Đội tuyển Hà Lan: Louis van Gaal và 'điệp vụ' thứ hai

29/05/2014 06:34 GMT+7 | Bảng B

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi tới Brazil, van Gaal đã nhận lời dẫn dắt Man United, và trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Liệu ông có thể tập trung hết vào World Cup cho Hà Lan, hay bị phân tâm bởi những kế hoạch mới ở Man United?

Nhưng dù thế nào, áp lực lên van Gaal vẫn là lớn, trong bối cảnh ông được kỳ vọng sẽ vượt qua nỗi ám ảnh thất bại trong nhiệm kỳ đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Hà Lan.

Van Gaal vẫn đau đớn với nỗi ám ảnh 2002

“Tôi không tìm thấy một vết đen nào trong sự nghiệp của mình cả”, van Gaal từng nói. Tuy nhiên, tuyên bố của ông không thuyết phục được ai cả. Thất bại 0-1 trước CH Ireland tại Dublin năm 2001 đã khiến Hà Lan của van Gaal lần đầu tiên vắng mặt ở World Cup sau 16 năm. Cho dù van Gaal có khẳng định rằng đó không phải là một vết nhơ trong bản CV của mình thì ông vẫn phải thừa nhận đó là nỗi thất vọng lớn nhất trong nghiệp cầm quân.

Raymond Verheijen, trợ lý của van Gaal trong chiến dịch vòng loại World Cup 2002, tiết lộ: “Thất bại đó đã khiến ông ấy thực sự đau đớn. Tôi có thể thấy van Gaal bị tổn thương bởi chính thế hệ cầu thủ mà ông ấy đã biến họ thành ngôi sao thế giới ở Ajax. Van Gaal đã dẫn dắt họ tới chức vô địch Champions League  năm 1995, rồi sau đó, theo luật Bosman, họ đầu quân cho các đội bóng ở châu Âu và trở thành triệu phú”. Đội hình đó bao gồm những ngôi sao như anh em nhà de Boer, Edgar Davids, Patrick Kluivert, Edwin van der Sar, Clarence Seedorf và Marc Overmars.

“Van Gaal đã biến họ trở thành những ngôi sao lớn, thậm chí ông còn đem theo một số tới Barca. Ông ấy nghĩ rằng giữa họ vẫn có một mối quan hệ khăng khít. Rồi sau đó, khi dẫn dắt Hà Lan, ông ấy nhận ra rằng các cầu thủ không còn khát vọng như trước nữa. Điều đó thật sự khiến ông ấy đau đớn. Van Gaal cảm thấy thất vọng vì họ”, Verheijen tiếp tục.

Bản thân van Gaal trong cuốn tự truyện được xuất bản sau đó cũng thừa nhận: “Đó là nỗi thất vọng lớn nhất trong sự nghiệp của tôi, chủ yếu bởi những cầu thủ đó đã được chính tôi dạy dỗ”.

“Điệp vụ” thứ 2 cũng khó khăn

13 năm sau, van Gaal đang có cơ hội thứ hai để ông chứng tỏ tài năng. Nhưng lần này, mọi thứ hoàn toàn khác. Năm 2000, ông nắm trong tay một thế hệ tài năng có thể vô địch bất cứ một giải đấu lớn nào, nhưng vào thời điểm này, phần lớn đội tuyển Hà Lan là những cầu thủ trẻ ít tên tuổi trong khi thủ lĩnh Kevin Strootman vắng mặt vì chấn thương. Với van Gaal, Strootman là cầu thủ “không thể thay thế” của ông. “Chúng tôi không phải là ứng viên cho chức vô địch. Chúng tôi tự coi Hà Lan là kẻ ngoài cuộc”, van Gaal thừa nhận.

Ngay cả huyền thoại Johan Cruyff cũng tỏ ra bi quan về cơ hội của Hà Lan. “Sẽ rất khó khăn ở Brazil. Vượt qua vòng bảng đã là một thành tựu. Vấn đề của Hà Lan không phải là chất lượng. Chúng tôi có nhiều tài năng, nhưng đó chính là vấn đề: Phần lớn họ chỉ có tài năng. Họ cần một vài mùa giải nữa để sẵn sàng cho World Cup”.

Tuy vậy, Verheijen tin rằng nếu có ai đó có thể giúp Hà Lan thành công ở Brazil, thì đó chính là van Gaal. “Theo lẽ thường, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ không lọt vào vòng 2 khi nhìn vào đội hình hiện tại. Chile và Tây Ban Nha sở hữu đội hình tốt hơn Hà Lan. Nhưng van Gaal là lý do duy nhất tại sao chúng tôi vẫn còn cơ hội. Ông ấy có khả năng phát triển một đội bóng gồm những cầu thủ trung bình thành một đội bóng lớn”.

0 Hà Lan đã không thua một trận nào ở vòng loại World Cup 2014 với 9 chiến thắng và 1 trận hòa.

11 Với 11 bàn thắng cho đội tuyển Hà Lan, Robin van Persie là chân sút số 1 tại vòng loại World Cup 2014 khu vực châu Âu, tiếp theo là Edin Dzeko (Bosnia và Herzegovina) với 10 bàn.

16 Thất bại tại vòng loại World Cup 2002 khiến Hà Lan lần đầu tiên sau 16 năm vắng mặt ở giải vô địch thế giới.

Danh sách triệu tập

Thủ môn: Michel Vorm (Swansea, sinh năm 1983, 14 trận/0 bàn), Jasper Cillessen (Ajax, 1989, 6/0), Tim Krul (Newcastle, 1988, 5/0), Jeroen Zoet (PSV, 1991, 0/0)

Hậu vệ: Ron Vlaar (Aston Villa, 1985, 22/1), Bruno Martins Indi (Feyenoord, 1992, 14/2), Daryl Janmaat (Feyenoord, 1989, 14/0), Stefan de Vrij (Feyenoord, 1992, 10/0), Patrick van Aanholt (Vitesse, 1990, 2/0), Joel Veltman (Ajax, 1992, 2/0), Paul Verhaegh (Augsburg, 1983, 2/0), Terence Kongolo (Feyenoord, 1994, 1/0), Karim Rekik (PSV Eindoven, 1994, 1/0)

Tiền vệ: Wesley Sneijder (Galatasaray, 1984, 97/26), Arjen Robben (Bayern Munich, 1984, 73/22), Nigel de Jong (Milan, 1984, 69/1), Daley Blind (Ajax, 1990, 10/0), Jonathan de Guzman (Swansea, 1987, 9/0), Jordy Clasie (Feyenoord, 1991, 8/0), Memphis Depay (PSV, 1994, 5/0), Leroy Fer (Norwich, 1990, 5/0), Georginio Wijnaldum (PSV, 1990, 4/1), Jean-Paul Boetius (Feyenoord, 1994, 1/0), Quincy Promes (Twente, 1992, 1/0), Tonny Vilhena (Feyenoord, 1995, 0/0)

Tiền đạo: Dirk Kuyt (Fenerbahce, 1980, 98/24), Robin van Persie (Man United, 1983, 83/42), Klaas-Jan Huntelaar (Schalke 04, 1983, 61/34), Jeremain Lens (Dynamo Kyiv, 1987, 20/7)


Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link