11/05/2014 08:18 GMT+7 | Văn hoá
Chủ trì buổi họp báo, GS. TS. Nguyễn Chí Bền (Viện trưởng Viện VHNTVN) đã thông báo kế hoạch tổ chức Hội thảo vào ngày 14 - 15/5 tại TP. Vinh, Nghệ An. Phát biểu về giá trị của dân ca ví, giặm trong xã hội đương đại, GS. Bền nhấn mạnh vai trò của loại hình nghệ thuật dân gian này trong đời sống tinh thần trong cộng đồng từ xưa đến nay và nhận xét: “Dân ca ví, giặm gắn bó với người Nghệ Tĩnh như hình với bóng”.
Từ việc trân trọng và mong muốn bảo tồn những giá trị truyền thống lâu đời của dân ca ví, giặm, GS. TS. Nguyễn Chí Bền cho biết Viện VHNTVN cùng UBND hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã cố gắng rất nhiều để hoàn tất hồ sơ trình lên UNESCO về việc công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 31/3 vừa qua.
Với vai trò Trưởng Ban tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại”, GS. Bền cho biết:
“Chủ trương của BTC lần này là đưa các học giả trong và ngoài nước đến tham dự sinh hoạt và truyền dạy dân ca ví, giặm cũng như diễn xướng dân ca ví, giặm ở cộng đồng dân cư Nghệ Tĩnh chứ không phải ở nhà hát của các đoàn nghệ thuật”.
Tổ chức buổi diễn xướng dân ca ví, giặm tại cộng đồng cũng như buổi hội thảo vào hai ngày 14 - 15/5, Viện trưởng Viện VHNTVN cho biết BTC luôn chờ đợi và sẵn sàng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, tiếng nói của các học giả, nhà quản lý hay cộng đồng về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại, để ví, giặm Nghệ Tĩnh xứng tầm với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Tôi hy vọng Hội thảo Khoa học Quốc tế lần này sẽ là một buổi “thảo” chứ không phải “hội”. Đây sẽ là cơ hội để các nhà nghiên cứu trình bày quan điểm qua tham luận của mình nên BTC đã phân chia 83 bài báo cáo thành 4 tiểu ban để đảm cho tất cả các nhà khoa học có thể thể hiện hết được suy nghĩ của bản thân”, GS. TS. Nguyễn Chí Bền chia sẻ.
Ông cho biết, hành trình làm hồ sơ đề xuất ví, giặm Nghệ Tĩnh lên UNESCO không hề đơn giản và đặc biệt phải đảm bảo yếu tố “bản thân loại hình nghệ thuật dân gian này có xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể hay không”.
“Hồ sơ này như một bài thi, mà đã là bài thi thì phải chất lượng”, Viện trưởng Viện VHNTVN so sánh.
GS. Bền nói hồ sơ của dân ca ví, giặm gồm hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Đùa vui về đặc trưng phương ngữ Nghệ Tĩnh, ông dí dỏm: “Chúng tôi có nói đùa với nhau rằng thực hiện kế hoạch này, chúng ta phải chấp nhận hai lần dịch, một lần dịch từ tiếng Nghệ sang tiếng phổ thông và từ tiếng phổ thông sang ngoại ngữ”.
GS. TS. Nguyễn Chí Bền chia sẻ thêm, việc tổ chức hội thảo và chấm hồ sơ của UNESCO là hai vấn đề độc lập và hoàn toàn khác nhau nhưng Hội thảo Khoa học Quốc tế vào ngày 14 - 15/5 vẫn có vai trò to lớn trong việc quảng bá giá trị quý báu của ví, giặm Nghệ Tĩnh tới cộng đồng trong nước và bạn bè quốc tế cũng như phát huy, bảo tồn loại hình dân gian này.
GS. Bền cũng cho biết tất cả các bài tham luận được trình bày sẽ được biên tập kỹ lưỡng để xuất bản thành kỉ yếu Hội thảo.
Hải Yến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất