02/02/2014 09:18 GMT+7 | Đọc - Xem
Sinh thời, nhà văn Sơn Nam chỉ thích sống một mình nay đây mai đó, cơm hàng cháo chợ, trong các khu nhà trọ bình dân chật hẹp khắp các hóc hẻm Sài Gòn. Nhà văn sống vậy là theo sở thích dân dã của ông và vì ông không muốn làm phiền con cháu hay bất kỳ một ai khác. Từng có một vài đại gia lắm tiền nhiều bạc, nhà cao cửa rộng muốn rước Sơn Nam về phụng dưỡng nhưng ông đều từ chối.
Có lẽ, Sơn Nam thích cuộc sống tự do một mình, thấy đói thì ăn, thấy khát thì uống, đang viết thấy trời nóng thì cởi áo mặc quần đùi ngồi bên máy đánh chữ, có hứng thì lọc cọc gõ thâu đêm đến tận trời sáng, mỏi lưng thì nằm trên nền nhà hay trên ghế xép…không phiền đến ai. Nhà lưu niệm Sơn Nam to đẹp, bề thế với đủ các hình ảnh, tư liệu quý được trưng bày. Cửa nhà lưu niệm sẵn sàng mở đón khách bất cứ lúc nào với sự hoan hỉ của vợ chồng ông bà Trần Đức Nghị. Người xưa cho rằng “dâu con, rể khách”. Ý của câu này muốn nói con dâu như con ruột trong nhà còn con rể như khách lâu lâu ghé chơi. Ông Trần Đức Nghị cưới bà Đào Thúy Hằng – con gái cả của nhà văn Sơn Nam khoảng năm 1970. Đến nay, chưa khi nào ông Nghị xem mình là khách trước mặt nhạc phụ Sơn Nam.
Ông bà Trần Đức Nghị, Đào Thúy Hằng trong khuôn viên nhà lưu niệm Sơn Nam
Tại sao ông Trần Đức Nghị lại yêu quý, hiếu nghĩa với cha vợ của mình đến thế? Câu trả lời này thể hiện qua những lần đám giỗ nhà văn Sơn Nam được vợ chồng ông tổ chức tại nhà lưu niệm. Hơn thế, qua những lần tiếp khách bất ngờ đến thăm nhà lưu niệm, vợ chồng ông luôn song hành bên nhau. Nhìn cách ông Trần Đức Nghị chơi đàn guitar cho bà Đào Thúy Hằng hát, ít ai nghĩ hai vợ chồng này đã cưới nhau hơn 40 năm mà chỉ như một đôi uyên ương vừa tỏ tình lần đầu. Nếu không yêu vợ và kính trọng văn tài của cha vợ, chắc gì con rể Trần Đức Nghị đã “tử tế” với Sơn Nam như thế!
Bên cạnh nhà lưu niệm Sơn Nam là nhà thờ tổ của ông Trần Đức Nghị. Ông Trần Đức Nghị là hậu duệ đời thứ 13 của Cống quận công Trần Đức Hòa, một nhân vật lịch sử của tỉnh Bình Định. Theo các tài liệu còn lưu lại ở Ban quản lý di tích tỉnh Bình Định, thì cụ Trần Đức Hòa là người có công phát hiện ra quân sư Đào Duy Từ giúp các chúa Nguyễn mở cõi vào Nam.
Khi đó, Đào Duy Từ đã ngoài 50 tuổi vượt sông Gianh vào Đàng Trong tìm minh chúa. Đến Bình Định, Đào Duy Từ biết Trần Đức Hòa làm quan nhưng rất chuộng người tài, đã tìm cách tiếp cận. Phát hiện ra tài trí của Đào Duy Từ, cụ Trần Đức Hòa đã tiến cử cho Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Chẳng những thế, ông còn gả người con gái duy nhất cho Đào Duy Từ. Công trạng lớn khác của cụ Trần Đức Hòa là ông đã “bao che” cho các giáo sĩ phương Tây truyền bá chữ Quốc ngữ, nếu không các giáo sĩ này đã bị trục xuất khỏi Đàng Trong.
Tự hào về tổ tiên dòng tộc, dù trải qua bao năm tháng thăng trầm, khi có điều kiện ông Trần Đức Nghị đã dựng nhà thờ tổ và các vị tiền hiền của mình. Điều này chứng tỏ chẳng những ông Nghị nhớ về nguồn gốc của mình mà còn thể hiện lòng hiếu thảo với đời trước. Ông Nghị càng được nhiều người đánh giá cao khi bên cạnh nhà thờ tổ, ông dựng nhà lưu niệm cha vợ - nhà văn Sơn Nam cũng to đẹp không kém. Ông Nghị đã xứng với chữ Hiếu vẹn toàn cả hai bên gia đình của mình và của vợ.
Nói về nhà lưu niệm Sơn Nam, ông Trần Đức Nghị chân thành: “Từ ngày lập nhà thờ bố vợ, hình như cụ sống khôn thác thiêng đã phù hộ cho vợ chồng tôi rất nhiều, làm việc gì cũng thành công”
TRẦN HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất