Bó tay nhìn doanh nghiệp bất động sản “lách luật”?

26/10/2010 07:33 GMT+7 | Thế giới

Gần 30 khách hàng mua căn hộ tại dự án tòa nhà hỗn hợp Hattoco, số 110 Trần Phú, Hà Đông (Hà Nội), vừa có đơn gửi cơ quan báo chí khiếu nại việc chủ đầu tư dự án trên không giữ cam kết như đã ký với họ từ ban đầu.

Chủ đầu tư bắt chẹt?

Đại diện nhóm khách hàng trên, ông Trần Bảo Lâm, cho biết vào tháng 7/2009, ông và nhiều khách hàng khác đã tham gia vào việc góp vốn vào dự án trên để được quyền mua một căn hộ tại đây, sau khi dự án đủ điều kiện kinh doanh theo pháp luật.

Khi đó, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình đã ký thỏa thuận với khách hàng giá bán căn hộ bằng đồng Việt Nam (VND) với mức giá trung bình là 15,5 triệu đồng/m2, khách hàng phải đóng 30% giá trị căn nhà dưới hình thức hợp đồng vay vốn, không tính lãi.

Như vậy, căn hộ của ông Lâm được quyền mua theo hợp đồng vay vốn có diện tích 138,6 m2 sẽ có mức giá tương đương 2,15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, đầu tháng 10 năm nay, sau khi dự án đủ điều kiện bán, chủ đầu tư đã quy đổi đơn giá từ VND ra thành USD (Đô la Mỹ) với tỷ giá 19.500 VND/USD, tức giá ban đầu là 15,5 triệu đồng/m2 được quy đổi thành 797 USD/m2. Như vậy. giá căn hộ của ông mua tại thời điểm ký hợp đồng góp vốn là 2,15 tỷ đồng, tương đương với 110.400 USD.


Phối cảnh Tòa nhà hỗn hợp Hattoco, số 110 Trần Phú, Hà Đông (Hà Nội).

Theo ông Lâm, chủ đầu tư lý giải việc thay đổi trên rằng, khẳng định là đồng tiền được sử dụng trong hợp đồng mua bán là VND, song cần được đảm bảo bằng USD.

Và vì vậy, trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư đã đưa thêm một điều khoản là giá mua bán căn hộ tại thời điểm thanh toán hết tiền mua và bàn giao căn hộ có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào sự biến động của tỷ giá USD.
    
Thậm chí, trong 5 đợt thanh toán, chủ đầu tư đã đặt điều kiện với khách hàng tại mỗi đợt thanh toán, nếu tỷ giá USD/VND có biến động thì số tiền thanh toán của mỗi đợt sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm.

Theo các khách hàng, điều này là một “chiêu” bắt chẹt khách hàng và chủ đầu tư nắm chắc lợi thế, bởi thực tế qua nhiều năm, tỷ giá USD/VND chưa bao giờ giảm. Việc chủ đầu tư đưa thêm điều khoản “có thể giảm” chỉ là nhằm hợp thức hóa việc “lách luật” của mình.

Còn theo chị Nguyễn Thị Thu Huyền (một khách hàng mua căn hộ tại dự án trên), trong hợp đồng vay vốn, chủ đầu tư không hề đưa ra giá bán căn hộ bằng USD và 30% giá trị căn hộ được quy bằng VND, nên khi chuyển sang hợp đồng mua bán, giá bán cũng phải giữ nguyên theo VND.

“Việc chủ đầu tư bất ngờ quy đổi giá nhà từ tiền VND sang USD trong khi tỷ giá luôn tăng cao là bắt ép khách hàng”, chị Huyền bức xúc.

Ngoài ra, theo các khách hàng, trong hợp đồng vay vốn, chủ đầu tư công bố là 2012 sẽ tiến hành bàn giao nhà. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán sau đó, thời điểm bàn giao nhà đã được sửa thành 2014.

Bên cạnh đó, phụ lục nguyên vật liệu biến động giá mà chủ đầu tư cung cấp cho khách hàng rất sơ sài, chung chung, chỉ nêu giá trị chênh lệch với giá gốc để rồi áp phần phụ thu theo tầng là 1%.

Khó xử lý

Đáp lại những khiến kiện trên, ông Lương Văn Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình khẳng định: “Đồng tiền được sử dụng trong hợp đồng vẫn là VND”.

Theo ông Phú, việc doanh nghiệp này sử dụng tỷ lệ USD để quy đổi chỉ là cách để bảo toàn vốn cho doanh nghiệp, đồng thời tránh tình hình biến động của nguyên vật liệu. Do vậy, theo vị này, một số điều khoản trong hợp đồng góp vốn không liên quan đến hợp đồng mua bán.

Lãnh đạo Công ty Ba Đình cũng khẳng định, việc công ty dùng USD để đảm bảo hoàn toàn là thỏa thuận giữa hai bên. Việc khách hàng đồng ý ký vào hợp đồng mua bán là do họ thấy có lợi nên tự nguyện ký hợp đồng, bởi thực tế giá chào bán căn hộ tại dự án này hiện nay là khoảng 24 triệu đồng/m2, trong khi công ty vẫn giữ nguyên giá bán 15 triệu đồng/m2 tính theo giá khởi điểm từ tầng 7.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc niêm yết, giao dịch mua bán bất cứ hàng hóa nào trên lãnh thổ Việt Nam đều phải giao dịch bằng VND.

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chấp hành quy định này tương đối nghiêm túc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận, vẫn có tình trạng doanh nghiệp “lách luật” bằng việc vẫn tiến hành niêm yết, thanh toán bằng VND, song trong hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư thường “đẻ” thêm điều khoản là căn hộ trị giá bao nhiêu VND thì tương đương với một khoản là bao nhiêu USD, và khi tỷ giá thay đổi thì giá VND phải thay đổi theo.

Theo ông Nam, để xử phạt doanh nghiệp trong trường hợp này là tương đối khó, bởi thực tế, đây là thỏa thuận dân sự giữa doanh nghiệp và khách hàng. Nếu khách hàng không chấp thuận thì họ sẽ không ký vào hợp đồng.

Ông Nam cũng cho biết, chiêu quy đổi này thực ra chỉ tồn tại được ở thị trường bất động sản Hà Nội do nguồn cung vẫn hạn chế. Còn ở Tp.HCM thì điều khoản này hầu như không có vì nguồn hàng dồi dào hơn, thị trường gần như là thuộc về người mua.

“Hạn chế này là do cung - cầu trên thị trường quyết định. Chỉ khi nào thị trường thuộc về người mua thì rủi ro tỷ giá sẽ thuộc về người bán. Còn theo luật thì cũng khó có thể xử phạt doanh nghiệp được”, ông Nam cho hay.

Theo Vneconomy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link