GS Trần Ngọc Thêm: Người Việt thuộc văn hóa âm tính, nên thụ động

27/07/2013 06:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải tiên phong”- trích đoạn trong cuốn sách của chàng trai từng xuyên Việt với chiếc ví rỗng Tran Hung John (John đi tìm Hùng, NXB Kim Đồng, 2013) được đưa vào đề thi đại học môn ngữ văn khối D năm nay gây nên nhiều tranh luận.

Viện sĩ, GS và TSKH Trần Ngọc Thêm trao đổi với TT&VH Cuối tuần về chủ đề này.


 GS Trần Ngọc Thêm. Ảnh: Văn Bảy

* Thưa GS, đã có nhiều nhận xét tương tự về “sự thụ động” của người Việt, điều này phải chăng xuất phát từ cơ sở văn hóa của Việt Nam?

- Xuất phát từ cội nguồn văn minh lúa nước, văn hóa Việt rất âm tính, nên người Việt thường có tính thụ động. Sự thụ động này còn được củng cố bởi tính cộng đồng là một đặc trưng khác cũng rất điển hình của nền văn minh lúa nước, nơi mà cuộc mưu sinh cần tới sự cộng sinh nhiều hơn là sức mạnh riêng lẻ của từng cá nhân.

Mà cộng đồng làng xã là một tập thể những con người có sự đồng nhất rất cao, trong đó ai yếu kém thì sẽ được thương yêu, giúp đỡ; ngược lại, ai trồi lên, tỏ ra tiên phong vượt trội thì sẽ bị ghen ghét, đố kỵ, sẽ bị ném đá để kéo xuống đến chừng nào bị “cào bằng” như mọi người mới thôi. Chẳng thế mà tục ngữ Việt Nam có vô số những câu như: “Khôn độc không bằng ngốc đàn”, “Chết một đống còn hơn sống một người”... Cũng vì vậy mà trong xã hội Việt Nam truyền thống, những ai đi tiên phong thì luôn gặp vô vàn khó khăn, trắc trở; Nguyễn Du từng đau đớn thốt lên: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Phẩm chất thường được người Việt Nam đánh giá cao là “sự khiêm tốn” chứ không phải là “sự tự tin”, và càng không phải là “tính tiên phong”. Trong khi ở phương Tây, “khiêm tốn” được hiểu là “thể hiện một sự đánh giá có chừng mực về giá trị, khả năng và tài năng của mình” thì ở Việt Nam, “khiêm tốn” lại thường được hiểu là sự nhún nhường, tự hạ thấp mình, đôi khi tới mức thấp kém, hèn mọn. Chất thụ động, âm tính này đã trở thành một thiết chế gây áp lực lên cộng đồng suốt hàng ngàn năm qua, không dễ gì có thể thay đổi một sớm một chiều. Nó vẫn còn đi theo người Việt cho đến tận ngày nay, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục chi phối trong một thời gian không ngắn nữa.

Tóm lại, tính thụ động của người Việt có nguồn gốc từ ba yếu tố chính: chất âm tính của văn hóa; tính cộng đồng cùng áp lực của số đông; và những tai họa giáng xuống đầu những người đi tiên phong như một sự cảnh cáo, đe dọa.



Tran Hung John khá tinh và đặc biệt là có tinh thần chủ động phản biện rất đáng khích lệ.

* Thưa ông, nhiều người cho rằng thụ động có nghĩa là không sáng tạo, chỉ theo đuôi. Hiểu như thế về phẩm chất người Việt có đúng không?

- Trước hết, thụ động có thể là theo đuôi nhưng nó không đồng nghĩa với “theo đuôi”. Thụ động không phải lúc nào cũng xấu. Tính thụ động ở người phụ nữ thể hiện sự thùy mị, nhã nhặn, nết na. Người Việt Nam không thích chủ động, tiên phong nhưng sẽ chỉ đi theo những gì mà họ cho là đúng; còn với những gì sai thì họ thường không phản đối ra mặt nhưng lẳng lặng làm theo ý mình. Trong quan hệ với những láng giềng mạnh hơn mình thì chính phẩm chất này đã giúp chúng ta giữ được bản sắc, lối sống của riêng mình mà không bị kẻ thù đồng hóa.

Về tương quan giữa thụ động với chủ động thì, theo quy luật trong âm có dương, trong một nền văn hóa âm tính thì phần đông mọi người thụ động nhưng vẫn luôn có một bộ phận những người chủ động, dương tính. Nam giới thường chủ động hơn nữ giới; người có địa vị, sức mạnh, học vấn... cao hơn thường sẽ chủ động hơn. Xét theo dòng lịch sử, tuy rằng xưa nay, thời nào cũng luôn có những nhân tố và hiện tượng dương tính, nhưng thời xưa thì thụ động hơn thời nay.

Xét theo vùng miền, thì ở miền Bắc có tính thụ động cao nhất, vì đó là cái nôi của văn minh lúa nước lâu đời, nơi tính cộng đồng làng xã mạnh nhất, vào miền Trung thì tính thụ động đã bớt đi, vào miền Nam thì tính thoáng mở là mạnh hơn. Đồng thời trong lịch sử, những con người có bản lĩnh cách tân, chống lại thiết chế của làng xã thì thường thiên di dần về miền Trung, về miền Nam, càng khiến cho tính thụ động của người miền Trung, miền Nam giảm đi nhiều. Ngoài ra tuy người Việt Nam nhìn chung thụ động trong những việc lớn, nhưng thường lại rất linh hoạt (tức là chủ động) ứng xử trong các việc nhỏ. Đây là phần dương rất quan trọng trong chất âm của người Việt.

* Có nhiều ý kiến phản đối lại quan điểm này của Tran Hung John và đưa ra nhiều ví dụ chứng minh cho tính tiên phong của người Việt như trường hợp Ngô Bảo Châu hay Vua đầu bếp Mỹ Christin Hà... Ông nghĩ về luận điểm này thế nào?

- Tôi thấy đó toàn là ví dụ về một bộ phận những người dương tính. Giới showbiz là một điển hình cho tính dương, nó là số ít và được du nhập từ phương Tây, thuộc loại hình văn hóa dương tính. Giới showbiz thích quảng cáo, thích thổi phồng, thích được nổi tiếng, khác với tinh thần khiêm tốn của người Việt (dù là bắt buộc hay giả vờ). Cho nên, việc lấy giới showbiz để làm ví dụ không thuyết phục, vì đây là các nhân tố không xuất phát từ căn tính chung của văn hóa Việt.

Christine Hà được phong danh hiệu Vua đầu bếp Mỹ cũng như hàng loạt con em Việt kiều thành đạt đều là những người Việt trưởng thành trong môi trường văn hóa dương tính phương Tây. Ngay cả Ngô Bảo Châu cũng là người sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Tây học, bản thân anh được đào tạo thành tài ở Pháp. Nếu Ngô Bảo Châu cứ ở Việt Nam thì đâu có làm nên chuyện như hôm nay. Các ví dụ này cũng cho thấy tại sao những người Việt đi qua phương Tây hoặc những nước công nghiệp hóa để học tập, làm việc thì đều dễ thành công hơn: một phần vì các nước này phát triển hơn nên có điều kiện tốt hơn cho việc học tập và phát huy tài năng, nhưng phần quan trọng hơn là vì đây là các nền văn hóa dương tính, nó dễ kích thích và giúp phát huy tính linh hoạt nhanh nhạy trong người Việt.

Người Việt thường thụ động trong các việc lớn (có tính chiến lược), nhưng lại khá chủ động trong các việc nhỏ (có tính chiến thuật)

* Theo GS, làm một người Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay có khác một người Việt trong bối cảnh khép kín ngày trước?

- Rất khác, và cũng phức tạp hơn rất nhiều. Xưa cả ngàn năm nền nông nghiệp lúa nước vẫn không lạc hậu, còn bây giờ là thế giới phẳng, kỹ thuật và công nghệ thay đổi từng ngày buộc tư duy và ứng xử phải thay đổi, phải cập nhật, nếu không thì sẽ bị lạc hậu ngay.

Người thụ động thường chỉ muốn yên ổn, muốn sống trong khuôn viên của chiếc đê bao, luôn quan niệm “ao nhà vẫn hơn”, nay cần chủ động là phải xóa bỏ đê bao, chấp nhận sóng gió. Người Việt thường thụ động trong các việc lớn (có tính chiến lược), nhưng lại khá chủ động trong các việc nhỏ (có tính chiến thuật). Khi làn sóng toàn cầu hóa tràn vào, ứng xử này dễ dẫn đến sự lệch chuẩn, người chủ động thì muốn chủ động hơn, nhưng người thụ động thì sẽ càng bị động hơn, nên xảy ra mâu thuẫn.

Trên con đường tìm về cội nguồn của mình, với con mắt nhìn từ ngoài vào, dù còn trẻ, Tran Hung John đã không khó khăn gì để nhận thấy sự thụ động cố hữu của người Việt - khác xa với người Mỹ và người phương Tây, nên ý kiến của anh này gây nên tranh luận, cũng là điều dễ hiểu. Người chủ động thường thích nói về sự chủ động của mình, nhưng người thụ động thì ngược lại, không muốn người khác nhận xét rằng mình thụ động.

* Xin cảm ơn GS về những phân tích lý thú này.

GS Trần Ngọc Thêm là chuyên gia đầu ngành về văn hóa học, với các công trình nổi tiếng như Cơ sở văn hóa Việt Nam,Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam..., và gần đây là Những vấn đề văn hóa học - lý luận và ứng dụng, Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ. Ông thuộc nhóm những nhà khoa học đặt nền tảng cho bộ môn văn hóa học dạy ở các cấp đại học và sau đại học.


Thực hiện Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link