GS. Tô Ngọc Thanh: Thế giới chưa biết nhiều đến âm nhạc truyền thống VN

01/08/2010 12:40 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Hội nghị của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế (International Council for Traditional Music - ICTM) diễn ra tại Việt Nam với sự tham gia của 30 nước trên thế giới đã kết thúc cuối tuần này, sau một tuần làm việc (từ ngày 20 đến 28/7/2010).

Có thể thấy, hội nghị ICTM diễn ra tại VN là một điều kiện thuận lợi cho âm nhạc VN có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với thế giới. Việt Nam là một trong những thành viên của ICTM có tiểu ban quốc gia do GS.TSKH Tô Ngọc Thanh làm chủ tịch. Ông đã từng làm ủy viên Ban Thường vụ của ICTM với 3 nhiệm kì ( 1999 - 2005).

Nhân kết thúc hội nghị TT&VH đã có cuộc trao đổi với ông:

* Hội nghị lần này được tổ chức tại Việt Nam với những chủ đề rất lớn và rất rộng. Từ góc độ của mình, ông có thể cho biết điều tâm huyết nhất, ông muốn nói tới trong hội nghị này là gì?

- Nước ta là một quốc gia đa thành phần tộc người. Trải qua lịch sử nhiều ngàn năm, cộng đồng các tộc người Việt Nam đã sáng tạo nên nền văn hóa dân tộc, trong đó có âm nhạc cổ truyền, mang đặc trưng chung nhưng được thể hiện qua những sắc thái đa dạng của văn hóa mỗi tộc người.

Có thể nói, âm nhạc cổ truyền Việt Nam là một thực thể thống nhất trong đa dạng. Đó là vấn đề chủ chốt tôi nhấn mạnh trong tham luận của mình. Đây là một phẩm chất mà không phải bất cứ xã hội đa tộc người cũng có thể đạt được, bởi trên thế giới không hiếm những quốc gia, trong đó, tộc người đa số lấn át, thậm chí đồng hóa có chủ đích các nền văn hóa của người thiểu số. Ngoài ra, các tộc người chia rẽ, biệt lập với nhau. Ở Việt Nam, sự chia sẻ để gánh vác nhiệm vụ lịch sử là dựng nước trong muôn vàn khó khăn của một môi trường gió mùa bão lũ và dựng nước trong một số phận lịch sử luôn bị kẻ thù xâm lược âm mưu thôn tính, đã đoàn kết các tộc người thành viên vào một khối thống nhất của những người ruột thịt. Từ đó, hình thành những phẩm chất và bản sắc văn hóa dân tộc chung của Việt Nam.

Thêm nữa, các tộc người Việt Nam đều làm nông nghiệp trong cùng một môi trường sinh thái, họ lại chung sống trong những cộng đồng công xã xóm làng. Do đó, họ có chung những nhu cầu trong cuộc sống sản xuất và sinh hoạt thường ngày. Cũng vì thế, họ có chung những thể loại âm nhạc, những hình thức hoạt động âm nhạc và cùng chia sẻ những âm sắc của các nhạc cụ. Chẳng hạn, các tộc người đều có những loại dân ca cho các chặng đường đời con người từ khi sinh ra đến khi qua đời như hát ru và hát đồng dao cho trẻ em, giao duyên cho thanh niên nam nữ, hát cưới xin, hát tân gia, hát khóc và kèn trống cho tang ma... Các thể loại này lại được thể hiện thông qua làn điệu hay nhạc cụ của mỗi tộc người.

Bổ sung cho tham luận này, tham luận của các đại biểu Việt Nam khác đã thông báo về âm nhạc cổ truyền của một số tộc người cụ thể như Ta Ôi, Chăm, Mường, Thái, Kinh, các tộc Tây Nguyên,...

* Còn các nhà nghiên cứu Việt Nam đã gửi đến hội nghị lần này những đặc sản âm nhạc gì? Và được hội đồng cũng những các nhà nghiên cứu nhận xét ra sao?

- Đội ngũ những nhà nghiên cứu Việt Nam đang còn rất mỏng và cũng đang trong quá trình trưởng thành. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có hơn 10 tham luận bước đầu đi vào quỹ đạo của nghề Âm nhạc dân tộc học - một nghề còn non trẻ cả ở trên thế giới nữa. Thông qua các câu hỏi hay lời bình luận của các nhà nghiên cứu nước ngoài sau mỗi tham luận của chúng ta, tôi hiểu rằng họ bắt đầu tìm thấy nhiều điều trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

* Được biết, ông là chuyên gia Việt Nam “ngồi’ trong Hội đồng Âm nhạc thế giới khá nhiều năm và có vai trò nhất định đối với hoạt động của Hội đồng này. Xin ông cho biết, thông qua Hội đồng, ông đã có những hoạt động gì để giới thiệu âm nhạc truyền thống VN ra thế giới, nhất là việc vận động để UNESCO công nhận các di sản về âm nhạc của Việt Nam như nhã nhạc, ca trù?

- Cùng với các nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước, tôi cũng có đóng góp vào việc giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong những dịp có điều kiện và đặc biệt, như trong hội thảo khoa học do Hội đồng ICTM tổ chức. Ngoài ra, theo cách làm việc của hội đồng giám khảo UNESCO, những hồ sơ về âm nhạc cổ truyền đều được đưa đến cho Ban Thường vụ ICTM cho ý kiến tư vấn. Trong những nhiệm kỳ còn là ủy viên của Ban, tôi cũng đóng góp ý kiến làm rõ hơn những giá trị và đặc trưng độc đáo của các di sản ta đem trình.

* Qua hội nghị lần này, ông thấy các nhà nghiên cứu âm nhạc trên thế giới quan tâm đến âm nhạc truyền thống Việt Nam như thế nào? Điều gì khiến họ thấy hấp dẫn khi nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam?

- Cho đến nay bạn bè trên thế giới chưa biết nhiều và do đó chưa có nhiều người quan tâm đến âm nhạc cổ truyền Việt Nam như là đề tài nghiên cứu sâu của họ. Số người quan tâm sâu cũng chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng qua các tham luận nói về đề tài nghiên cứu của các bạn, tôi tin rằng âm nhạc cổ truyền của chúng ta có sức hấp dẫn riêng

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link