Căng thẳng liên Triều: Nguy cơ khai chiến sau màn khẩu chiến

31/03/2013 07:16 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/3, Triều Tiên đã tuyên bố bước vào "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc và sẽ giải quyết mọi vấn đề liên Triều theo điều kiện thời chiến. Quyết định của Triều Tiên đã lập tức gây quan ngại và đã có những cảnh báo về việc nếu phương Tây tiếp tục phớt lờ đe dọa của Bình Nhưỡng, xung đột thực sự sẽ nổ ra.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 30/3 dẫn tuyên bố chung của các các cơ quan và thể chế chính phủ nêu rõ: "Vào thời điểm này, quan hệ liên Triều đã bước vào tình trạng chiến tranh và tất cả các vấn đề giữa hai miền Triều Triên sẽ được giải quyết theo hình thức thời chiến".

Đấu khẩu tăng nhiệt

KCNA cũng nói rằng tất cả các hành động gây hấn gần biên giới, ở trên đất liền hoặc trên biển giữa hai miền Triều Tiên, đều sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện, thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh, bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải hiệp định hòa bình.

Tuy nhiên tuyên bố của Triều Tiên vẫn gây nhiều quan ngại. Căng thẳng đã tăng nhanh trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân, dẫn tới việc Liên Hợp Quốc tăng cường cấm vận và Mỹ, Hàn Quốc đã tiến hành tập trận để đối phó với mối đe dọa từ nước này.


Ông Kim Jong Un làm việc với các quan chức quân đội và ở góc trái ảnh là tấm bản đồ đề dòng chữ "Kế hoạch tấn công lục địa Mỹ"

Từ đầu tháng 3, Bình Nhưỡng đã gây chú ý khi tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận đình chiến ký kết sau Chiến tranh Triều Tiên. Hôm 29/3, Triều Tiên tuyên bố việc đưa các đơn vị tên lửa chiến lược vào vị trí sẵn sàng chiến đấu và đã ngắm bắn vào các căn cứ quân sự của Mỹ.

Triều Tiên sau đó còn công bố một bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong Un làm việc với các quan chức quân sự cấp cao, bên cạnh tấm bản đồ với dòng chữ "kế hoạch tấn công", với các hướng bay của tên lửa sang đất Mỹ.

Theo các chuyên gia, việc bắn tên lửa tầm xa có chứa vũ khí hạt nhân sang Mỹ vẫn chỉ là đe dọa.

Khả năng “một cuộc chiến vì tai nạn"

Tuy nhiên ngoài tên lửa và vũ khí hạt nhân, Triều Tiên vẫn còn có các phương thức khác để hủy diệt đối phương và đây mới là điều khiến các quan chức cùng các chuyên gia e ngại.

"Anh chỉ cần sai lầm một lần thôi" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nói khi thảo luận về việc đánh giá Triều Tiên - "Tôi không biết liệu có tổng thống nào hay bộ trưởng quốc phòng nào muốn có sai lầm khi đánh giá các mối đe dọa hạt nhân".

Nếu chiến tranh nổ ra, ít nhất vẫn có 1.000 quả đạn pháo rơi vào Seoul.

Các quan chức Mỹ hiện đang quan ngại rằng với những lời đe dọa ngày càng tăng về cấp độ, Triều Tiên sẽ ra tay để giữ thể diện. Và trong tương lai gần, Triều Tiên có khá nhiều cách để ra tay trước. Hiện nước này vẫn còn rất nhiều loại vũ khí nguy hiểm như tên lửa, pháo tầm xa và Hàn Quốc luôn nằm trong tầm bắn của các vũ khí này.

"Chúng ta đang ở rất gần một sự kiện có thể leo thang rất nhanh. Đó là điều tôi lo lắng nhất" - Jim Walsh, một chuyên gia an ninh quốc tế tại Học viện Công nghệ Massachussett nói.

Trong thời điểm hiện nay, Triều Tiên có thể sẽ bị quân đội Hàn Quốc hiện đại và tinh nhuệ gây thiệt hại nặng nề và Bình Nhưỡng biết rõ điều đó. Nhưng Jim Walsh nói rằng khả năng một "cuộc chiến vì tai nạn" - trong đó những lời khiêu khích bị đẩy đi quá xa dẫn tới xung đột, là nguy cơ rõ rệt nhất.

Michael O'Hanlon, một nhà phân tích ở Viện Brookings thì cho rằng Hàn Quốc hiện đang nằm dưới sự lãnh đạo của Park Geun-hye, một nữ Tổng thống được đánh giá là cứng rắn. Bà có thể sẽ không ngại tiến hành chiến tranh trả đũa, nếu như Triều Tiên ra tay tấn công trước.

Tên lửa Triều Tiên chưa thể tới lục địa Mỹ

Walsh nói rằng khi chiến tranh nổ ra, thiệt hại sẽ rất khó lường cho cả đôi bên. Kể cả khi Triều Tiên bị thiệt hại nặng, tới mức sụp đổ chính quyền, "ít nhất vẫn có 1.000 quả đạn pháo rơi vào Seoul".

O'Hanlon thì mô tả một kịch bản khi hai miền Triều Tiên đáp trả các màn tấn công lẫn nhau, dẫn tới một cuộc chiến tổng lực. Khi đó, Mỹ sẽ phải đối mặt với câu hỏi về việc có can thiệp quân sự hay không.


Tuy nhiên các tên lửa hiện có của Triều Tiên vẫn bị đánh giá là chưa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Hagel hôm 28/3 tuyên bố rằng Mỹ sẽ "dứt khoát bảo vệ" Hàn Quốc. Hồi năm 1984, Mỹ từng chuẩn bị một chiến dịch tấn công, trong đó sẽ hủy diệt toàn bộ sức mạnh không quân của Triều Tiên trong vòng 100 giờ đồng hồ. Nhưng một số viên tướng Không lực Mỹ về hưu đã cho hãng tin AP biết rằng ngày hôm nay, tốc độ hủy diệt của quân đội Mỹ sẽ còn nhanh hơn thế.   

Lầu Năm Góc đã hiện thực hóa các răn đe của mình bằng cách điều máy bay B-2 bay thẳng từ Mỹ tới Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên Mỹ từng điều máy bay B-2 tới Bán đảo Triều Tiên. Đại sứ quán Mỹ ở Hàn Quốc đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng những chiếc máy bay ném bom này "đang thể hiện khả năng của Mỹ trong việc "tiến hành tấn công chính xác theo ý muốn".

Trong khi đó về phía Triều Tiên, dù đã liên tục thử tên lửa và hạt nhân, nước này vẫn còn xa mới tiến tới chỗ thu nhỏ vũ khí hạt nhân và nhét nó vào trong một quả tên lửa, chưa nói tới việc quả tên lửa này phải bay đến trúng đích.

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại phỏng đoán rằng chỉ có tên lửa Taepodong-2 của Triều Tiên có thể bay tới được Mỹ. Nhưng quả tên lửa này cũng chỉ tới được Alaska và vẫn chưa được thử nghiệm thành công. Các tên lửa khác của Triều Tiên với độ tin cậy cao hơn lại chỉ có tầm bắn ngắn hơn đáng kể.

Tổng hợp Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link