Góc nhìn 365: Trước mùa lễ hội

10/01/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Một thông tin vừa được công bố cuối tuần qua: Sau 3 năm tạm ngừng vì dịch Covid-19, Lễ hội Khai ấn đền Trần tại Nam Định sẽ được tổ chức vào đêm 14 tháng Giêng âm lịch, Xuân Quý Mão.

Và, lễ hội từng gây tốn rất nhiều giấy mực của báo giới này cũng chỉ là một trong hàng loạt cuộc "tái xuất" của những lễ hội Xuân sắp tới. Điển hình, như các thông báo được đưa ra, Lễ hội chùa Hương - vốn được coi là lớn nhất miền Bắc - sẽ diễn ra từ mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4 tháng Ba âm lịch. Tương tự, các lễ hội đền Sóc, Yên Tử, Tây Yên Tử, Côn Sơn Kiếp Bạc… cũng đã công bố lịch tổ chức của mình…

Nhìn lại, 3 năm qua là một quãng thời gian đặc biệt của các lễ hội Xuân - vốn là phần quan trọng nhất của hệ thống lễ hội trên toàn quốc. Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, hầu hết các lễ hội này đều được chủ động điều chỉnh theo cách tiếp cận chung: Những nghi thức dâng hương, tế lễ, tri ân tiền nhân... được thực hiện theo quy mô nhỏ, trong khi các hoạt động phần "hội" được tạm dừng - thậm chí là bỏ hẳn - để hạn chế tụ tập đông người.

Góc nhìn 365: Trước mùa lễ hội - Ảnh 1.

Tiết mục biểu diễn múa rồng tại Lễ hội truyền thống đền Trần năm 2022. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Còn bây giờ, khi đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được đẩy lùi, việc những lễ hội Xuân truyền thống hoạt động trở lại là điều tất nhiên và hợp lý. Một mặt, đó là những sinh hoạt văn hóa - tâm linh đã tồn tại và được duy trì trong đời sống của cộng đồng từ rất nhiều năm qua. Mặt khác, cần thẳng thắn, những lễ hội này cũng là cơ hội rất lớn để các địa phương - và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - thu về nguồn lợi kinh tế, cũng như đẩy mạnh việc quảng bá bản sắc của mình.

Và sau 3 năm có sự gián đoạn của những chuyến hành hương ngày Tết, chắc chắn nhu cầu đi lễ hội của cộng đồng cũng đang được đẩy lên ở mức rất cao. Không phải ngẫu nhiên mà phía tổ chức các lễ hội chùa Hương và lễ hội Khai ấn đền Trần đều tính tới khả năng lượng khách đổ tới đây sẽ còn đông hơn so với thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát.

***

Bên cạnh những yếu tố tích cực, điều khiến chúng ta băn khoăn khi các lễ hội trở lại nằm ở cách "nhập cuộc" của khách hành hương. Có nghĩa, đó là câu chuyện về tâm lý và nhận thức - yếu tố vượt khỏi các giải pháp quản lý về trật tự lễ hội.

Bởi, hàng chục năm qua, dư luận và các chuyên gia đã nhắc rất nhiều tới tâm lý tò mò, ham vui và sự kém hiểu biết mang tính a dua, nặng về mê tín của những người muốn đổ xô tới các lễ hội để thỏa mãn khát vọng trần tục của mình. Chen lấn để cướp lộc, xô đẩy nhau trong cảnh nghi ngút khói hương hay nhét tiền lẻ vô tội vạ vào tượng thờ, kiệu thờ… chỉ là hệ quả bề nổi của tâm thức đó.

Và nếu có gì để hy vọng vào những biến chuyển tích cực, có lẽ chúng ta trước hết hãy đặt niềm tin từ chính quãng thời gian ngưng nghỉ của các lễ hội trong 3 năm vừa rồi. Quãng thời gian đó, với những ngày Xuân vắng bóng lễ hội cũng như các nghi thức cầu siêu, giải hạn, dâng hương... hẳn nhiều người cũng đã có dịp soi chiếu và hiểu hơn về nhu cầu tâm linh thật sự của bản thân. Như cách nói của các chuyên gia, đó là sự "hướng nội" cần thiết, để cân bằng với xu thế "hướng ngoại" ồn ào vốn đang phổ biến nơi lễ hội.

Chắc chắn, dù muốn vãn cảnh đầu năm, muốn tìm hiểu về lễ hội truyền thống hay tìm sự yên bình tĩnh lặng từ chốn tâm linh, chúng ta đều có thểđến với lễ hội bằng cách riêng và tâm thế riêng, thay vì bị cuốn theo xu thế cầu tài, cầu lộc vốn đầy những a dua và lố bịch. Được vậy, sau một "khoảng lặng" đáng nhớ, mùa lễ hội đầu tiên sau dịch Covid-19 hẳn cũng sẽ bớt những ồn ào…

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link