Giấy đi đường tại Hà Nội: Kiên quyết 'làm chặt' từ ngày 10/8

09/08/2021 21:56 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong ngày đầu tiên triển khai văn bản số 2562/UBND-KT của UBND thành phố Hà Nội về việc siết chặt việc cấp và sử dụng "Giấy đi đường" trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, phần lớn người dân chưa kịp chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định.

Hà Nội: Đề xuất Giấy đi đường có xác nhận của cơ quan và chính quyền phường 

Hà Nội: Đề xuất Giấy đi đường có xác nhận của cơ quan và chính quyền phường 

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, việc thực hiện theo mẫu Giấy đi đường đã ban hành chưa được nghiêm.

Bên cạnh đó, còn có một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa hiểu đúng, hiểu đủ quy định của thành phố, dẫn đến hiện tượng ồ ạt đi xin xác nhận tại một số trụ sở UBND phường. Do đó, các lực lượng chức năng làm việc tại các chốt kiểm soát đang linh hoạt trong việc nhắc nhở, xử phạt và tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện đúng.

Đảm bảo cấp giấy đi đường đúng đối tượng

Để xác định rõ các đối tượng cần xác nhận của UBND phường, xã, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương trên địa bàn quận và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể thuộc thành phố trên địa bàn quận cần thực hiện nghiêm túc theo mục 2 và mục 3 của văn bản số 2562/UBND-KT của UBND thành phố. Theo đó, người lao động thuộc các đơn vị này sử dụng giấy đi đường do đơn vị cấp mà không phải xin xác nhận của UBND phường, đồng thời mang kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố thì thực hiện theo mục 5 của văn bản, theo đó phối hợp với UBND phường (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo). Còn các cơ quan (không bao gồm cơ quan Trung ương và thành phố), đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động cần phối hợp với UBND phường để được kiểm tra, xác nhận giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.

Theo ông Phan Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, việc UBND thành phố ban hành quy định mới là rất cần thiết, bởi mặc dù chính quyền các cấp đã triển khai rất nhiều giải pháp, rất nhiều các chốt kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông đông. Một trong những nguyên nhân là do còn một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp cấp giấy đi đường chưa thực hiện đúng theo quy định, trong đó có những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu cũng cấp giấy đi đường cho nhân viên, thậm chí không phải nhân viên của doanh nghiệp mình để thực hiện các mục đích khác khi tham gia giao thông.

Giấy đi đường Hà Nội, Giấy đi đường tại Hà Nội Kiên quyết làm chặt từ 10/8, Giấy đi đường tại Hà Nội, covid Hà Nội, covid mới nhất, cấp Giấy đi đường tại Hà Nội
Hà Nội xác định đúng đối tượng, kiên quyết 'làm chặt' từ ngày 10/8

"Còn nhiều doanh nghiệp đã bị cơ quan thuế ra thông báo không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh nhưng vẫn còn giữ dấu. Chính các doanh nghiệp này đã cấp giấy đi đường cho cá nhân lưu thông trên đường. Việc này gây khó khăn rất nhiều cho các cơ quan chức năng khi kiểm tra, kiểm soát người tham gia giao thông trong bối cảnh toàn thành phố thực hiện giãn cách", ông Phan Văn Phúc chia sẻ.

Để kiểm soát được số lượng doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, theo ông Phan Văn Phúc, khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thì họ đăng ký rất nhiều mặt hàng khác nhau cho kế hoạch kinh doanh sau này. Tuy nhiên, trên thực tế, họ chỉ kinh doanh một hoặc vài mặt hàng. Các cơ quan chức năng nếu chỉ căn cứ trên tờ giấy đi đường thì không thể biết được doanh nghiệp này kinh doanh mặt hàng thiết yếu hay không thiết yếu.

Về vấn đề này, UBND quận Hai Bà Trưng đã đề nghị Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng phối hợp xác minh thông tin doanh nghiệp phục vụ cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng đã lập tức cử cán bộ theo dõi doanh nghiệp theo địa bàn từng phường đến UBND 18 phường cùng phối hợp xác minh về mặt hàng kinh doanh thiết yếu thực tế của các đơn vị, xác minh tổng số lao động của các doanh nghiệp, kiên quyết không để xảy ra tình trạng cấp giấy đi đường sai đối tượng, sai mục đích.

Tương tự, quận Ba Đình cũng giao Phòng Tài chính kế hoạch, Chi cục Thuế lập danh sách tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Qua rà soát, toàn quận có 9.005 đơn vị không thuộc ngành nghề được hoạt động, không tham gia chuỗi sản xuất - cung ứng các mặt hàng thiết yếu nên đã có văn bản dừng hoạt động tại cơ sở đối với các đơn vị này, yêu cầu làm việc trực tuyến tại nhà.

Giấy đi đường Hà Nội, Giấy đi đường tại Hà Nội Kiên quyết làm chặt từ 10/8, Giấy đi đường tại Hà Nội, covid Hà Nội, covid mới nhất, cấp Giấy đi đường tại Hà Nội
Người dân chờ xác nhận Giấy đi đường tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân

Theo quy định tại văn bản số 2562/UBND-KT của UBND thành phố Hà Nội, người tham gia giao thông bắt buộc phải mang theo giấy đi đường theo mẫu do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 29/7/2021. Ngoài ra, người đi đường phải xuất trình kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Việc làm này nhằm khắc phục tình trạng cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng, dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua.

Ghi nhận tại chốt trực trên đường Đào Tấn (quận Ba Đình, Hà Nội) ngày 9/8, hiện tượng ùn ứ xảy ra trong một thời gian ngắn do có khá nhiều người dân chỉ có giấy đi đường mà không mang đủ các loại giấy tờ theo quy định, khiến lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt phải nhắc nhở, giải thích. Đối với những trường hợp không có giấy đi đường, lực lượng chốt trực đã xử phạt nghiêm.

Chị Phạm Thị Minh Hoa (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết, chị không kịp cập nhật quy định mới của thành phố nên chỉ có giấy đi đường. "Tôi được các cán bộ ở chốt trực nhắc nhở, yêu cầu phải bổ sung giấy tờ cho đúng với quy định của thành phố Hà Nội".

Tại chốt trực ngã năm đường Bà Triệu - Nguyễn Du, do là trục đường chính nên vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, lượng người tham gia giao thông khá lớn. Giấy tờ người dân mang theo chủ yếu là giấy đi đường và chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân. Khi bị kiểm tra, có khá nhiều người cho biết chưa nắm được quy định hoặc đã biết nhưng chưa kịp bổ sung.

Bà Nguyễn Minh Hương - Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) cho biết, do đã nắm được số lượng doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu từ những đợt dịch trước nên phường hoàn toàn chủ động trong việc xác nhận cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Ngay khi văn bản mới của thành phố và văn bản chỉ đạo của UBND quận Hai Bà Trưng được ban hành, phường đã triển khai ngay tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thông báo bằng nhiều hình thức như trên hệ thống loa truyền thanh, thông báo bằng văn bản.

"Để thuận tiện cho những người đến xin giấy đi đường, chúng tôi đã phân luồng, bố trí lực lượng ứng trực để hướng dẫn, đảm bảo giãn cách, phòng chống dịch cho đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đến xin xác nhận giấy đi đường. Cùng với đó, UBND phường đã bố trí công chức giải quyết hồ sơ ngay từ đầu giờ sáng 9/8 với phương châm hết hồ sơ không hết giờ", bà Nguyễn Minh Hương cho biết thêm.

Nghiêm túc thực hiện từ ngày 10/8

Ngay trong ngày đầu triển khai siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường của người dân, có một thực tế là nhiều người còn chưa nắm được quy định, chưa chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu. Việc tăng cường kiểm soát trong sáng 9/8 cũng đã gây nên hiện tượng ùn ứ cục bộ tại một số đường lớn, trục chính. Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp hiệu quả để vừa đảm bảo quy định về phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát theo quy định của thành phố Hà Nội. 

Anh Trịnh Hữu Trung (quận Hoàng Mai) cho biết, anh hoàn toàn ủng hộ giải pháp tăng cường trong việc kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, để tránh ùn ứ tại các chốt có thể gây ra nguy cơ đối với công tác phòng, chống dịch, lực lượng chức năng có thể kiểm tra xác suất thay vì cố gắng kiểm tra toàn bộ số người đi qua chốt như trong buổi sáng 9/8.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), từ ngày 10/8, việc kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường của người dân sẽ được siết chặt hơn nữa, không để người dân ra đường không có công việc thiết yếu hoặc thiếu các giấy tờ theo quy định.

"Ngày đầu tiên, lực lượng tại các chốt chủ yếu nhắc nhở mà không xử phạt. Người dân đã có ngày 9/8 để bổ sung giấy tờ theo quy định. Do đó, từ ngày 10/8, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch của thành phố", ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

Theo Thiếu tá Trần Quang Hùng, Phó Trưởng công an phường Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm), từ ngày 10/8, các lực lượng trực tại các chốt sẽ nghiêm túc triển khai việc kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường, kiên quyết xử phạt những trường hợp thiếu giấy tờ, giấy tờ không hợp lệ hoặc tham gia giao thông không có lý do chính đáng.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link