04/08/2012 09:22 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - “Cuốn sách rất giản dị, dễ đọc, tuy nhiên để hiểu hết nó không đơn giản. Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng vậy: uyên bác, sâu sắc, dễ gần, nhưng không hề dễ hiểu”. Đó là lời nhận xét của giáo sư Toán học Hà Huy Khoái tại buổi tọa đàm Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình vừa diễn ra tối 2/8 tại Hà Nội.
Từ trước tới nay, người ta biết đến Ngô bảo Châu với tư cách một nhà toán học, vị giáo sư trẻ tuổi nhất đoạt giải thưởng toán học danh giá Fields (2010). Ít ai nghĩ một thời khắc nào đó lại được trò chuyện cùng anh với một vị trí hoàn toàn khác - nhà văn. Có lẽ vì lí do ấy mà những hàng ghế dài trong khán phòng Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) đã không còn một chỗ trống khi cuộc tọa đàm vẫn chưa bắt đầu.
Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình là tác phẩm mang kỳ vọng tiếp thêm tình yêu, sự say mê cho độc giả trẻ đối với môn Toán, dẫn họ bước qua những cột mốc lớn nhất của nền văn minh toán học loài người bằng một hình thức truyện kể văn học sinh động và trí tuệ.
Hai tác giả ký tặng Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình sau buổi tọa đàm |
Nhận định về Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: “Tôi đọc cuốn sách của hai tác giả trẻ mà đôi lúc cảm giác như đọc thi thoại của các bậc thâm niên.” Còn GS. Toán học Hà Huy Khoái lại nhận xét: “Cuốn sách là một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp, với nắng vàng trên bãi cát, với bầu không khí trong vắt của trí tuệ và tình người, với những nghịch lý và âm mưu. Ta chợt nhận ra rằng, thế giới của những con số cũng huyền ảo, kỳ bí và lãng mạn như cuộc đời.”
Theo lời kể của nhà thơ Trần Đăng Khoa, cách đây hàng chục năm, ông từng đọc những bài báo của Ngô Bảo Châu. “Bài báo Ai đã ăn thịt thần đồng đăng trên báo Tiền Phong Chủ nhật để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Một bài báo ngắn gọn nhưng rất sâu sắc kể về nhà toán học Lê Bá Khánh Trình. Vì lẽ vậy, tôi không hề ngạc nhiên khi cuốn sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình được xuất bản” – nhà thơ kể.
Với vẻ điềm tĩnh, đăm chiêu của một nhà toán học, Ngô Bảo Châu cho biết cuốn sách xuất phát từ ý tưởng của cả hai người. Trước khi viết sách thì Ngô Bảo Châu và Phương Văn đã từng hợp tác với nhau nhiều dự án nhưng đều thất bại. Điều đó càng thúc ép hai người quyết tâm làm điều gì đó thành công chứ không thể mãi thất bại. Khi đến một lớp học thấy compa, thước kẻ... anh đã nghĩ tại sao những vật rất bình thường lại sử dụng những khái niệm trừu tượng làm học sinh khó hiểu thêm. Sao không đơn giản hóa chúng để dễ hiểu hơn. Và anh bắt đầu mang máng về một cuốn sách truyền tải những kiến thức toán như vậy. Ngô Bảo Châu đã chia sẻ ngay với Phương Văn ý tưởng ấy. Mặc khoảng cách địa lí xa xôi, hai người vẫn liên lạc với nhau và nhanh chóng hoàn thành cuốn sách trong vòng 8 tháng.
Cuộc tọa đàm thân mật, cởi mở và đặc biệt hơn là sự có mặt của nhiều độc giả khiếm thính. Trước lời tâm sự mong muốn tiếp cận, đọc những cuốn sách hay của một độc giả khiếm thính, nhà thơ Trần Đăng Khoa cảm thông và chia sẻ: “Chúng tôi sẽ góp ý với nhà sách Nhã Nam để xuất bản những cuốn sách đặc biệt dành cho những độc giả yêu sách như bạn”.
Thanh Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất