Hát nổi không, 'nhí' ơi?

17/08/2014 08:13 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Chiều nay anh dù xa, hoa nói với anh nhiều, Hồ Tây nên duyên vẫn gần nhau như hoa lúa cuộc đời”- ca khúc Làng lúa, làng hoa một thời nổi tiếng qua tiếng hát NSND Thanh Hoa, bỗng trở nên “lạ lẫm” với nhiều khán giả khi được cất lên bởi tiếng hát của ba cô bé trong vòng Đối đầu chương trình Giọng hát Việt nhí tuần rồi. Vẫn là chuyện “trẻ con hát nhạc người lớn” hay là chuyện “ai ép trẻ con hát nhạc người lớn”?

Chuyện đau đầu

Huấn luyện viên, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, người đã chọn bài Làng lúa, làng hoa cho 3 cô bé Hà Trang, Quỳnh Anh và Nhã Thy thể hiện ở tập 2, vòng đối đầu, cũng xác nhận phản ứng của khán giả đã được tiên liệu. “Tôi tin là phần trình bày ở Giọng hát Việt nhí vừa rồi nhiều người có thể sẽ không thích nhưng chắc chắn là cũng sẽ có nhiều người bất ngờ. Bởi vì 3 đứa trẻ ấy hát bằng suy nghĩ của đứa trẻ con, nó khác suy nghĩ của người lớn và điều ấy sẽ là bất ngờ cho người xem”.

Từ đầu mùa đến giờ, có thể nói, Giọng hát Việt nhí gần như câu khách bằng nhạc người lớn do trẻ con hát. Hết Giấc mơ Chapi lại đến Mái đình làng biển, hết Còn tuổi nào cho em lại đến Chiếc khăn piêu… Thậm chí như bài Giấc mơ Chapi với những câu hát như “Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao có hai người, chỉ có hai người yêu nhau” được cậu bé 10 tuổi Đào Gia Phúc trả lời cho câu hỏi vì sao hát hay thế, rằng: “Cháu tự đặt mình vào bài hát”. Đúng theo cách diễn giải của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, công chúng đã khá bất ngờ.


3 thí sinh Hà Trang - Quỳnh Anh - Nhã Thy của đội Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang thể hiện ca khúc Làng lúa, làng hoa

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh giải thích thêm về sự lựa chọn của mình cho các thí sinh nhí: “Để hiểu hết một bài hát như kiểu Làng lúa, làng hoa ngay cả người lớn như tôi nhiều khi cũng chẳng hiểu được. Tôi chỉ quan niệm rằng, âm nhạc là cảm xúc và không nhất thiết phải ở trong một khuôn khổ gì cả. Nhiều ca sĩ Việt Nam hát tiếng Anh mà đôi khi chính họ cũng chẳng hiểu bài hát ấy nói gì. Nhưng họ vẫn hát và công chúng vẫn tán thưởng”.

Anh cũng bày tỏ quan điểm: “Chuyện mọi người nhận xét trẻ con hát nhạc người lớn theo tôi là do quan niệm mà thôi. Thực tế bây giờ lứa tuổi từ 10 đến 15 thì tâm sinh lý sẽ khác với lứa tuổi từ 4, 5 đến 9. Những bài hát sẵn có trong kho tàng nhạc thiếu nhi Việt Nam phù hợp với lứa tuổi ấy thật sự rất ít hoặc nếu có cũng không đủ đất để thể hiện hết khả năng thanh nhạc của lứa tuổi này. Bọn tôi đang rất đau đầu về chuyện làm sao để chọn được những bài phù hợp với lứa tuổi của chúng, không yêu đương mà vẫn trong sáng và đẹp nhưng vẫn phải đáp ứng được theo kiểu đủ đô, đủ khó cho chúng. Giờ bảo lứa tuổi này hát những bài thiếu nhi từ lớp 1 đến lớp 4 thì sao chúng có thể hát được?”.

Điều mà nhạc sĩ Hồ Hoài Anh trăn trở không mới. Ai cũng bàn về việc thiếu thốn ca khúc thiếu nhi, nhưng các cuộc thi hát nhí thì vẫn cứ phải tổ chức. Vì, thực ra, những chương trình như Giọng hát Việt nhí là sân chơi… người lớn. Sự mâu thuẫn ấy không khó lý giải. Trẻ con hát nhạc người lớn thường gây tò mò. Và nếu trẻ con chỉ hát về con bò, con vịt, tàu lửa xập xình… thì gần như chắc chắn, người lớn chẳng muốn nghe. Nếu người lớn không nghe, ai sẽ “vote” cho cô bé, chú bé ấy có được vòng nguyệt quế?

Điều thì thầm khó nói?

Không có người lớn, chắc chắn sẽ không có cảnh những đứa trẻ hát: “Ta mang bao tội lỗi, nên thân ta giờ đây, kiếp sống không nhà không người thân” vẫn thấy hàng đêm ở những quán nhậu vỉa hè. Không có người lớn sẽ chẳng có những thần đồng nhí “cover” những tình khúc yêu đương mùi mẫn trong các cuộc chơi âm nhạc kiểu như Giọng hát Việt nhí… Với những gì đã thấy, trẻ em chỉ là cái cớ cho một cuộc chơi người lớn mà thôi.

Làm sao để có nhiều người xem nhất, nhiều người bình chọn nhất? Rất ít trẻ em được cho phép cầm điện thoại để bình chọn cho một bạn nhỏ nào đó mà mình yêu thích trong chương trình. Lượng bình chọn áp đảo nhất là từ người lớn. Là người lớn, không phải lúc nào cũng thích nghe “Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì”... Vì thế cho nên, với tình trạng này, dù nhạc thiếu nhi có không thiếu cũng chưa chắc đã được chọn.

Có một thực tế ở hậu trường không phải ai cũng biết. Nếu như chọn cho cô bé, cậu bé ấy một bài hát đúng lứa tuổi thì sẽ rất dễ… bị loại. Chuyện này không hiếm và chính ca sĩ Thái Thùy Linh, Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Đào tạo nghệ thuật Taca Emca, nơi đang đào tạo khoảng 20 em nhỏ đi thi tại chương trình Đồ Rê MíGiọng hát Việt nhí, thừa nhận học trò cô từng bị như thế. “Hát bài đúng tuổi và bị loại luôn vì lý do bài hát ấy quá trẻ con. Mà tôi có làm gì cao siêu đâu, chọn đúng bài hát trong sách giáo khoa của chúng, đúng lứa tuổi, yêu quê hương đất nước và khi hát bọn chúng sẽ cảm nhận được. Vậy mà rớt cho dù bọn chúng hát khá tốt. Thế thì hát gì bây giờ? Chỉ có nhạc người lớn thì may ra. Đó là một bài toán khó và bọn tôi buộc phải chấp nhận nếu muốn học trò của mình đi xa. Và cuối cùng, cũng thí sinh đó, thi lần sau, hát một bài người lớn thì được chọn, không những vòng đó mà thậm chí còn vào sâu hơn”.

Ai cũng muốn trẻ em được hát những bài ca đúng tuổi nhưng những cuộc thi truyền hình chỉ quan tâm tới số đông công chúng. Sẽ thấy một sự đồng thuận ngầm giữa các ông bố bà mẹ và nhà sản xuất. Bây giờ bảo rằng tôi đi thi không cần danh hiệu là không đúng và cũng chẳng ông bố bà mẹ nào bắt con đi thi chỉ để “cho vui”. Đã thi là phải có mục tiêu. Trẻ em đang sống bằng kỳ vọng của bố mẹ...

“Bản thân tôi nhiều lúc rất ức chế vì ngay cả mình còn chưa hiểu bài hát ấy muốn nói gì thì làm sao bọn trẻ hiểu được? Bọn trẻ nó như một tờ giấy, trong trắng và ngây thơ như thế làm sao để bọn nó hiểu được những ca từ quá già dặn như thế?”, ca sĩ Thái Thùy Linh giãi bày.

Chuyện này có thể thấy ở nhiều lò luyện cho trẻ em đi thi truyền hình đang mọc lên rất nhiều. Có những nơi cô giáo không những dạy hát mà còn phải trở thành một nhà tâm lý học, rồi thậm chí trở thành cả nhà văn. Có những bài hát mà khi nghe hay đọc lời ca ai cũng thừa hiểu là đang nói về chuyện tình yêu đôi lứa và cuối cùng cô giáo phải “lái” sang hướng khác, “À, đây là câu chuyện giữa hai bạn bình thường thôi, con đừng để ý đến chữ “anh, em” vì nó đồng nghĩa là bạn tôi”. Nhưng cũng có những chữ khá hóc búa như là “phản bội” chẳng hạn thì lại phải tìm cách khác giảng giải cho chúng hiểu và rằng sự phản bội này có nghĩa là hai người bạn ấy không chơi với nhau nữa...  

Câu trả lời nằm ở…?

Những giảng viên kiểu như Thái Thùy Linh luôn bận tâm về một thị trường quá thiếu ca khúc. Cô nói rằng ước gì có những cuộc thi sáng tác nhạc thiếu nhi như kiểu Bài hát Việt hay Bài hát yêu thích thì có lẽ sẽ giải quyết được khâu bài hát cho bọn trẻ. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng ước như thế.

Nhưng chẳng ai hỏi bọn trẻ ước gì. Và cứ thế, đúng mùa lại lên, một bên là “ai cho tôi ca khúc?”, bên còn lại “sao bắt trẻ con mặc áo quá rộng?”. Và cuối cùng, cái lý của người lớn chỉ tổ làm bọn trẻ ngơ ngác.

Thôi thì cứ nhạc người lớn mà tiến. Nhưng hát nổi không, “nhí” ơi?.

Trẻ em đang là cái cớ cho những cuộc chơi của người lớn

Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link