Ông Takagi Michimasa, chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận xét, ùn tắc ở Hà Nội chưa tới mức quá nghiêm trọng như các nước và chỉ xảy ra vào giờ cao điểm, do vậy chỉ cần có biện pháp hạn chế xe cá nhân vào thời điểm này.
Ông Takagi. Ảnh: Đoàn Loan |
* Hà Nội đã đưa ra phương án điều chỉnh giờ làm, giờ học để tránh ùn tắc, ông có nhận xét gì về biện pháp này?
- Điều chỉnh giờ làm việc là nhóm giải pháp quản lý nhu cầu giao thông, không chỉ ở Nhật Bản mà các thành phố lớn trên thế giới cũng áp dụng. Nếu xây dựng đường sá, tàu điện sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí mất 20-30 năm. Trong khi giải pháp đổi giờ làm dễ thực hiện vì chỉ cần thay đổi hành vi của người dân. Ùn tắc chỉ diễn ra vào các giờ cao điểm nên chúng ta cần có giải pháp đối với múi giờ này.
Ở Nhật Bản có một mốc thời gian làm việc từ 10h sáng đến 4h chiều, tùy từng cơ quan có thể thay đổi theo tính chất công việc của mình.
* Người Việt Nam thường lưu thông trên đường với nhiều mục đích, như đưa con đi học sau đó mới đến công sở, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của phương án này?
- Cũng như Nhật Bản trước đây, người dân không chỉ đi làm mà còn đón con, đi mua sắm. Khi đó chúng tôi xây dựng các giải pháp để thay đổi hành vi của người dân như để xe của nhà trường đưa đón. Hoặc có người sẽ về nhà vào buổi trưa nên cần để người dân tự thay đổi thói quen.
* JICA đưa ra phương án giảm xe cá nhân, ông có thể nói rõ hơn về giải pháp này?
- Ở Nhật và Singapore đã thu phí vào trung tâm với xe cá nhân. Tôi nghĩ Việt Nam có thể thí điểm tăng phí đỗ xe. Như ở Tokyo, phí gửi ôtô 30 phút là 10 USD, nếu đỗ xe trong 2 giờ thì sẽ tốn hơn đi taxi hoặc đi xe công cộng. Chúng ta phải hạn chế cả xe máy và ôtô song bằng cách để người dân tự cân nhắc, chủ động thay đổi thói quen đi xe cá nhân.
Theo tôi, ùn tắc ở Hà Nội chưa tới mức quá nghiêm trọng như các nước khác, điển hình là Thái Lan nơi tôi từng làm việc. Ùn tắc ở Hà Nội chỉ vào giờ cao điểm nên cần có biện pháp hạn chế xe cá nhân vào thời điểm này chứ không cần hạn chế cả ngày.
* Cùng với hạn chế xe cá nhân thì cần tăng xe buýt, theo ông xe buýt góp phần giảm ách tắc trong bối cảnh hiện nay thế nào?
- Để xe buýt phát huy được thì phải có đường dành riêng cho nó. Trên các tuyến đường lớn cần dành làn ưu tiên cho xe buýt chỉ một vài giờ cụ thể chứ không cần dành cả ngày.
Khi Hà Nội chưa có tàu điện thì trong các năm tới, xe buýt vẫn là phương tiện công cộng chính. Chúng ta phải làm cho nó phát huy vai trò là phương tiện công cộng.
* Giải pháp giãn dân trong nội đô Hà Nội đã được tính đến song khó thực hiện, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm ở Nhật trong vấn đề này?
- Ở Nhật Bản, chúng tôi xây dựng tuyến đường sắt, song song xây dựng các thành phố quanh tuyến đường sắt đó. Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Ở Hà Nội, JICA đang hỗ trợ xây dựng tuyến đường sắt và cải thiện giao thông thành phố.
Hà Nội gặp vấn đề khó giãn dân là do cơ chế, cần kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng bên ngoài nội đô để thu hút người dân ra ngoài.
Theo VnExpress