Thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quý II/2013, chiều 14/6, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: Tình trạng doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế diễn ra khá phổ biến và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Tính đến hết tháng 5/2013, số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 9.595,5 tỷ đồng, chiếm 7,14% so với tổng số phải thu năm 2013; tăng 932,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội là 6.610 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 530 tỷ đồng (riêng ngân sách các địa phương nợ 245,9 tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng số nợ bảo hiểm thất nghiệp); nợ bảo hiểm y tế là 2.455 tỷ đồng (trong số này, ngân sách các địa phương nợ 1.276,7 tỷ đồng, chiếm 52% tổng số nợ bảo hiểm y tế).
Trao đổi với báo giới về vấn đề này, đại diện Ban Thu (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết: Trong tổng số nợ trên, Tập đoàn Vinashin nợ 340,2 tỷ đồng, Tập đoàn Vinalines nợ 16,7 tỷ đồng, nợ của 329 đơn vị bị phá sản là 39 tỷ đồng, nợ của 278 doanh nghiệp do cơ quan bảo hiểm xã hội kiện đã được tòa án xét xử, thi hành nhưng chưa thu hồi được là 196 tỷ đồng. Nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Có trường hợp chủ doanh nghiệp trích trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động, nhưng không nộp hoặc khi các cơ quan thanh tra, xử lý thì doanh nghiệp truy nộp một ít mang tính chất đối phó rồi hứa sẽ trả dần. Một số doanh nghiệp bị kiện ra tòa về việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhưng cũng không chấp hành các phán quyết của Tòa...
Theo thống kê, tính đến hết quý I/2013, có 41 bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố tiến hành khởi kiện 345 đơn vị, trong đó đang thụ lý 250 đơn vị, đã xét xử 50 đơn vị, đã thi hành án 45 đơn vị, thu hồi được 31,6 tỷ đồng. Hiện có 10 tỉnh có tỷ lệ nợ cao từ 9,7% đến 17% so với số phải thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng nợ ngày càng tăng là do quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các đơn vị đóng chậm, đóng không đủ số người, đóng không đúng thời gian còn bất cập, mức xử phạt thấp, thủ tục xử phạt cồng kềnh, chưa phát huy được tính tích cực. Đại bộ phận doanh nghiệp cố tình nợ bảo hiểm xã hội do mức lãi suất chậm đóng bảo hiểm thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ Bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ có chức năng kiểm tra, không được xử lý vi phạm, xử phạt, vì vậy khi kiểm tra, phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cơ quan Bảo hiểm Xã hội chỉ được phản ánh với các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng số vụ vi phạm phát hiện nhiều nhưng xử lý ít hoặc chưa bị xử lý.
Để giải quyết tình trạng nợ đọng, Bảo hiểm Xã hội đã đề nghị các cơ quan bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm và tập trung tháo gỡ đối với các doanh nghiệp thực sự khó khăn, hỗ trợ đóng bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế hàng quý, hàng năm theo đúng quy định. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục duy trì các biện pháp giảm nợ, tính lãi chậm đóng và công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát huy hiệu quả hoạt động của tổ thu hồi nợ liên ngành...
Chu Thanh Vân - TTXVN