Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội là liều 'vaccine' phòng Covid-19 kịp thời nhất

01/08/2021 19:19 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trước bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, trong đó, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không được chủ quan, không lơ là, mất cảnh giác; kể cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 vẫn phải tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K.

Cập nhật dịch Covid-19 tối 1/8: Thêm 4.246 ca mắc mới, Việt Nam trong ngày có 8.620 ca

Cập nhật dịch Covid-19 tối 1/8: Thêm 4.246 ca mắc mới, Việt Nam trong ngày có 8.620 ca

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội được xem là liều "vaccine" phòng COVID-19 trước mắt và kịp thời nhất.

"Ai ở đâu ở đấy"

Đợt dịch lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã xuất hiện tại 62 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội và mọi mặt của đời sống. Trước bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm cố gắng kiểm soát sớm tình hình. 

Trong Công điện mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, ngày 31/7, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm "chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn", phù hợp theo tình hình thực tiễn; tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy".

Chú thích ảnh
Các tiểu thương trên tuyến đường Đề Thám, phường 2, thành phố Cà Mau đóng cơ sở kinh doanh để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Trước đó, tại các cuộc thị sát và làm việc với địa phương khu vực phía Nam, vào cuối tháng 7/2021, phát biểu chỉ đạo đầu tiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh "phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16". Đây là nhiệm vụ then chốt, có yếu tố quyết định trong cuộc chiến chống giặc COVID-19, nhằm 3 mục tiêu chính: Ngăn dịch bệnh từ Thành phố Hồ Chí Minh ra các tỉnh, thành phố khác và ngược lại; tạo luồng lưu thông hàng hóa thông suốt, an toàn trong vùng; mục tiêu lớn nhất nhằm tạo "vùng hậu phương" an toàn, vững chắc để hỗ trợ, chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Quán triệt phương châm "rõ-nghiêm-chắc-hiệu quả", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các lực lượng chống dịch "đã quyết tâm phải quyết tâm hơn nữa, đã nghiêm phải nghiêm hơn nữa". Chỉ thị 16 phải được triển khai chặt chẽ, nghiêm ngặt trên phạm vi quy mô nhỏ nhất có thể (cách ly người với người, nhà với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố…); tuyệt đối tránh tình trạng "chỉ chăng dây, gác hai đầu", còn người dân bên trong đi lại tự do.

Đây cũng là khoảng thời gian "vàng" để các địa phương siết lại các khâu, tăng tốc làm sạch các vùng dịch, ổ dịch trong tuần đầu thực hiện giãn cách, phát hiện tối đa các ổ dịch trên địa bàn, dứt khoát không để phát sinh ổ dịch mới, hình thành vùng an toàn, vững chắc, nhanh nhất có thể. Cùng với đó, các địa phương phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, Tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng nòng cốt của công an để "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"; xử lý nghiêm người khai báo y tế không trung thực; tổ chức tuần tra, kiểm soát để "nhà thực sự cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố cách ly khu phố"…

Chú thích ảnh
Tiếp tục chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Yêu cầu tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách "ai ở đâu ở đấy". Các địa phương tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo: "Trong lúc này, người dân không nên tự ý trở về quê; nên ở lại và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội của chính quyền các địa phương, góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội là liều "vaccine" phòng COVID-19 kịp thời nhất".

Tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K kể cả đã tiêm 2 mũi vaccine

Cùng với những nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm và ưu tiên cho "chiến lược vaccine phòng COVID-19" nhằm nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch, thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 16,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, gồm các loại: AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sinopharm. Tính đến ngày 31/7, tổng số gần 6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi với khoảng 5,3 triệu liều, tiêm mũi 2 khoảng 589 nghìn liều. 

Do dịch đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...

Chú thích ảnh
Hà Nội tiếp tục tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, dự kiến từ tháng 7/2021 đến 4/2022 cho trên 5,1 triệu người dân. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 31/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã được phân bổ 3 triệu liều vaccine, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến nay. Theo dự kiến phân bổ vaccine năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhận khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm. Riêng trong tháng 8, dự kiến thành phố sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này. Đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều, trong đó 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều, gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều.

Những tín hiệu lạc quan của "chiến lược vaccine" - giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định để thoát khỏi đại dịch COVID-19 góp phần tiến tới mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới để tiêm cho hơn 70 triệu người dân cả nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã xuất hiện tâm lý chủ quan của người dân sau khi tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, mọi người dân cần tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K

(Khẩu trang- Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tập trung- Khai báo y tế). Vaccine phòng COVID-19 chỉ là "tấm áo giáp" để ngăn chặn dịch lây lan, nếu chủ quan, lơ là, vẫn có nguy cơ để dịch bệnh bùng phát trở lại như một số nước trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 đã được thế giới công nhận nhưng không một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100% mà vẫn có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm. Sau khi tiêm mũi 1, ít nhất phải 14 ngày sau, hiệu quả phòng COVID-19 mới bước đầu có tác dụng với mức bảo vệ ở mức rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2, từ 1 tháng trở ra, vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu nhưng cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90%, tùy theo loại vaccine.

Đồng quan điểm, bác sỹ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm,Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo, dù đã tiêm vaccine phòng COVID-19, mọi người vẫn phải đảm bảo thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng. Bởi vaccine phòng COVID-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì, người được tiêm vaccine vẫn có thể bị mắc bệnh. Vaccine COVID-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh.

"Điều này có nghĩa, khi đã tiêm vaccine, chúng ta có thể không mắc COVID-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác", bác sỹ Phạm Quang Thái cho biết.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link