15/05/2016 15:12 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - V-League 2008 là mùa giải đầu tiên giải VĐQG Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của ngoại binh nhập tịch, sau khi thủ môn Fabio dos Santos của ĐT Long An được chính thức công nhận quốc tịch Việt Nam vào ngày 25/12/2007 với tên gọi Việt Nam là Phan Văn Santos.
Họ mang đến những thành tích vượt trội
Không nói tới chuyện chuyên môn, bởi trong điều kiện bình thường thì năng lực ngoại binh luôn trội hơn so với ngoại binh, mà nếu nói ở khía cạnh ứng xử hay thái độ thi đấu thì cũng có rất nhiều chuyện để nói về các ngoại binh nhập tịch.
Hãy bắt đầu bằng Hoàng Vũ Samson, chân sút gốc Nigeria đã vượt qua tiền đạo Lê Công Vinh để trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất V-League vào những ngày cuối tháng Tư vừa qua. Với 114 bàn thắng, Samson đã xô đổ kỷ lục 112 bàn mà Công Vinh từng thiết lập được cách đây chưa lâu, và ở tuổi 28 (Samson sinh năm 1988), chân sút này được kỳ vọng sẽ còn phá sâu hơn nữa kỷ lục 114 bàn do chính anh lập nên.
Không ai bất ngờ với thành tích này, bởi cách đây 5 năm, thiếu chút nữa Samson đã chuyển sang thi đấu cho CLB Atletico Madrid thông qua sự tiến cử của HLV Henrique Calisto và siêu cò Jorge Mendes, nhưng thương vụ này đã đổ bể vào giờ chót do trước đấy Samson đã ký nháy với Hà Nội T&T và không thể hủy kèo.
Đinh Hoàng Max cũng từng được khoác áo ĐTVN trong một trận đấu tập
Tuy nhiên, ngoài một Samson xuất sắc ở vai trò tiền đạo thì cũng còn một Samson khác có khả năng chơi xấu không thua kém bất cứ cầu thủ Việt Nam nào ở V-League. Cũng trong năm 2011, khi còn khoác áo TĐCS Đồng Tháp ở V-League, Samson đã bị phạt treo giò 5 trận vì hành vi dùng chân tay nói chuyện với hậu vệ Châu Phong Hòa của V.Ninh Bình, vì lý do không kiềm chế nổi trước những tiểu xảo liên tục của hậu vệ này.
Một năm sau, lại là Samson góp mặt trong một vụ phạt nguội đình đám khác ở V-League, khi Samson trong lúc né tránh pha vào bóng rùng rợn của Huy Hoàng đã trả đũa rất ác ý bằng cách dẫm thẳng gầm giày vào mặt Huy Hoàng, khiến trung vệ này bị chấn thương nặng ở đầu và mắt, và phải ra Hà Nội mổ mắt.
Năm 2014, trong trận đấu giữa Hải Phòng và Hà Nội T&T trên sân Lạch Tray, Samson vì không chịu nổi những pha đá xấu liên tiếp của Văn Nam bên phía Hải Phòng nên đã nổi khùng và quay ra ẩu đả với 2 cầu thủ Hải Phòng. Tuy phải nhận án phạt treo giò 4 trận nhưng Samson vẫn được Ban Kỷ luật xác nhận không phải là tác nhân của vụ ẩu đả mà chỉ là nạn nhân.
Dẫn chứng dông dài như vậy để thấy một ngoại binh khi thi đấu ở Việt Nam đủ lâu để nhận quốc tịch Việt Nam như Samson có thể học hết thói hư tật xấu của đồng nghiệp Việt Nam, và nếu cần phải sử dụng tiểu xảo thì đôi lúc họ còn là bậc thầy so với cầu thủ Việt Nam.
Và trở thành nạn nhân của bệnh thành tích
Tuy nhiên, Samson chỉ là trường hợp cá biệt trong số những ngoại binh nhập tịch ở Việt Nam nhiều lần phải nhận án kỷ luật nặng vì lối chơi thô bạo. “Đồng đội” hiếm hoi của Hoàng Vũ Samson trong “team kỷ luật” là Đinh Văn Ta từng phải nhận án treo giò 5 trận và nộp phạt 15 triệu đồng ở V-League 2014 vì hành vi vào bóng cao chân trúng ngực Danny David làm cầu thủ này bất tỉnh trên sân, nhưng ngay cả Ban Kỷ luật cũng xác nhận Đinh Văn Ta không cố ý chơi xấu.
Ngoại trừ Samson và Đinh Văn Ta, hầu hết ngoại binh nhập tịch còn lại của bóng đá Việt Nam đều không có vấn đề gì về cách cư xử bên ngoài sân cỏ cũng như phong cách thi đấu. Đặc biệt là những cầu thủ nhập quốc tịch nhờ lấy vợ người Việt Nam hoặc mang theo gia đình cùng sang Việt Nam sinh sống thì tuyệt đối “lành tính”, cho dù đấy là ngoại binh gốc Phi hay gốc Nam Mỹ.
Tất cả các ngoại binh khi nhập quốc tịch Việt Nam đều nhắm tới mục đích giúp CLB của họ giảm bớt số lượng ngoại binh trong danh sách đăng ký, nhưng cũng có những cầu thủ nhập tịch theo đường phi bóng đá bằng cách kết hôn với một cô vợ Việt Nam, và hầu hết ngoại binh sau khi sở hữu quốc tịch Việt Nam đều được nâng giá chuyển nhượng, bởi họ có lợi thế như cầu thủ nội song sức vóc và khả năng chuyên môn lại trội hơn hẳn đồng nghiệp Việt Nam bản xứ.
Thế nhưng, không phải bất cứ phi vụ nhập tịch nào của cầu thủ nước ngoài cũng đi đến kết quả có hậu, điển hình là vụ việc của Celestine Belibi. Cầu thủ sinh năm 1983 này đã có 8 năm chơi bóng ở Việt Nam cho các CLB Hòa Phát (2008), Than Quảng Ninh (2009-2013), Cần Thơ (2014).
Khi đang khoác áo Cần Thơ, Belibi được HLV Đinh Cao Nghĩa, lúc đấy đang dẫn dắt Than Quảng Ninh, mời về sân Cẩm Phả và gợi ý Belibi nhập tịch Việt Nam. Đúng thời điểm Belibi về quê nhà Cameroon để làm thủ tục từ bỏ quốc tịch thì VFF ban hành quy định mỗi đội bóng ở V-League 2015 trở về sau chỉ được đăng ký duy nhất một ngoại binh nhập tịch trong đội hình xuất phát.
Mà ở Than Quảng Ninh thì Đinh Hoàng Max đã chắc suất đá chính, và đến lúc Belibi từ bỏ quốc tịch Cameroon thì HLV Đinh Cao Nghĩa cũng không còn ngồi ghế HLV trưởng Than Quảng Ninh. Thế là Belibi rơi vào tình cảnh không quốc tịch, không việc làm, còn ngôi nhà của Belibi ở Quảng Ninh cũng đã được thế chấp ngân hàng để cầu thủ này vay tiền về Cameroon làm thủ tục từ bỏ quốc tịch.
Trong cơn quẫn bách, cuối tháng 4 vừa qua, Belibi buộc phải viết đơn kêu cứu bằng tiếng Việt không dấu để cầu cứu, nhưng CLB Than Quảng Ninh đã phủ nhận trách nhiệm với lý do “không chịu trách nhiệm về những hứa hẹn, thỏa thuận giữa các cá nhân từng làm việc ở đội bóng với Belibi Celestin Didier (nếu có)".
Cùng đường, Belibi đã được đội trưởng Than Quảng Ninh là Vũ Minh Tuấn giúp đỡ bằng cách cho vào làm việc tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ do Minh Tuấn thành lập để Belibi có thu nhập trang trải cuộc sống. Hiện tại là thế nhưng con đường để Belibi được nhận quốc tịch Việt Nam hay lấy lại quốc tịch Cameroon vẫn là một dấu chấm hỏi mịt mờ.
Huy Anh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất