Nhìn lại mối quan hệ giữa Guardiola với các cựu cầu thủ Barca

04/08/2012 06:37 GMT+7

(TT&VH Online)- Qua cuộc phỏng vấn mới đây giữa Keita với Radio RAC1, người ta mới chợt hiểu thêm về nỗi khổ của nghiệp HLV nói chung hay nỗi khổ của riêng Pep Guardiola trong những năm tháng ông còn dẫn dắt Barca. Đó là nỗi khổ mà dường như mỗi HLV phải luôn đối mặt: làm vừa lòng tất cả là không thể, sẽ có những lúc phải hi sinh lợi ích của một hoặc nhiều cầu thủ vì lợi ích chung của đội bóng…

Yaya Toure, Hleb, Eto’o, Bojan cho đến Ibrahimovic, khi rời khỏi Camp Nou, tất cả đều dành cho Guardiola những lời lẽ không mấy thiện cảm. Cũng may là người gần đây nhất dưới kỷ nguyên Guardiola chia tay Barca, Seydou Keita không nằm trong nhóm những cầu thủ kể trên, như tiền vệ người Mali đã nói đấy thôi: “Có vẻ như nếu một cầu thủ nào đó rời khỏi Barca thì anh ta có khuynh hướng nói xấu hay chỉ trích về Pep hoặc một ai khác. Riêng với tôi, tôi không bao giờ làm chuyện như thế. Tôi không nói xấu Pep hoặc bất kì ai…”

Nguyên nhân thì rất nhiều và cũng dễ đoán bắt, có người thì buộc phải ra đi vì khả năng có hạn, níu kéo mãi cũng không thể tiến nổi, ra đi là cách tốt cho cả đôi bên; có người thì buộc phải ra đi vì lợi ích chung của toàn đội, cho dù vốn dĩ anh ta là một cầu thủ giỏi, một cầu thủ xuất sắc; cũng có thể họ buộc phải ra đi vì không mấy thiện cảm trong lòng HLV trưởng... Và cho dù thế nào đi chăng nữa, thì đa phần, dĩ nhiên là trừ Keita, đều sau đó dành cho Pep những lời nói “thật” nhất, phơi bày rõ nhất cái nỗi yêu ghét của việc bị chối từ… cho dù những lời lẽ đó có đôi lúc không thật sự đi sâu, đi thẳng, nhưng bóng gió đâu đó cũng toát lên mọi điều.



Keita là người duy nhất nói tốt về Pep trong số các ngôi sao đã rời Barca - Ảnh: Getty

Tiền đạo Samuel Eto’o, sau một năm gắn bó cùng Pep kể từ ngày ông ngồi vào chiếc “ghế nóng” tại sân Camp Nou, khi chia tay và đầu quân cho đội bóng mới, đã nói rằng: “Tôi hy vọng ông ấy có thể cho tôi một lời giải thích về lý do tôi phải ra đi, nhưng rốt cục ông ấy không nói gì. Tôi không nhận được bất cứ lời phản hồi nào. Tôi chưa bao giờ chỉ trích một vị HLV bởi nếu ông ấy quyết định một ai đó ra sân thay vì tôi, thì vì người đó giỏi hơn tôi. Nhưng tôi luôn chứng minh trên sân rằng tôi xứng đáng được thi đấu vào mỗi trận, mỗi cuối tuần.”  Rồi một ngày kia, tại Inter Milan, Eto’o không ngần ngại nói: “Mourinho mới là HLV xuất sắc nhất thế giới.”

Tiền vệ người Belarus, Alexander Hleb, trải qua năm đầu tiên rời Arsenal để thi đấu cho Barca mà không để lại dấu ấn gì thuyết phục, để rồi sau đó CLB quyết định cho những đội bóng khác mượn Hleb. Một hành trình rong ruổi đi từ CLB này đến CLB khác. Ngày cuốn gói lên đường rời Camp Nou, Hleb tâm sự: “Guardiola thích những cầu thủ gốc TBN hơn. Ngay khi cầm cương tại CLB, điều đầu tiên ông ấy làm là loại bỏ Deco và Ronaldinho, để vây quanh ông là những cầu thủ, những nhân viên quốc tịch TBN. Những buổi gặp mặt, trao đổi quan trọng diễn ra với chỉ toàn những cầu thủ TBN. Là một cầu thủ nước ngoài, tôi cảm thấy mọi thứ thật khó khăn.”

Nhưng đình đám nhất không ai khác ngoài Ibrahimovic. Một nhân vật khó chế ngự, muốn được đối xử như Messi tại Camp Nou và không ngần ngại đe doạ Guardiola. “Ông ấy mua một chiếc Ferrari về và lái nó như một chiếc Fiat”, “Guardiola không có bi”… là 2 trong số những câu nói phản ánh rõ sự hằn học và cay nghiệt của tiền đạo người Thụy Điển với Guardiola. Song, cụm từ “kinh điển” nhất khi nhắc đến mối quan hệ giữa 2 người đàn ông này, chính là cụm từ “nhà triết học” – một danh từ mà Ibra “dành tặng” cho ông thầy cũ của mình. Ngày ra đi, Ibra nói trước báo giới: “Khi tôi bước vào một căn phòng có Guardiola, ông ấy bước ra ngoài. Tôi không hiểu vì sao, cứ như thể ông ấy sợ tôi vậy. Guardiola đúng là một nhà triết học, ông ấy phá vỡ giấc mơ của tôi tại Barcelona. Tôi ra đi nhưng không biết vì sao mình phải ra đi. Ông ấy không muốn tôi ở lại, vì thế tôi cũng không muốn phí thời gian tại Barca.”

Còn trường hợp của Yaya Toure, tiền vệ người Bờ Biển Ngà từng chia sẻ: “Khi tôi hỏi ông ấy, ông ấy nói điều gì đó lạ lùng. Thế rồi tôi quyết định đến Man City. Trong suốt 1 năm trời, tôi đã không thể nói chuyện cùng ông ấy. Nếu Guardiola chịu nói chuyện với tôi, có lẽ tôi đã ở lại CLB. Rồi một ngày kia ông cũng chấp nhận nói chuyện, nhưng ông ấy không còn tin tưởng ở tôi. Tôi muốn ở lại, nhưng ông ấy thì lại không muốn thế. Guardiola lý giải những điều rất lạ và ông ấy ruồng bỏ tôi cho đến tận ngày tôi nhận được lời đề nghị từ Man City.”

Về phần tiền đạo Bojan Krkic, vấn đề nảy sinh sau khi Guardiola không để anh ra sân dù chỉ một phút trong trận CK Champions League tại Wembley năm 2011. Khi đầu quân cho AS Roma, Bojan kể: “Guardiola đã không cho tôi cơ hội nào để tôi có thể phô diễn những gì tôi có, và điều đó khiến tôi thật sự rất buồn. Ông ấy đối xử không công bằng với tôi. Là một Culé, tôi có thể nói ông ấy là HLV xuất sắc nhất thế giới, nhưng với tư cách là một cầu thủ, tôi không thể nói lại điều tương tự.”

Lần mò mãi, thì đến cuối cùng, cũng có một cầu thủ khi chia tay Barca đã không “quá đỗi thẳng thắn” như 5 nhân vật ở trên. Seydou Keita mới đây tâm sự: “Làm ơn, từ giờ trở đi đừng bao giờ ai đó nói rằng ‘Seydou nói xấu Pep’. Hôm qua tôi không nói xấu về Pep, hôm nay tôi cũng không nói xấu về Pep và cả ngày mai cũng như thế, không bao giờ. Cho dù tôi thật sự không thích Pep khen về tôi, nhưng hãy tưởng tượng xem, làm sao tôi có thể nghĩ xấu về Pep, người đã luôn nói tốt về mình?”

Cự Giải


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link