18/10/2012 06:20 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Trở về sau một buổi chụp rã người trong studio cho bộ hình mới trên tạp chí Đẹp, nhạc sĩ Dương Thụ than thở: Lần đầu tiên mình bị bắt uốn éo đủ kiểu theo sự chỉ đạo của một con bé, gớm thật! Dĩ nhiên không chỉ có mình vị nhạc sĩ U70 khó tính bị “con bé” ấy điều khiển, mà tất tật các diva, các siêu mẫu và nhiều người nổi tiếng khác đã vui vẻ hoặc chịu đựng trong vui vẻ để “con bé” ấy điều khiển (có người còn mong được như thế, dù chỉ một lần).
Thế mà gặp “con bé” ghê gớm ấy ở quán cà phê hay rạp chiếu phim, dễ lầm với một sinh viên chưa hoặc vừa tốt nghiệp đại học, lộc ngà lộc ngộc. Cũng “con bé” ấy ở dạ tiệc Elle Show mới đây lại là một “fashionista” sành điệu trong trang phục Thu Đông đúng mốt. Trong studio hay ngoài hiện trường, lại thấy giống một bà cô khó tính, luôn bắt toàn bộ ê-kíp làm việc đến rã người để đạt được những bức hình ưng ý nhất.
“Con bé” ấy là Đỗ Nguyệt Hà, hay Hà Đỗ, Giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp và Đẹp Fashion Show.
Không bao giờ hài lòng với 100 tấm hình chụp đầu tiên!
* Nghề của chị ghê gớm thật đấy, có thể điều khiển bất cứ ai. Dù người đó nổi tiếng thế nào, trong tay chị, cũng biến thành cái mà chị muốn. Siêu mẫu phải chui vào bể cá, nhạc sĩ nổi tiếng phải mặc áo rách,… chẳng hạn. Thế còn bộ phim hài Cưới ngay kẻo lỡ, mà nhân vật chính (Ngọc Diệp đóng) được xem là “dựa trên nguyên mẫu” của chị, ít ra là về sự hào nhoáng của công việc, nó có bao nhiêu phần trăm hình ảnh công việc thực sự của chị? Đừng trả lời rằng: “Tôi không biết lái xe hơi, ngực tôi không to và tôi không bao giờ để bất kỳ nhiếp ảnh gia nào làm việc với mình bắt nạt tôi cả” nhé.
- Thì tôi nói đúng như vậy mà. Tất nhiên trong bộ phim ấy, người ta chỉ kiếm một cái nghề cho nhân vật có thể “show off” (phô diễn) được. Và có thể người viết kịch bản cũng chỉ hiểu nghề này ở phần bên ngoài hào nhoáng. Tôi xem phim cũng thấy bất ngờ.
Giám đốc sáng tạo ở một tạp chí thời trang giản dị là người đưa ra định hướng về mỹ thuật, về hình ảnh, về những bộ hình thời trang cho tạp chí. Chị cứ hình dung thế này nhé: một bài báo viết phải có giọng văn, vậy một tờ tạp chí thời trang với chủ yếu hình ảnh để xem, phải có giọng hình. Giám đốc sáng tạo của một tạp chí thời trang hay một show thời trang là người định hình và duy trì cá tính ngôn ngữ thị giác của tạp chí ấy, show diễn ấy.
Những gì mọi người nhìn thấy như là điều khiển người khác hay xuất hiện trong những khung cảnh hào nhoáng chỉ là bề ngoài. Thực sự công việc của tôi rất cụ thể, rất nhiều: khi phải trực tiếp dàn thiết kế, khi phải sửa từng chi tiết trong bộ hình, khi phải đặt hàng bộ thời trang cho hợp với ý tưởng… Tất nhiên bên cạnh tôi có cả một ê-kíp, từ nhà sản xuất, người phối đồ (stylist), nhà thiết kế, người chụp ảnh, rồi biên tập viết lời cho phần hình ảnh… Nghề này tốn rất nhiều công sức của nhiều người và nhiều khi chúng tôi chẳng còn thời gian tận hưởng sự hào nhoáng đó nữa.
Sự hào nhoáng, như tiếp xúc với người nổi tiếng, với đồ đẹp…, thực sự chỉ người xem hưởng hết, khi họ thưởng thức những bộ hình đã hoàn hảo hoặc những màn trình diễn chính thức trong các show thời trang. Còn cái mà tôi và các bạn trong ê-kíp làm việc tận hưởng chính là quá trình chuẩn bị để tạo nên kết quả mà bạn đọc, người xem nhìn thấy.
* Công việc của chị đòi hỏi sáng tạo không ngừng trong một thế giới mà không ai được phép giống ai, nhưng lại cũng không được nằm ngoài xu hướng. Nhưng tôi nghe chính người trong giới thời trang nói, rằng Việt Nam làm gì có sáng tạo, cứ chờ ở nước ngoài người ta làm gì, mình đi theo, thế đã là giỏi lắm rồi. Chị đối diện với áp lực này như thế nào?
- Đã có một thời gian sống và làm việc ở nước ngoài, tôi hiểu rằng cái quan trọng nhất của sáng tạo là biết mình đang ở đâu và làm hết sức mình. Điều đó quan trọng hơn việc so sánh với ai.
Công việc của tôi không giống như một họa sĩ một mình sáng tạo trước tấm toan, mà là một chuỗi dây chuyền. Làm sao để có bộ quần áo đẹp? Muốn vậy bạn phải có thiết kế đẹp, chất liệu đẹp và người may giỏi. Làm sao để có người mẫu đẹp? Muốn vậy phải có các cuộc thi tìm kiếm người mẫu, các agency (người đại diện) tìm và đào tạo người mẫu. Và làm sao để có những bức ảnh tốt? Dĩ nhiên phải có những nhiếp ảnh gia giỏi. Ở mình hiện nay hầu hết nhân sự trong tất cả những khâu như tôi vừa kể, đều tay ngang, tự học mà chủ yếu là tham khảo nước ngoài.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa chúng ta chẳng có gì sáng tạo. Tôi mới bắt đầu làm công việc này từ 2 năm nay và đã nhìn thấy sự phát triển rất nhanh của những người tôi cộng tác, như nhiếp ảnh gia Tang Tang chẳng hạn. Và mới đây là An Lê, người vừa chiến thắng trong cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế New Exposure do tạp chí thời trang nổi tiếng Vogue, Hãng Red Camera và Hãng thời trang Bottega Veneta của Mỹ tổ chức. Bộ hình Ông lão và biển cả An Lê thực hiện với sự hỗ trợ của ê-kíp sáng tạo và sản xuất của Đẹp đã vượt qua khoảng 500 thí sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đáng để chúng ta tự hào.
Cách duy nhất để giỏi nghề trong nghề này, theo tôi, là phải làm nhiều, làm nhiều hơn để biết mình đang ở đâu. Yêu nghề, theo quan niệm của tôi, là chăm chỉ. Tôi không bao giờ hài lòng với 100 tấm hình chụp đầu tiên. Các buổi chụp thường rã người.
* Tôi lại tưởng người sáng tạo làm việc phóng khoáng chứ. Người ta thường nói làm nghệ thuật là cuộc chơi mà.
- Tôi mới coi bộ phim Joro Sushi (Nghệ nhân sushi) về một ông già người Nhật 60 năm chỉ làm một món sushi. Công việc hàng ngày đều đặn: sáng đi chợ cá, về làm độc một món, cứ mỗi ngày như vậy, đời cha nối đời con, không bao giờ lăn tăn nghĩ về việc khác. Quán sushi trong phim rất nhỏ, mỗi lần chỉ phục vụ được 10 khách và muốn ăn ở đây, đôi khi khách hàng phải đặt chỗ trước cả tháng. Hỏi sao không mở quán lớn hơn, ông bảo ông chỉ chú ý tới chất lượng của món sushi, ngày nào ông cũng chỉ nghĩ tới việc làm sao cho sushi ngon hơn. Thú thực, bộ phim đã làm tôi chấn động. Ở Việt Nam tôi luôn nghe câu: Thôi mà, ở Việt Nam chỉ có thế thôi…
May mắn là hiện tại tôi đang có những người đồng hành có năng lượng để đi cùng mình.
* Nhìn khối lượng công việc của chị thể hiện trên Đẹp, số này lên Tây Bắc, số sau vào rừng đước Cần Giờ, số khác lại thấy chụp ở Đà Lạt, Nha Trang…, tôi đoán lịch làm việc của chị vào loại “khủng”?
- Công việc của tôi không ngày nào giống ngày nào. Có khi chụp tới 2 giờ sáng, có lần đi cả tháng, nhưng cũng có khi không đi đâu cả. Nhưng không bao giờ nghỉ hết. Ngay cả khi đi du lịch, tôi rất thích du lịch, đến nơi nào đẹp cũng nghĩ ngay tới ý tưởng chụp bộ hình.
Sáng tạo chỉ giá trị khi có dấu ấn cá nhân
* Từng chiến thắng trong cuộc thi quảng cáo Tài năng trẻ sáng tạo Vietnam Young Lions năm 2009, nhưng chưa làm một tờ báo nào ở Việt Nam cho tới khi bất ngờ đảm nhận vị trí Giám đốc sáng tạo của Đẹp thay thế người Giám đốc sáng tạo kỳ cựu Hương Color, đúng lúc các tạp chí thời trang thế giới đổ bộ vào Việt Nam tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Điều gì khiến chị quyết định bỏ một công việc ổn định và không kém phần danh giá (Giám đốc mỹ thuật Công ty quảng cáo LOWE thuộc Tập đoàn quảng cáo hàng đầu thế giới LOWE Worldwide) để mạo hiểm với công việc mới đầy thách thức và cạnh tranh này?
- Sự hấp dẫn tôi lúc đó là sự sáng tạo của bản thân công việc. Ngành quảng cáo cũng đòi nhiều sáng tạo, nhưng là sự sáng tạo bị bó buộc nhiều theo những yêu cầu của khách hàng. Ở Đẹp, tôi gần như được làm tất cả những gì mình muốn trong sáng tạo.
Đúng như chị nói về thách thức và cạnh tranh. Trước đây, khi mới ra đời, Đẹp có lợi thế là hầu như không có cạnh tranh. Bây giờ thì rất cạnh tranh nữa là đằng khác. Nhưng tôi hào hứng với sự cạnh tranh. Như chị cũng biết, thời trang Việt Nam luôn chậm hơn nước ngoài vài tháng. Những tạp chí như Elle, Bazaar có lợi thế về nguồn độc quyền thông tin thời trang quốc tế nhưng cũng vì sự “lệch múi giờ” nên đôi khi lợi thế ấy lại hơi tách rời với những thứ ở Việt Nam. Đẹp với tính địa phương của một tờ thời trang “thuần Việt” cũng có giọng riêng của mình là lợi thế. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là làm sao vẫn giữ được nét độc đáo địa phương nhưng không tụt hậu với khu vực và quốc tế. Muốn như vậy, Đẹp phải thu hút được nhiều tài năng ở trong nước cũng như ở nước ngoài, tạo thành một cộng đồng sáng tạo. Bộ hình của An Lê đoạt giải ở Mỹ nói trên cũng là một phần trong những nỗ lực đó. Cái khó của mình là hiện nay mọi thứ đều còn riêng lẻ, cạnh tranh cũng riêng lẻ.
* Tôi nhìn thấy dấu ấn cá nhân của giám đốc sáng tạo lên Đẹp rất rõ, trước đây và cả hiện nay, điều này dường như đi ngược lại với những tờ có yếu tố quốc tế như Elle, Bazaar…?
- Mỗi tờ báo, tuy là đều là những tờ thời trang, nhưng có hướng đi khác nhau, không tờ nào giống tờ nào. Mọi sáng tạo chỉ có giá trị khi có dấu ấn cá nhân: từ cách mix đồ, cách trang điểm, phong cách chụp hình và dĩ nhiên là phong cách của người đạo diễn đằng sau những thứ đó.
