18/05/2021 07:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/5 tới, bức tranh lụa danh tiếng Thiếu nữ choàng khăn của Lê Phổ sẽ trở lại sàn đấu ở Hong Kong (Trung Quốc) với giá ước định từ 875 ngàn tới 1,1 triệu USD.
Giới nhà nghề dự đoán, nếu các nhà sưu tập cũ cùng vào cuộc đấu, bức này có thể phá kỷ lục mới của tranh Việt, nghĩa là vượt ngưỡng 3,1 triệu USD mà bức Chân dung cô Phượng của Mai Trung Thứ vừa xác lập hôm 18/4 vừa qua.
Có nhiều lý do để tin vào điều này. Trong đó, dễ thuyết phục nhất, Lê Phổ từng giữ kỷ lục triệu USD đầu tiên của tranh Việt trong một thời gian dài và cũng từng xô đổ kỷ lục của chính mình bằng một bức tranh khác.
Lùi về xa hơn nữa, trên thị trường công khai, Lê Phổ đã xuất hiện khắp các nhà đấu giá danh tiếng nhất thế giới từ hơn nửa thế kỷ qua. Các cột mốc tranh Việt đầu tiên như 100 ngàn USD, 200 ngàn USD… cũng do chính ông xác lập, rồi xô đổ nó. Tên tuổi của Lê Phổ gần như nổi tiếng nhất ở thị trường thế giới, điều mà Mai Trung Thứ chưa thể theo kịp.
Thứ hai, dù ông đã vẽ hàng ngàn bức tranh, kinh qua nhiều chủ đề, chất liệu và vật liệu, nhưng đề tài thiếu nữ với khăn choàng vẫn ám ảnh ông, trở đi trở lại rất nhiều lần. Chính sự “cày xới” và tìm tòi này đã giúp ông tạo ra được bố cục tối ưu và thẩm mỹ. Rõ ràng nhân vật trong tranh là một phụ nữ Việt, phong thổ Việt, nhưng ông đã điển hình hóa một cách tinh tế để trở thành hình tượng chung về nữ lưu, về vẻ đẹp thanh tao của phụ nữ trên thế giới. Xem “Thiếu nữ choàng khăn”, dù ở thể loại khác, nhưng về mặt cảm hứng, chẳng khác gì xem một hoa hậu trong trang phục điển hình của dân tộc tại cuộc thi hoa hậu hoàn vũ, vừa đặc trưng dân tộc, vừa hòa nhập phong thái quốc tế.
Thứ ba, về vật liệu và chất liệu, Thiếu nữ choàng khăn tiêu biểu cho tranh lụa hiện đại của Việt Nam thời kỳ đầu. Năm 1937, ông trở lại Paris lần thứ hai, sau lần đầu đến lưu trú vào các năm 1931-1932. Trước đó, năm 1933, ông là giáo sư chính thức tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1934 đi nghiên cứu tranh lụa ở Trung Quốc, tại đây ông có dịp nghiên cứu thêm tranh lụa Nhật Bản, Triều Tiên, đảo Đài Loan… Chính vì vậy mà học thuật càng phát triển, năm 1938 thuộc đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Lê Phổ.
Nếu liệt kê ra 10 yếu tố điển hình của tranh lụa Việt Nam và tranh lụa Lê Phổ trước 1945, thì Thiếu nữ choàng khăn đã thể hiện xuất sắc 7-8 yếu tố trong đó. Tranh không chỉ thể hiện được vẻ đẹp thanh tao của phụ nữ Việt, với các họa tiết điển hình về phong thổ Bắc Bộ. Tranh còn phô diễn được kỹ thuật vẽ lụa hiện đại của Việt Nam, khá khác biệt với tranh lụa truyền thống và tranh lụa trong khu vực Đông Á. Nói nôm na, khi vẽ lụa, Lê Phổ muốn cho người xem thấy được vẻ đẹp của chất liệu lụa, thấy được khả năng diễn đạt linh hoạt và hiện đại của nó, không hề tù túng như nhiều người lầm tưởng.
Thứ tư, về lai lịch tác phẩm, hành trình của Thiếu nữ choàng khăn rất minh bạch, ấn tượng, được các nhà sưu tập danh tiếng sở hữu. Khi vẽ bức tranh này, Lê Phổ 31 tuổi, đã rất vững vàng tay nghề và có kinh nghiệm quốc tế, lại mới quyết định chọn Pháp làm quê hương thứ hai, nên vừa có đủ đầy phẩm chất nghệ thuật, vừa bắt đầu mở ra thời kỳ hoài hương. Đây là một chất liệu đã thành thương hiệu của Lê Phổ.
Thứ năm, cũng là một yếu tố rất quan trọng: Hiện tại đang có nhiều nhà sưu tập Việt Nam và Trung Quốc muốn sở hữu bức này, trong khi tranh đang nằm trong bộ sưu tập danh tiếng tại Singapore. Nếu tất cả họ cùng nhập cuộc đấu, khả năng phá kỷ lục 3,1 triệu USD từ bức lụa này của Lê Phổ là hoàn toàn có thể.
Chúng ta hãy cùng chờ đợi một kỷ lục mới cho tranh Việt. Và nếu chưa thể, đây cũng là dịp để chiêm ngưỡng 1 trong những tác phẩm lụa danh tiếng của Lê Phổ, ra đời từ hơn 80 năm trước, nay vẫn còn rất hoàn hảo về vật liệu.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất