi lời trích dẫn có ý dùng nó để minh họa cho nhận định về mối quan hệ giữa bản lĩnh và hoàn cảnh. Nếu dừng ở đây, yêu cầu “viết một bài văn nghị luận” là đủ so với tính chất của một đề văn.

Thế nhưng, khi phía ra đề thêm vào câu hỏi mang tính dẫn dắt “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm khoai tây hay quả trứng?”, mọi thứ lại chuyển sang một hướng khác.

Chú thích ảnh
Thí sinh trao đổi bài thi sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tạm thời bỏ qua những ý kiến cho rằng giả định “ở trong nước sôi” là phản cảm, rùng rợn (giống như đề toán “nếu em bị cụt hai ngón tay” từng gây phản ứng trước đây), vẫn phải khẳng định: Bản thân sự thêm thắt này không chỉ khiến đề thi trở nên rắc rối. Đáng tiếc hơn, nó dễ đẩy thí sinh vào những suy luận lúng túng, quẩn quanh - khi làm mất đi nghĩa bóng của câu ngạn ngữ bằng việc đưa ra những lựa chọn cụ thể theo nghĩa đen.

Chẳng hạn, như nhiều ý kiến chỉ ra, cách đặt câu hỏi ấy có phần hướng thí sinh tới lựa chọn muốn “là trứng” để cứng rắn, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt. Để bài được điểm cao như ý, rất nhiều trong số các em sẽ viết một cách rập khuôn và sáo rỗng, thay cho những suy nghĩ thật.

Còn, nếu muốn đặt ra lựa chọn giữa sự mềm dẻo, uyển chuyển và sự cứng rắn mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, so sánh trên lại không có gì để phân tích - khi mà cả trứng và khoai đều phải... chín và chuyển sang trạng thái khác, trở thành thức ăn có ích cho đời.

Thậm chí, cũng khó bắt bẻ, khi một giáo viên dạy văn từng nửa đùa nủa thật chia sẻ “lời giải” rằng: Ở lại cùng nước sôi là chọn con đường chết khi rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, và giải pháp duy nhất phải là thoát khỏi nó bằng mọi giá, để còn thực hiện các ước mơ khác.

***

Trích dẫn trong đề thi nói trên được lấy từ cuốn sách Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng của tác giả người Việt tên là Lu-Mannup, vốn đang được chú ý trên thị trường. Và nếu nhìn rộng ra, việc đưa một trích đoạn kinh điển, hay một thông tin đang là hottrend, vào đề văn nghị luận là cách tiếp cận đang có xu hướng phát triển trong những năm qua.

Nếu phải chọn một cột mốc, cách tiếp cận ấy đã được biết tới từ12 năm trước, khi đề thi Đại học môn văn (khối C) năm 2009 yêu cầu thí sinh viết bài nghị luận từ trích dẫn trong “Thư gửi thầy hiệu trưởng” được cho là của cố Tổng thổng Mỹ Lincoln. Ở thời điểm đó, dù còn những tranh luận về xuất xứ trích dẫn, đề thi vẫn gây tiếng vang lớn đối với một cộng đồng đang nói quá nhiều tới sự khô cứng, giáo điều trong đề thi môn văn dành cho mọi cấp học.

Để rồi, theo thời gian, bên cạnh những đề văn mạnh dạn và sáng tạo, chúng ta cũng từng tranh luận - thậm chí là băn khoăn - với một số trường hợp nhất định. Điểm qua, đó là việc đưa vụ việc Khá Bảnh, những thị phi quanh ca sĩ Chi Pu, ý tưởng cải tiến chữ viết của PGS Bùi Hiển hay thậm chí cả ca khúc “Lạc trôi” của Sơn Tùng... vào đề thi cho học sinh.

Bởi, bên cạnh màu sắc của sự mạnh dạn, điểm gây tranh cãi nhất ở những đề thi ấy chính là sự mạch lạc,rõ ràng của ngữ liệu được trích dẫn, cũng như sự phù hợp với kiến thức và khả năng nhận biết của từng lứa tuổi học sinh,khi mỗi em có một cách nhìn nhận, tư duy khác nhau về cuộc sống ở một xã hội đa sắc như bây giờ.

Và với câu chuyện “nước sôi” lần này, chúng ta càng có lý do để nói thẳng: Những đổi mới trong cách ra đề văn tựu trung vẫn phụ thuộc vào trình độ của người thầy, để không nhầm lẫn giữa sáng tạo và màu sắc thời thượng.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link