* Bởi vậy mà người ta gọi chị là Người phụ nữ quyền lực của Đẹp…
- Tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất phần mỹ thuật của tạp chí. Ai đi xem một buổi chụp hình của tôi, thấy tôi hét hò, cứ nghĩ như thế là quyền lực. Đấy chẳng qua là tính cách khi làm việc. Quyền lực ở đây là phải moi ra những cái gì tốt nhất ở những người làm việc cùng mình, là làm sao để giá trị của những người làm việc cùng mình sẽ được mọi người biết đến.
* Điều gì là sức ép lớn nhất của chị trong công việc sáng tạo này? Đó có phải là ý tưởng mới không?
- Không. Trong máy điện thoại của tôi luôn có 100 ý tưởng chưa thực hiện. Vấn đề chỉ là… tiền. Tự do sáng tạo nhưng tiền thì có định mức! Vượt thì phải đi xin xỏ. Từ ngày làm báo tôi tự dưng giỏi xin xỏ (cười). Nói đúng ra là phải tận dụng các mối quan hệ riêng để có những sự giúp đỡ từ bên ngoài. Nhưng qua đó tôi cũng học được cách cộng tác với nhiều người, cách thuyết phục người khác, truyền cho họ sự hào hứng muốn làm cùng mình.
* Phong cách bộ ảnh thời trang mà chị thích chụp nhất?
- Tôi thích bộ ảnh có câu chuyện. Câu chuyện trong thời trang thường đưa người ta đến những khung cảnh khác nhau…
* Người ta đã “chịu” một Hà Đỗ đầy sáng tạo trẻ trung, mạnh mẽ ở Đẹp. Và đang chờ đợi một Hà Đỗ “chín” hơn ở vị trí Giám đốc sáng tạo của Đẹp Fashion Show (ĐFS). Giám đốc nghệ thuật một show thời trang có khác với một tạp chí thời trang?
- Dù ở vị trí nào thì tôi là người phải giữ gìn và phát triển hình ảnh và thương hiệu Đẹp: độc đáo và duy nhất. 1 show thời trang khác với 1 trang báo bởi tính “live action” của nó khi không có photoshop can thiệp cũng như không có nút “undo” nào để sửa sai. Bởi vậy tính chỉn chu phải xuyên suốt từ các khâu chuẩn bị và đòi hỏi sự điều phối tốt nhất.
* Cuối tuần chị có theo dõi Vietnam Next Top Model không? Karl Lagerfeld từng gọi bản gốc chương trình này là “đống rác rưởi chỉ đáng cười trong 5 phút”. Chị xem nó như một chương trình giải trí hay tìm được ở đó những ý tưởng sáng tạo?
- Vietnam Next Top Model là 1 chương trình truyền hình thực tế đã bán bản quyền cho nhiều nước và ở mỗi nước có một phong vị khác nhau. Ở nước ngoài nó mang tính giải trí hơn là tìm ra được những gương mặt thực thụ cho ngành thời trang vốn đã quá phát triển với mức độ cạnh tranh vô cùng ngặt nghèo giữa các người mẫu. Tuy nhiên ở Việt Nam, đây là chương trình đầu tiên đã tìm ra những gương mặt đúng chuẩn người mẫu, không chỉ về hình thể mà cả về thái độ và tác phong làm việc. Điều này tạo ra một làn sóng mới cho giới người mẫu, cho họ những cơ hội được hội nhập với ngành thời trang thế giới. Tôi đã có dịp làm việc với nhiều người mẫu trưởng thành từ cuộc thi này và hy vọng mỗi mùa thi sẽ tìm ra được nhiều gương mặt triển vọng hơn nữa. Tuy nhiên cũng phải mở ngoặc là… tôi không xem ti-vi.
Thủy phạm (thực hiện)
Ảnh: Hellos, Patrick Carpenter
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất