08/09/2017 18:56 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Không tranh cãi, chẳng giải thích nhiều, quy định đã nêu ra, ai vi phạm là phạt, không có ngoại lệ. Từ nhiều năm nay, chuyện phạt đã trở nên quen thuộc ở các Grand Slam. Lâu dần, nó trở thành một nét văn hóa đặc trưng ở 4 giải đấu quần vợt được chú ý nhất trong năm.
Fabio Fognini là trường hợp mới nhất phải chịu phạt ở US Open đang diễn ra ở New York. Với hành vi xúc phạm trọng tài, tay vợt Italy đã bị tống cổ khỏi giải đấu. Kèm theo đó Fognini phải nộp 24.000 USD tiền phạt.
Quỹ phát triển Grand Slam
Nhưng đó chỉ là án phạt của ban tổ chức US Open. Nhiều khả năng Fognini phải đối mặt với án phạt của ATP bởi hành vi khó chấp nhận được của mình. Chưa rõ con số cụ thể nhưng truyền thông loan tin rằng mức phạt có thể lên tới 250.000 USD.
Mức phạt đó có thể khiến Fognini khóc ròng nhưng lại là nguồn vui của Quỹ phát triển Grand Slam. Tổ chức này là nơi nhận tất cả các khoản phạt ở các giải Grand Slam trong năm. Toàn bộ số tiền sẽ được phục vụ cho việc khuyến khích sự phát triển của quần vợt ở các quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới.
Do Liên đoàn quần vợt thế giới điều hành, quỹ này giúp thiết lập các hệ thống cơ sở và chuyên nghiệp ở các quốc gia không có điều kiện tài chính để làm việc đó. Kể từ năm 1989, Quỹ phát triển Grand Slam đã nhận được hơn 45 triệu USD tiền phạt do các tay vợt đóng góp từ 4 giải Grand Slam.
“Nghe thì có vẻ trớ trêu nhưng với tôi những tay vợt thường xuyên phải chịu hình phạt tại các Grand Slam do vi phạm các nguyên tắc ứng xử lại là những người có đóng góp tài chính cho sự phát triển toàn cầu của quần vợt”, ông Bill Babcock, một trong những quan chức của Quỹ phát triển Grand Slam, chia sẻ.
Khi “Ngựa chứng” góp công
Nếu chưa kể án phạt khủng đang phải đối mặt, Fognini hiện đang giữ kỷ lục về tiền phạt với 27.500 USD ở Wimbledon 2014. “Ngựa chứng” Nick Kyrgios cũng bổ sung một khoản tiền đáng kể cho quỹ trong năm nay với 7.300 USD tiền phạt ở Australian Open, 6.000 USD ở Roland Garros và mới đây là 5.500 USD tại US Open do thói quen đập vợt.
Mặc dù khoản tiền phạt trên không ảnh hưởng tới thu nhập hàng năm của các tay vợt chuyên nghiệp này nhưng với quỹ phát triển Grand Slam, số tiền đó vô cùng có ý nghĩa. “Đây chắc chắn là việc làm tích cực, đảm bảo Grand Slam không có mâu thuẫn hoặc tư lợi khi đưa ra những hình phạt tài chính cho các hành vi sai trái”, ông Babcock nói.
Các tay vợt có thể bị phạt với vô vàn lý do, từ đập vợt, có hành vi lăng mạ, xúc phạm, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính và các hành vi phi thể thao khác.
Tính riêng tại Australian Open năm nay, quỹ đã thu về 59.700 USD tiền phạt. Số tiền thu được ở Roland Garros là 53.900 USD và tại Wimbledon là 89.400 USD. Tại US Open, tính đến hiện tại, số tiền thu về là 150.000 USD. Năm ngoái, tổng cộng ở 4 Grand Slam, quỹ thu được 267.650 USD.
Ngoài việc sử dụng tiền để phát triển quần vợt ở phạm vi toàn cầu, quỹ còn chi tiền để duy trì một quỹ từ thiện dành cho chính các tay vợt, hỗ trợ tài chính cho các tay vợt, cựu tay vợt hoặc thân nhân của họ, những người bị bạo bệnh hoặc gặp điều không may trong cuộc sống.
Tiền phạt tại ATP được sử dụng như vậy còn ở WTA thì sao? Theo đại diện của WTA, tiền phạt ở các giải đấu do cơ quan này quản lý sẽ được chuyển trực tiếp cho các tổ chức từ thiện.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất