07/09/2021 21:02 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Về vấn đề cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở vùng 1, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
Trước mắt, thành phố tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến khi hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một. Các lực lượng chức năng chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương toàn thành phố chỉ đạo tổ chức kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng nhân dân, tuần tra kiểm soát của các tổ lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường. Các địa phương lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp. Nếu có sai phạm sẽ công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài xử lý nghiêm khắc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo ngành Y tế tiếp tục duy trì công suất xét nghiệm 200.000 mẫu/ngày, cần thiết nâng lên 280.000 mẫu/ngày như đã chuẩn bị trước đó. Thành phố quyết tâm đến ngày 15/9, các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao sẽ hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); đồng thời xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện họ, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, ngành Y tế Hà Nội sẽ chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn. Từ đó, có cơ sở để tổ chức đời sống, sản xuất, kinh doanh... trên tinh thần an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.
Hà Nội cũng đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung phân bổ vaccine để đến ngày 15/9, thành phố đạt tỷ lệ cao đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng. Cùng với đó, thành phố đã chủ động chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm vaccine, bảo đảm công suất 200.000 mũi tiêm/ngày, hiện mới sử dụng công suất 150.000 mũi tiêm/ngày.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tiếp tục ưu tiên tiêm trước đối với người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người vận chuyển hàng (shipper), người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian quy định cần tiêm mũi 2 để bảo đảm hiệu quả của vaccine, người nước ngoài sống và làm việc trên địa bàn...
Với phương châm vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế rà soát, kiểm tra, bảo đảm năng lực tiêm vaccine trên toàn thành phố, sẵn sàng tổ chức tiêm cả buổi tối khi được phân bổ lượng vaccine lớn từ nay đến ngày 15/9, đồng thời chuẩn bị sẵn kịch bản nâng cao thêm công suất tiêm để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm trong quý IV/2021.
Tính đến nay, Hà Nội đã được Bộ Y tế quyết định phân bổ hơn 3,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, trên thực tế, số vaccine về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội là hơn 3,1 triệu liều. Đến 12h ngày 7/9, toàn thành phố đã tiêm được hơn 2,5 triệu liều (đạt 80,7% số lượng đã tiếp nhận); dự kiến đến ngày 9/9 sẽ hoàn thành tiêm 100% lượng vaccine đã được phân bổ.
Từ ngày 6/9, Hà Nội đã thực hiện phân 3 vùng trên địa bàn thành phố để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và tập trung nhân lực, vật lực phòng, chống dịch ở khu vực nguy cơ cao. Cùng với đó, thành phố đã ban hành các giải pháp đi kèm để kiểm soát lượng người ra đường, thực hiện giãn cách triệt để, thực chất ở vùng 1 (vùng nguy cơ cao), hạn chế người dân di chuyển giữa các vùng. Đồng thời, trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, sẽ đánh giá mức độ nguy cơ để quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn trên tinh thần an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất