Grateful Dead tổ chức lưu diễn: Sát cánh bên nhau thêm một lần cuối

01/02/2015 07:19 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn)- Ban nhạc Grateful Dead nổi lên từ phong trào hippie ở California trong những năm 1960 và nhanh chóng ảnh hưởng lớn tới văn hóa Mỹ. Trong tháng 7 tới đây, các thành viên còn sống của ban nhạc sẽ tổ chức màn diễn cuối cùng tại sân vận động Soldier Field, Chicago, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập (1965).

Soldier Field là nơi Grateful Dead đã thực hiện màn diễn cuối cùng với thành viên trụ cột Jerry Garcia hồi tháng 7/1995, sau nhiều thập kỷ rong ruổi lưu diễn.

Garcia là ca sĩ, nghệ sĩ guitar đồng thời là nhạc sĩ của Grateful Dead. Ông qua đời 1 tháng sau buổi hòa nhạc tại Soldier Field. Sự ra đi của ông đặt dấu chấm hết cho một kỷ nguyên văn hóa, tại đó các “Deadhead” (các fan ruột của ban nhạc) đã đồng hành cùng với họ trong các chuyến phiêu lưu âm nhạc.


Các thành viên còn sống trong ban nhạc Grateful Dead

Cơ hội cuối cho các “Deadhead” trở lại bên nhau

Buổi diễn tái hợp sẽ có sự tham gia của các thành viên còn sống trong ban nhạc, gồm Mickey Hart (71 tuổi), Bill Kreutzmann (68 tuổi), Phil Lesh (74 tuổi) và Bob Weir (67 tuổi), cùng 3 nghệ sĩ khách mời lấp chỗ trống của Garcia. “Đây sẽ là những màn diễn cuối cùng có 4 thành viên chúng tôi” - Weir nói với tạp chí Billboard.

Trixie Garcia, con gái của Garcia, bày tỏ hy vọng các buổi hòa nhạc này sẽ tạo cơ hội để các "Deadhead" trở lại bên nhau thêm một lần nữa. “Điều tuyệt vời là các màn diễn của một ban nhạc rock Mỹ nổi tiếng được tổ chức tại sân vận động Soldier Field vào đúng ngày 4/7 - Quốc khánh Mỹ” cô nói.

Trong số các nghệ sĩ tham gia trình diễn có Trey Anastasio, ca sĩ kiêm nghệ sĩ guitar của Phish - ban nhạc được coi là kế thừa phong cách âm nhạc ngẫu hứng của Grateful Dead.

Anastasio cho biết khi nhận được lời mời của Grateful Dead, ông đồng ý tham gia ngay. “Tôi đã đọc bức thư đầy chân tình của Phil Lesh, trong đó Lesh viết rằng ông và 3 thành viên khác của ban nhạc hy vọng tôi tham gia màn diễn của họ. Tôi không hề lưỡng lự và đồng ý ngay. Thật vinh dự khi được tham gia các màn diễn cuối cùng của ban nhạc” – Anastasio nói.

Bên cạnh đó còn phải kể tới sự góp mặt của nghệ sĩ piano kiêm ca sĩ Bruce Hornsby, người trước đây từng hợp tác thường xuyên với Grateful Dead; nghệ sĩ đàn phím Jeff Chimenti, người từng chơi trong các nhóm nhạc hậu Grateful Dead.

Trước đây, các thành viên còn sống của Grateful Dead từng nhiều lần tái hợp trình diễn, gồm màn diễn hồi năm 2008 ủng hộ ứng cử viên tổng thống lúc đó, ông Barack Obama.

Tuy nhiên về sau này, các thành viên của Grateful Dead ngày càng mệt mỏi, sau nhiều năm lưu diễn quá nhiều. Hồi tháng 8, Weir đã hủy bỏ toàn bộ tour diễn cùng ban nhạc RatDog, gồm cả màn diễn ở Jamaica trong tháng này. Tuy nhiên ông vẫn muốn được biểu diễn thêm một lần nữa dưới cái tên Grateful Dead.

“Chúng tôi tái hợp Grateful Dead lần cuối cùng, để không chỉ tôn vinh di sản của ban nhạc, mà còn muốn thể hiện sự tôn trọng và biết ơn những người đã sát cánh cùng chúng tôi trong suốt 50 năm qua” – Lesh bày tỏ.

Gây ảnh hưởng lớn tới văn hóa Mỹ

Grateful Dead có sức ảnh hưởng mạnh tới văn hóa Mỹ, dù chưa từng gặt hái thành công lớn về mặt thương mại. Cho đến nay, Touch of Grey là ca khúc duy nhất của ban nhạc lọt vào Top 10 các ca khúc ăn khách nhất Mỹ. Grateful Dead đã trình diễn sống ca khúc này trong vòng 5 năm trời trước khi ra đĩa hồi năm 1987.

Thay vì thu lợi thương mại, Grateful Dead đã đi tiên phong trong việc xây dựng mối quan hệ giữa các ca sĩ, nhạc sĩ với fan, bằng cách không chỉ cho phép mà còn khuyến khích fan ghi lậu các ca khúc của họ. Kết quả của việc này là các fan đã tạo ra hàng trăm đĩa nhạc "lậu" và tự do chia sẻ với nhau.

Tính chất cộng đồng thể hiện rõ tại các buổi hòa nhạc sống đã khiến Grateful Dead trở thành giá trị tinh thần quan trọng cho nhiều người Mỹ sống dưới thời nước Mỹ đang bùng nổ tỷ lệ sinh. Ban nhạc gây ảnh hưởng tới một số người về sau đã rất thành công trong cuộc đời, gồm cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore và Steve Jobs.

Grateful Dead sẽ thể hiện việc gắn bó với cội rễ, khi tiếp tục bán và gửi vé tham dự các màn diễn sắp tới cho fan qua thư. Tuy nhiên trong dấu hiệu thể hiện sự thay đổi, họ còn bán vé qua mạng Internet, bên cạnh các gói chăm sóc khách VIP, bao gồm phòng nghỉ khách sạn và chỗ ngồi riêng trên khán đài.

Sau khi Grateful Dead thông báo về các màn diễn cuối này, nhiều “Deadhead” đã thể hiện sự hưởng ứng. Tuy nhiên họ vẫn băn khoăn tự hỏi vì sao ban nhạc lại trình diễn giã biệt ở Chicago chứ không phải ở California, nơi họ đã làm nên tên tuổi của mình.

Những sự tôn vinh dành cho một ban nhạc huyền thoại

Năm 2004, tạp chí Rolling Stone xếp Grateful Dead vào vị trí thứ 57 trong danh sách 100 nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại.

- Ngày 10/2//2007, Grateful Dead được trao giải Grammy Thành tựu trọn đời.

- Ngày 23/5/2011, chương trình hòa nhạc của Grateful Dead tại trường Đại học Cornell (8/5/1977), đã được đưa vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thuộc Thư viện Quốc hội Mỹ.


Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link