(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/1/2015 ấy, Andoni Zubizarreta không thể nào quên. Cựu thủ môn huyền thoại bị sa thải khỏi cương vị Giám đốc thể thao của Barcelona, với những lời giải thích như thể ông phá nát đội bóng.
4 tháng rưỡi sau khi Zubi mất việc, Barca giành chức vô địch La Liga và hướng đến “cú ăn ba”, nhờ những nhân tố mà chính ông trực tiếp mang về.
Nhờ Zubi mà có Luis Enrique
Khi Barca giành chức vô địch La Liga, đồng thời còn hai trận Chung kết Cúp Nhà Vua và Champions League, những dấu ấn mà Luis Enrique mang đến nhận được nhiều khen ngợi. Enrique tạo nên một diện mạo mới về mặt lối chơi cho Barca, đồng thời biết cách giữ sự cân bằng cho phòng thay đồ của Barca. Luis Enrique đạt được thỏa hiệp về mặt lợi ích cá nhân, để tất cả tập trung vào khía cạnh tập thể.
Nhưng Enrique sẽ không rời Celta Vigo để trở lại Barca làm việc nếu không có tác động của Zubizarreta - một người bạn và cũng là người anh của ông.
Mùa Hè 2013, sau khi HLV Tito Vilanova buộc phải rút lui vì bệnh tật, Zubi đề xuất mời Enrique. Khi ấy, Celta Vigo và Enrique vừa đạt thỏa thuận được vài ngày, sau khoảng thời gian ông thất nghiệp từ lúc bị Roma chấm dứt hợp đồng. Celta Vigo rất hào phóng, và sẵn sàng để Enrique đến Barca nếu nhận được 3 triệu euro như một sự đền bù.
Mọi việc rất suôn sẻ, cho đến khi Sandro Rosell - lúc đó còn ngồi ghế Chủ tịch - bất ngờ hướng mắt sang tận Argentina. Rosell yêu cầu Zubi phải sang Rosario để ký hợp đồng với Tata Martino, vị HLV chưa từng làm việc ở châu Âu trước đó. Rất nhiều tờ báo Tây Ban Nha cho rằng gia đình Messi đã tác động để Tata được mời về Camp Nou, dù ở châu Âu ông này là kẻ vô danh.
Tata thất bại trong khi Rosell khốn khổ vì những vi phạm pháp luật. Phải đến khi trắng tay cùng Tata, các quan chức ở Camp Nou mới nghe lời Zubi về Enrique. Chỉ một cú điện thoại từ Zubi, Enrique ngay lập tức rời nhà để lên thành phố Barcelona đàm phán hợp đồng.
Kiến tạo nền tảng cho thành công
Sau khi đưa Enrique trở lại mái nhà Camp Nou, Zubi cũng thực hiện hàng loạt hợp đồng chuyển nhượng. Ông lần lượt mang về những gương mặt mới như Ter Stegen, Ivan Rakitic, Claudio Bravo, Luis Suarez, Jeremy Mathieu, Thomas Vermaelen và cuối cùng là Douglas Pereira.
Người ta bảo Zubi đã mắc sai lầm khủng khiếp trong chuyển nhượng. Vậy, hãy xem đó là những sai lầm nào. Ter Stegen trình diễn phong độ xuất sắc để đưa Barca đi đến trận đấu cuối cùng ở Cúp Nhà Vua lẫn Champions League. Bravo sạch lưới 23 trong 37 trận Liga, giúp Barca đăng quang sớm. Rakitic khiến Xavi chấp nhận dự bị bằng cách mang đến hơi thở mới cho tuyến giữa Barca.
Luis Suarez thì khỏi phải bàn, dù hai tháng đầu mùa anh không thi đấu. Cả châu Âu đang sợ hãi trước bộ ba “MSN”, mà Suarez chính là một mắt xích quan trọng (cùng Messi và Neymar). Mathieu có giá đắt nếu so với tuổi (30 khi vừa đến Camp Nou, hiện đã 31 tuổi). Nhưng nhìn chung Mathieu hoàn thành tốt công việc. Quan trọng hơn, hai chiến thắng bước ngoặt ở La Liga, trước Celta Vigo và Real Madrid, đến từ đầu của cầu thủ người Pháp.
Vermaelen chưa đá nên không thể xem là thành công hay thất bại. Vấn đề của Vermaelen thuộc về trách nhiệm của bộ phận y tế Barca. Chính những cuộc xét nghiệm thiếu kỹ lưỡng mới dẫn đến việc ký hợp đồng, và khi ấy các bác sĩ của Barca cho rằng Vermaelen chỉ nghỉ 2 tuần là có thể thi đấu.
Như vậy, chỉ Douglas là phi vụ thất bại. Không thể thành công trọn vẹn được, CLB nào cũng thế, và GĐTT nào cũng vậy.
Thực tế, sa thải Zubi chỉ là bước đi của ông Josep Maria Bartomeu trong việc củng cố ghế Chủ tịch, trước khi bầu cử trong mùa Hè năm nay. Như vậy, Bartomeu và Barca đang nợ Zubi một lời xin lỗi.
157 Mùa Hè năm ngoái, Zubi đã chi hơn 157 triệu euro để mua cầu thủ cho Barca. Con số chi tiết là 157,25 triệu euro. 81,25 triệu euro trong đó dành cho Luis Suarez. 78,9 Claudio Bravo là thủ môn đạt tỷ lệ cứu thua tốt nhất La Liga mùa này, với hiệu quả lên đến 79,9%. 0 Vermaelen chưa đá phút nào cho Barca, sau bản hợp đồng có tổng giá trị 18 triệu euro. |
Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa