23/04/2020 07:27 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa đi hết một chuỗi ngày đặc biệt của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Chuỗi ngày ấy kéo dài đúng 3 tuần, kể từ khi việc cách ly xã hội được thực thi, cho tới thời điểm cả nước cơ bản nới lỏng cách ly xã hội vào cuối ngày hôm qua 22/4.
Trong 3 tuần ấy, nhịp vận hành xã hội như vốn có đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Trong sự thay đổi ấy, mỗi người bỗng có cảm giác quỹ thời gian của mình được kéo dài ra hơn, và trôi đi với nhịp độ... thong thả hơn, vào mỗi ngày.
Chẳng có gì lạ, khi rất nhiều người nhắc đến 2 từ “sống chậm” suốt những ngày vừa rồi.
“Sống chậm” không phải là khái niệm mới trong xã hội hiện đại. Những năm qua, nó vẫn được nhắc tới như một lựa chọn để cân bằng lại trước những vòng xoáy hối hả của cuộc sống, vốn khiến con người ngày càng bị cuốn theo hành động mà ít có thời gian suy nghĩ, đắn đo về mọi thứ quanh mình.
Nhưng quả thực, ít ai hình dung, sẽ có thời điểm cả cộng đồng cùng trải nghiệm và chiêm nghiệm về nó. Để rồi từ đó, những câu chuyện tưởng lạ, mà không lạ, mở ra trong nhận thức của chúng ta.
Đó là cái giật mình theo đúng nghĩa, khi ta nghe lời reo của một phụ nữ tại TP.HCM trước cây ATM gạo: “Thế là không còn lo gạo đâu nấu cơm ăn nữa rồi”. Hình như, bấy lâu nay ở các đô thị lớn, ta vẫn coi ăn cơm là chuyện đương nhiên trong lịch sinh hoạt hàng ngày - để bây giờ, ngay bên cạnh, có những người chỉ vì được bữa cơm ăn mà hân hoan như thế.
Đặt bên cạnh những bữa cơm ấy, khi hệ thống dịch vụ thương mại phải đóng cửa dài ngày và khiến những “xa xỉ phẩm” ít được tiếp cận hơn, nhiều người nhận ra thêm: Nhu cầu thật sự của bản thân có lẽ cũng chẳng nhiều nhặn và cầu kỳ như từng lầm tưởng.
Rồi, khi hạn chế bớt ra đường, nhiều gia đình cũng đang thực hiện một việc đơn giản, nhưng vốn khó hình thành nếp sống trong thường nhật: Cùng ăn với nhau đủ 3 bữa cơm mỗi ngày. Sự gắn kết ấy mở ra cơ hội để mỗi thành viên có thêm thời gian chăm sóc, lo lắng tới những người xung quanh.
Mọi năm, kể từ sau Tết, những dòng người vẫn thường ùn ùn đổ đến các cơ sở tín ngưỡng để tìm kiếm chút niềm tin từ cõi hư vô nào đó. Còn bây giờ, khi lễ hội năm nay được dừng lại vì dịch bệnh, liệu người ta có thấy an tâm và thanh thản hơn, với chuỗi thời gian để quan tâm, và được quan tâm, tới những người thân trong cuộc sống của mình?
Hoặc nữa, ngày nối ngày, chúng ta thấy những siêu thị 0 đồng, những cây ATM gạo, những ATM “mì và trứng” mọc lên ở mọi địa phương như một sự sáng tạo trong việc hỗ trợ những người lao động nghèo. Đáng nói, những sáng tạo giàu tình nghĩa ấy liên tục được mở rộng như một hiệu ứng dây chuyền, bất chấp chút băn khoăn của một số người về chuyện lạm dụng lòng tốt ở những nơi được hỗ trợ.
Có nghĩa, ở vào những thời điểm quan trọng, lòng tin luôn được duy trì và trao đi một cách vô tư, thuần khiết nhất, để cộng đồng có thể cùng san sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn.
***
Lựa chọn “sống chậm - sống nhanh” từng gây tranh cãi bởi cách tiếp cận của mọi người. Quả thật, sống chậm sao cho đúng, cho đủ, sao cho thấm thía thật sâu về ý nghĩa của cuộc sống là điều không dễ.
Nhưng, nếu nhìn ở góc độ đơn giản nhất, sống chậm đôi khi chỉ là chút để ý và suy nghĩ để bớt đi phần ích kỷ cho bản thân, để quan tâm tới người thân hay những giá trị cơ bản về gia đình, cộng đồng. Quả thật, những vòng quay hối hả của nhịp sống hiện đại khiến chúng ta đôi khi bỏ lỡ điều giản đơn ấy.
Còn bây giờ, khi dịch bệnh vẫn còn tiếp tục ở phía trước, hi vọng những gì đã thu lượm từ 3 tuần sống chậm sẽ trở thành động lực để chúng ta đứng cạnh nhau.
Bởi, cuộc chiến chống Covi-19 là một cuộc chiến đặc biệt, khi loài người cùng chung chiến tuyến trước dịch bệnh. Ở đó, luôn cần sự san sẻ, gắn bó và trách nhiệm giữa con người với con người.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất