23/01/2025 07:59 GMT+7 | Thể thao
Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) vừa công bố hệ thống giải của năm 2025, trong 25 giải đấu do VGA tổ chức thì có đến 9 giải chuyên nghiệp, bao gồm giải vô địch quốc gia, tăng 1 giải so với năm 2024. Đây là tín hiệu lạc quan cho golf Việt Nam trong nỗ lực hình thành một nền công nghiệp golf đúng nghĩa.
Giống như quần vợt trước đây, golf là môn được đánh giá rất khó phát triển tại Việt Nam do đặc thù khó tiếp cận với số đông, khi được mặc định là môn để giải trí của "nhà giàu" nên không thể hình thành các VĐV. Trong khi đó, đa số các VĐV thể thao đỉnh cao của Việt Nam lại có xuất phát điểm thấp về điều kiện kinh tế, nơi sinh sống.
Nhưng cà quần vợt lẫn golf đều có tính chuyên nghiệp rất cao, nếu không nói là yếu tố nhà nghề đậm đặc nhất trong thế giới thể thao. Có thể vì vậy mà dù không có nền tảng rộng như các môn khác, thì cả quần vợt và golf đều dần có những kết quả khả quan khi các VĐV đại diện Việt Nam thi đấu quốc tế. Nhìn rộng ra, càng có yếu tố chuyên nghiệp cao thì khả năng phát triển của các môn thể thao đỉnh cao càng bền vững, chỉ cần thời gian là sẽ thành công.
Mấy hôm nay làng thể thao xôn xao việc nhiều VĐV ở nhiều môn trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc kiên quyết rời địa phương do nợ tiền thưởng quá lâu. Không đi sâu vào chi tiết, nhưng những người làm thể thao đều biết chuyện ở Vĩnh Phúc có thể xảy ra ở bất kỳ địa phương nào, nhất là những nơi đang phải tổ chức một lực lượng VĐV đông đảo, phải đầu tư nhiều môn do có tiềm năng về thành tích. Nghĩa là nếu chỉ làm thể thao cơ sở theo kiểu "làng nhàng" thì không sao, thi thoảng có 1-2 nhà vô địch quốc gia, thì không gặp khó về tài chính. Nhưng khi số lượng tăng lên, môn nào cũng "trọng điểm", thì sẽ …có chuyện. Đơn giản vì các khoản chi đều có sẵn quy định nhưng ngân sách dành cho thể thao thì thường thấp nhất trong các khoản chi hằng năm của địa phương.
Lấy trường hợp của thể thao TP.HCM chẳng hạn, VĐV ở đây có được khoản hỗ trợ thêm theo hình thức "đặc thù" của thành phố, nhưng thực tế thì họ lại gặp cái khó khác, đó là cơ sở vật chất không theo kịp các tham vọng về thành tích.
Trung tâm huấn luyện đỉnh cao dự kiến xây dựng tại trường đua Phú Thọ (cũ) đến nay vẫn chưa thành hình trong khó các cơ sở vật chất khác thì đang ở trong tình trạng xuống cấp và chưa có kế hoạch xây mới nào được "chốt" khởi công. Chung quy cũng vẫn là gánh nặng tài chính trong đầu tư cho thể thao.
Những tồn tại của thể thao Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở, rất khó có sự thay đổi trong thời gian trước mắt do vẫn còn dựa vào ngân sách. Thế nên, chỉ có con đường chuyên nghiệp triệt để thì mới giải quyết được bài toán tham vọng vươn tầm châu lục và thế giới. Hình thành được các giải đấu, sự kiện chuyên nghiệp thì VĐV sẽ nhìn thấy tương lai để nỗ lực tập luyện và chọn con đường nghề nghiệp của mình. Thậm chí, có thể được gia đình đầu tư để nâng cấp trình độ, qua đó cũng sẽ giảm gánh nặng ngân sách cho địa phương hay nơi đào tạo.
Tiếc là tiến trình chuyên nghiệp của đa số các môn thể thao tại Việt Nam quá chậm. Đơn cử như môn bóng bàn, mỗi năm có đến 6 giải hàng đầu quốc gia với nhiều tên gọi khác nhau mặc dù cũng chừng đó VĐV, CLB hay địa phương tham gia.
Vậy nhưng bao năm qua, bóng bàn vẫn không thể hình thành được hệ thống tour chuyên nghiệp, biến mỗi giải đấu đó thành các sự kiện có tính liên kết, tích điểm để dễ hơn cho các hoạt động truyền thông - quảng bá và tài trợ. Tức là hệ thống thì có, chỉ cách làm là vẫn mô-tuýp của mấy chục năm trước, thế nên từ tiền thưởng đến doanh thu cũng khó mà khác được.
Nói cho cùng, không thể cứ bao cấp cho thể thao mãi được trong khi lĩnh vực này đang là một nghành công nghiệp hái ra tiền ở các quốc gia có kinh tế phát triển. Thế nên, thể thao phải tự dò đường mà lên chuyên thì mới không còn những chuyện buồn như tại Vĩnh Phúc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất