28/09/2018 07:54 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin trong cuộc họp giao ban trực tuyến của thành phố Hà Nội mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết các cơ quan chuyên ngành đang tổng hợp ý kiến quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Câu chuyện đã và đang nóng lên trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khi thực tế lãnh đạo các xã, phường gần như chưa nắm được chủ trương này.
80% trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định vấn đề này đang được giao cho Sở Xây dựng và các ban ngành liên quan nghiên cứu, lập để án và chưa có quyết định cuối cùng.
Gần đây, tại các cuộc hội nghị khác nhau, không ít ý kiến cho rằng đây là một ý tưởng tốt, nhằm hướng tới sự đồng bộ, tiện ích trong hoạt động.
Khác với các mô hình trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, hay là các công trình nghệ thuật thì cần đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc để tránh nhàm chán. Trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, phường là nơi làm việc, đại diện cho công quyền, cần có sự uy nghiêm, đồng nhất, đồng bộ, như là bộ nhận diện hình ảnh mà người dân có thế dễ dàng nhận biết.
Hơn nữa, khi thiết kế đồng bộ, sẽ tính được tổng thể nội dung, hình thức, mức đầu tư trong thi công một cách đồng bộ, tránh nơi đầu tư nhiều, đầu tư ít, trong khi khối lượng công việc ngang nhau. Hơn thế nữa, hàng trăm trụ sở chỉ sử dụng một bản thiết kế, không những tiện ích mà giảm chi phí thiết kế rất lớn và tránh được mỗi địa phương một phách.
Hà Nội hiện có 584 trụ sở xã, phường, thị trấn; trong đó trong 5 năm 2011-2015, các quận, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 290 trụ sở cấp xã với tổng vốn bố trí trên 1.600 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về kết quả kiểm tra thực trạng và nhu cầu đầu tư trụ sở xã, phường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020, có 483 trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu; trong đó trụ sở cần xây mới là 75, bổ sung hạng mục 136 trụ sở và 118 đơn vị chỉ cần cải tạo lại.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị được lấy ý kiến cho đề án khẳng định: “Đề án không phải là xây mới hết các trụ sở xã, phường. Nếu thực hiện theo các phương án đề ra sẽ tiết kiệm được đất, kinh phí vì quy mô xã, phường phù hợp hơn.”
Theo phương án mới này, công trình các trụ sở tại khu vực trung tâm nội đô sẽ có diện tích từ 300-2.000m2, mật độ xây dựng tối đa 70%, cao tối đa 6 tầng. Khu vực đô thị trung tâm mở rộng, đô thị vệ tinh, thị trấn mật độ dân cư cao, ngưỡng diện tích là 880-3.900m2, mật độ xây dựng 40%, cao tối đa 5 tầng. Khu vực các xã và thị trấn mật độ dân cư thấp, diện tích đất phù hợp từ 1.530-4.100 m2, mật độ xây dựng 25-30%, cao không quá 3 tầng.
Trong phương án được lấy ý kiến, đơn vị tư vấn đề nghị các trụ sở cần thống nhất hình ảnh nhận diện; hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc.
Vẫn còn phản biện nhiều chiều
Đề án trong giai đoạn tổng hợp ý kiến, có nhiều luồng quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề trên. Dư luận không tránh khỏi băn khoăn liệu rằng việc "đồng phục" trụ sở cơ quan công quyền xã, phường của Thủ đô có gây tốn kém số tiền lớn cho việc sửa chữa đồng loạt hay không? Việc tổ chức triển khai như thế nào để tạo ra những sản phẩm tiện dụng về công năng lại bảo đảm yếu tố thẩm mĩ, tránh gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán...
Ông Vũ Danh Tuyên, cựu chiến binh Hà Nội chia sẻ, việc đặt ra quy chuẩn là cần thiết vì nhiều địa phương đang đổ tiền xây dựng những trụ sở hoành tráng, hoàn toàn không tương xứng với nhu cầu sử dụng. Nhưng đó sẽ là bài toán quản lý cho các công trình xây dựng sửa chữa cải tạo sau này chứ không phải để chi tiền cả cho các dự án mới đầu tư.
Anh Trần Sơn, công dân quận Đống Đa thẳng thắn: “Hình vẽ thì dĩ nhiên là đẹp. Vấn đề là kinh phí xây dựng và quan trọng nhất là hiệu quả làm việc của những công sở này?”
Phản ánh chung từ dư luận, đề án nhận được không ít sự góp ý của giới chuyên môn; trong đó vẫn còn e ngại.
Kiến trúc sư Lý Bá Hải cho rằng đặc điểm nào đảm bảo được sự nhận diện chung của Ủy ban Nhân dân cho người dân công nhận? Cổ điển hay hiện đại, có căn cứ không hay chỉ chạy đua theo một hình thức tạm thời? Ai bảo hình thức này sẽ không thay đổi theo tư duy của người đứng đầu. Chưa kể các ủy ban này ở xa nhau, mỗi địa bàn có vị trí khác nhau, đặc thù kinh tế văn hoá khác nhau nên sự đồng nhất này là không cần thiết.
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Đặng Hùng Võ bày tỏ trên thực tế, ở các nước phát triển họ có những quy định cụ thể để chuẩn mực các cơ quan hành chính và điều đó là cần thiết. Theo đó, các cơ quan hành chính sẽ giống nhau từ khuôn chữ, màu sơn, kiểu kiến trúc để người dân dễ nhận ra. Nhưng tất nhiên đó là chuyện ở những nước giàu có, họ làm những chuyện đó là bình thường nhưng như nước ta hiện nay, ngân sách còn hạn hẹp thì nếu muốn hướng tới chuyện đó, chúng ta cần phải có những bước đi hợp lý và đặc biệt không gây lãng phí.
Nhiều ý kiến của giới chuyên môn cũng cho rằng, so với các địa phương trên cả nước, các địa phương của Hà Nội tương đối ổn định, phát triển hơn nhiều tỉnh thành khác. Việc xây dựng trụ sở xã, phường, thị trấn thành phố chỉ cần cải tạo, xây dựng lại ở những địa phương thật sự khó khăn và cần thiết nhưng vẫn phải tiết kiệm, tránh lãng phí ngân sách. Hà Nội nên chú trọng chuẩn hóa các thiết kế chi tiết bên trong để phục vụ người dân tốt hơn. Cái cần đặt ra là một quy định cụ thể để xây dựng các trung tâm này không xa hoa, hiệu quả trong sử dụng. Kiến trúc có thể khác nhau nhưng nằm trong khuôn khổ về chi phí, quy chuẩn về hình thức...
Phương án cần rõ nghĩa hơn
Trao đổi với báo giới, tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bày tỏ cá nhân ông và nhiều người chưa hiểu rõ ý đồ của phương án này sẽ làm thế nào, liệu có đập phá, sửa chữa, xây lại các trụ sở đã, đang sử dụng hay chỉ áp dụng với trụ sở xây dựng mới. “Nếu đưa ra một thiết kế khuôn mẫu về trụ sở làm việc của các cơ quan xã, phường, thị trấn là tốt, tuy nhiên, không nên áp dụng chung cho tất cả các địa phương,” ông Liêm nói.
Còn Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng mỗi một địa phương có một đặc thù riêng và mỗi công trình đều gắn với kiến trúc tổng thể, gắn với nét văn hoá của vùng miền. Nếu Hà Nội muốn quản lý việc xây dựng các công trình này thì cần đưa ra tiêu chuẩn thiết kế cụ thể đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí và đặc biệt là tính hiệu quả khi sử dụng. Có tiêu chuẩn rồi sẽ xác định tiêu chí và có định hướng kiến trúc chứ không nên làm mẫu, thiết kế mẫu cho tất các trụ sở. "Chủ trương này chưa hợp lý, cần xem xét và nghiên cứu lại theo hướng mới," ông Nghiêm nói.
Trong một cuộc trưng cầu ý kiến do cơ quan truyền thông tổ chức về chủ trương này của thành phố Hà Nội, trong tổng số 2.773 phiếu thì có tới 2.236 phiếu cho rằng trụ sở chính quyền không nên thống nhất kiến trúc vì sẽ hạn chế sự sáng tạo, trong khi đó chỉ có 537 ý kiến cho rằng trụ sở chính quyền nên thống nhất kiến trúc, để người dân dễ nhận diện.
Khi được hỏi về chủ trương này, nhiều lãnh đạo các phường, xã trên địa bàn chưa hề hay biết hoặc chỉ nghe phong thanh thông tin, chưa nhận được văn bản liên quan đến đề án nên không bình luận gì. Tuy nhiên, không ít các lãnh đạo phường bày tỏ quan điểm cá nhân cho rằng không cần thiết xáo trộn cơ sở hạ tầng của cấp xã, phường.
Theo nhận định của một vị đại diện lãnh đạo của một phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, có lẽ đây chỉ là quy chuẩn chung để sau này sửa chữa hoặc xây mới trụ sở các xã, phường thì sẽ thực hiện theo. “Hiện tại cơ sở vật chất của phường đã đủ để đáp ứng phục vụ người dân rồi, không cần cải tạo, sửa chữa gì mặc dù những năm gần đây dân số phường đã gia tăng tới 50.000, gấp khoảng 3 lần so với dân số trung bình của các phường khác tại khu vực nội thành,” vị lãnh đạo phường này chia sẻ.
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất