12/01/2011 12:04 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - Với bóng đá VN, để đưa trận đấu về đích an toàn là cả một nghệ thuật, nhất là ở những vòng đấu lượt về, nguy cơ bể giải từ một trận đấu vỡ là rất cao. Căn cứ vào tiền lệ, có hy vọng gì về sự lột xác của đội ngũ cầm cân nảy mực mùa giải chuyên nghiệp chính thức 2011, nhất là trong tư duy?
Công tác tập huấn giám sát, trọng tài trước mùa giải vừa diễn ra tại Đà Nẵng rất nhiều sự kiện nóng. Điển hình là có đến 18 trọng tài (TT) đã bị loại vì không đáp ứng yêu cầu sức khỏe (qua hai đợt thi thể lực).
Nhưng, chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi nói rất thẳng rằng nỗi băn khoăn lớn nhất của ông về công tác TT mùa tới vẫn là sự thiếu dũng cảm của cấp dưới trước các hành vi phi thể thao của cầu thủ. Các TT chưa thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của mình để góp phần tạo nên những trận đấu đẹp và hấp dẫn của mùa giải 2010.
Cách mạng “lá gan” cho TT VN, đấy là vấn đề luôn nóng hổi, trong bối cảnh TT đã quá quen với việc chùn tay trước bạo lực sân cỏ. Tập huấn sau khi giai đoạn 1 mùa giải 2010 kết thúc, vấn đề này được cày xới đến mức ngột ngạt. Những hình ảnh sân Vinh trận SLNA gặp SHB.ĐN do TT Võ Minh Trí điều hành trở thành bài học mẫu để rút kinh nghiệm. TT này đã bỏ qua rất nhiều lỗi thô bạo của cầu thủ SLNA, khiến cho hình ảnh bị nhạt trong một thời gian khá dài. Thậm chí, ông còn là đối tượng để một số đồng nghiệp trẻ chỉ trích, dèm pha.
Không phải TT nào ở VN cũng có phong cách cứng rắn như TT Dương Mạnh Hùng ngày nào
Nhìn lại mùa bóng 2010, sân Vinh chỉ là một trong vô số nơi mà hình ảnh trọng tài đánh mất sự kỷ cương, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. TT Vũ Bảo Linh bị Công Vinh lạy nhưng không dám rút thẻ đỏ. Trận K.KH-V.Ninh Bình vòng 25, TT Bùi Thành Thanh Nghĩa bị Ngọc Lung lạy cách 20cm, nhưng vẫn làm ngơ…
820 thẻ vàng, 44 thẻ đỏ, con số ấy phản ánh không chính xác tình trạng bạo lực và hành vi phi thể thao trên sân. Người ta bảo TT là cha là mẹ, nhưng khi các vị phụ huynh nhu nhược thì khó trở thành tấm gương để con em mình vươn tới chân-thiện-mỹ. Với bóng đá, chắc chắn sự non gan của TT đã tiếp tay cho việc triệt tiêu những trận đấu đẹp và hấp dẫn, như lời chủ tịch HĐTT QG đã nói. Thực tế, trong suốt mùa giải 2010, để tìm được những cuộc đọ sức đỉnh cao thực sự là rất khó, đấy cũng là điều mà TT phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình.
Nhưng để thực hiện triệt để và thành công cuộc cách mạng “lá gan” cho đội ngũ cầm cân nảy mực không phải là chuyện dễ. Trước hết, tư tưởng ngại đụng chạm đã ăn quá sâu trong tâm thức của TT. Đến mức, họ đã ngẫu nhiên thừa nhận có “luật 18”, tức là nghệ thuật đưa trận đấu về đích an toàn bằng cách biến thể luật bóng đá sao cho có lợi đến sự an toàn của mình, của giải đấu hơn là sự thôi thúc của lòng tự ái nghề nghiệp và quyền lợi của hai đội bóng. Sự đe dọa ở nhiều góc độ (cả chủ quan lẫn khách quan) đã khiến cho “lá gan” của TT VN bị teo đi theo năm tháng.
Mặt khác, HĐTT QG đã nhận thức được, chỉ khi cầu thủ, quan chức tôn trọng luật chơi, coi sai lầm của TT như là chuyện tất yếu của bóng, thì mới hy vọng có sự bình đẳng trong cuộc chơi chung. Họ sẽ cử giảng viên đến phổ biến luật cho các CLB trước mùa bóng mới. Có điều, bóng đá VN không phải như nước ngoài, tức là tính chuyên nghiệp rất cao từ phía cả cầu thủ cũng như quan chức CLB, còn ở VN, thói quen đổ lỗi cho TT dường như đã trở thành một văn hóa ứng xử.
Với một mùa giải được coi là chuyên nghiệp thực sự mà trong công tác tập huấn TT, người ta chỉ chú trọng đến việc nâng cấp lòng dũng cảm cho “vua”, hơn là chất lượng chuyên môn, thì đấy là nghịch lý.
Thế nên, TT giỏi không có nghĩa là chuyên môn cừ, mà còn nằm ở chỗ biết lúc nào nên rắn, khi nào cần mềm. Thấm nhuần được “luật 18” là cả một quá trình gian khó, đấy là nghệ thuật.
Mùa giải 2010, HĐTT QG cũng như khối TT nói thẳng cảm ơn cái giải đã ngã ngũ sớm làm họ được nhờ, nên chỉ có 6 vị bị kỷ luật. Đấy cũng là nghệ thuật đưa giải về đích an toàn của BTC!
NGỌC HÒA
Đón đọc kỳ 3: Góc nhìn từ khán đài
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất