18/05/2016 08:34 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO) của Pháp đã trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Giáo sư Phan Huy Lê, nhà sử học hàng đầu của Việt Nam tại một buổi lễ được tổ chức ngày 17/5 tại Paris.
Trong thư gửi lãnh đạo trường EFEO, Giáo sư Phan Huy Lê bày tỏ niềm vinh dự khi được nhận bằng Tiến sĩ danh dự của EFEO - một cơ quan nghiên cứu lớn của Pháp về các nền văn minh châu Á. Ông coi việc trao tặng danh hiệu này là sự động viên để ông và các đồng nghiệp tiếp tục các công trình nghiên cứu, cũng như công tác quản lý các văn bản và tài liệu cổ tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Yves Goudinau đánh giá cao những đóng góp của Giáo sư Phan Huy Lê với nền lịch sử nước nhà. Theo ông, nhà sử học Phan Huy Lê được các đồng nghiệp tôn trọng và ngưỡng mộ không phải vì ông liên tục đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam từ năm 1988, mà bởi vì ông là nhà khoa học đã biết kết hợp các phương pháp nghiên cứu truyền thống với các phương pháp hiện đại. Ông được biết đến với một khối lượng đồ sộ gồm 500 công trình nghiên cứu được sử dụng làm cơ sở nền tảng cho các công trình nghiên cứu sau này, đặc biệt là các nghiên cứu về xã hội nông thôn Việt Nam, về mối liên hệ đã gắn kết Việt Nam với vùng Đông Nam Á.
Giám đốc Trường EFEO cũng cho rằng các nghiên cứu của Giáo sư Phan Huy Lê mang tính tiên phong và cho đến nay vẫn chưa có ai vượt qua, rằng ông cũng đã nỗ lực không ngừng để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vật thể của Việt Nam. Chính sự cởi mở đón nhận cái mới đã khiến ông được biết đến không chỉ ở trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế. Cũng chính sự cởi mở trí tuệ, sự nghiêm túc trong khoa học, tinh thần hợp tác quốc tế và tấm lòng nhân ái của ông đã khiến Trường EFEO trao tặng ông danh hiệu Tiến sĩ danh dự.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã cảm ơn Trường EFEO đã tôn vinh các công trình nghiên cứu của Giáo sư Phan Huy Lê, đề cao những cống hiến của ông cho ngành khoa học lịch sử. Đại sứ cũng nhấn mạnh những đóng góp của Trường Viễn Đông Bác cổ trong hơn một thế kỷ vào sự phát triển công tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam, vào việc đào tạo cán bộ khoa học và trí thức cũng như các hoạt động bảo tồn-phát huy di sản vật thể và phi vật thể tại Việt Nam.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất