05/11/2015 18:39 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu thống kê chưa chính thức, mùa giải 2015, nhà tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thu về khoảng 80 tỷ đồng từ các nhà bảo trợ, việc bán bảng quảng cáo, lệ phí tham dự giải, tiền phạt và đương nhiên cả gói tài trợ chính TOYOTA…
... Chỉ có điều, bóng đá Việt Nam không hề thiếu những lời hứa, để rồi cuối cùng chỉ là "lời nói gió bay", hay nói theo kiểu mạng xã hội là "chém gió". Ví như 10 nhà bảo trợ bóng đá Việt Nam từng hứa hẹn sẽ đóng góp 10 tỷ đồng/nhà bảo trợ/mùa giải còn chưa xa.
Kỳ vọng vào ông Chóng
Con số 131,135 tỷ đồng được quyết bởi HĐQT VPF tại buổi họp thường niên diễn ra hôm 28/10 vừa qua cùng với sự thay đổi đáng chú ý ở thượng tầng công ty, khi ông Cao Văn Chóng ngồi lên chiếc ghế Tổng Giám đốc. Và sự kỳ vọng vào ông Chóng cùng các cộng sự là dễ hiểu, hơn thế, mùa trước VPF đã thu về hơn 80 tỷ đồng thì chẳng có lý do gì lại không nâng chỉ tiêu lên.
Ông Chóng, một người còn rất trẻ, đã phần nào chứng minh được năng lực quản lý – điều hành bóng đá thời còn ở Bình Dương, song chắc chắn, với vai trò mới và ở tầm cao hơn, sẽ đi cùng với áp lực cao hơn. Khi nhận được lời chúc mừng của Thể thao & Văn hoá cuối tuần, tân “đô đốc” VPF đã nói vui rằng, từ ngày được bổ nhiệm vào cương vị mới, ông chỉ toàn nhận những lời… chia buồn, duy nhất chỉ có chúng tôi chúc mừng?!
Nói là nói vui vậy thôi, những người từng làm việc với ông Cao Văn Chóng đều nhất trí rằng, đây là một người trẻ dám đương đầu và cương trực. Trong nhiều tình huống, ngay cả rất nhạy cảm, Cao Văn Chóng vẫn sẵn sàng đối thoại một cách công khai, minh bạch. Ví như khi đề cập đến số tiền mà B.Bình Dương tiêu/mùa giải và nguồn thu ấy đến từ đâu, để tránh cho việc Công ty CP thể thao – bóng đá Bình Dương báo lỗ, ông cũng chẳng giấu.
Tân Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng tự tin sẽ hướng bóng đá Việt Nam phát triển tốt hơn. Ảnh: Quang Liêm
Tính minh bạch là điều mà bóng đá Việt Nam luôn thiếu, nhưng đây là một điểm mới của VPF, kể từ ngày công ty này được thành lập, với bầu Kiên (cựu chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội – Nguyễn Đức Kiên) là người đưa phát kiến và nhận được sự hưởng ứng của các ông bầu khác. Tuy nhiên, không phải bao giờ VPF cũng giữ được tôn chỉ ấy và đỉnh điểm là vụ đấu tố của chủ tịch CLB Hải Phòng, Trần Mạnh Hùng, với Phó TGĐ Phạm Phú Hoà.
Ban Giám đốc mới, với người đứng đầu là ông Cao Văn Chóng hẳn đã chuẩn bị cương lĩnh hành động, lẫn con số "kiếm tiền" cụ thể lên tới hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, có được việc hay không thì phải còn chờ. Mặc dù vậy, ông Chóng cũng đã tuyên bố trên mặt báo rằng, nếu không hoàn thành được chỉ tiêu cũng như công việc đề ra, ông sẽ từ nhiệm luôn, mà không cần phải đợi đến hết 2 năm nhiệm kỳ. Ban Giám đốc VPF được HĐQT bổ nhiệm và cũng có thể sa thải bất cứ lúc nào.
Có ông Chóng, liệu có... nhanh?
Ngoài sự minh bạch, thì tính kế thừa cũng là một điều xa xỉ với bóng đá Việt Nam ở nhiều cấp độ, từ CLB đến VPF và đặc biệt là VFF. Mỗi một vị HLV hay lãnh đạo mới, khi lên làm đều chuẩn bị sẵn cương lĩnh hành động, tuy nhiên, nó không được tiếp nối ở nhiệm kỳ sau đó. Đó là lý do cơ bản khiến bóng đá Việt Nam vẫn cứ "tít mù rồi lại vòng quanh". Nên nhớ, nhiệm vụ kiếm tiền chỉ là một trong rất nhiều khâu của một “minh chủ”.
VFF thời cựu chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, người tự nhận rằng mình có năng lực quản lý đã phải mời ông Lê Hùng Dũng ngồi vào chiếc ghế Phó Chủ tịch, khi ông Dũng còn đương rất nhiều chức và ghế, với năng lực kiếm tiền tưởng như vô tận. Xong, đến khi ông Dũng lên chức Chủ tịch VFF, ông cũng phải kéo bằng được bầu Đức (chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức) ngồi cùng thuyền với mình, mà ai cũng hiểu là vì chuyện kiếm tiền.
Mặc dù tập hợp được rất nhiều hào kiệt, tuy nhiên, nhiệm kỳ VFF khoá VII lại bị cho là khá yếu kém trong việc kiếm tiền. Trở lại với VPF, đơn vị đứng ra “thầu” các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, đương nhiên, việc kiếm tiền cũng là rất quan trọng, nhưng kiếm được tiền lại chẳng phải là chuyện dễ dàng gì. Thực tế cho thấy, ngoại trừ năm đầu tiên tiếp quản công tác tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp (2012) VPF có lãi, còn lại trong 3 năm qua, Ban tổ chức giải đều chỉ thu về 70-80% mức dự thu ban đầu.
Khoan hãy bàn đến năng lực của bộ máy VPF cũng như tân Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng khi thời gian mới mang đến câu trả lời chính xác nhất. Nhưng không khó để nhận ra quá nhiều thách thức cho việc hoàn thành chỉ tiêu trăm tỷ trên. Kinh tế vẫn khó khăn, doanh nghiệp không còn mặn mà với bóng đá là khách quan, còn chủ quan là bối cảnh suy thoái chung của cả nền bóng đá nước nhà. Các đội tuyển quốc gia, U23 thi đấu không thành công, V-League, sân chơi số 1 trong hệ thống thi đấu quốc gia "gợn" với nạn bạo lực, tiêu cực và ngày càng ít khán giả tới sân.
Vậy thì phải chăng, dự thu tăng kiểu "đột biến" vừa được công bố không phải là thứ đáng để quan tâm nhất, mà quan trọng hơn là VPF (lẫn cả VFF) cần phải quan tâm nâng cao chất lượng "sản phẩm" mà mình đang kinh doanh. Bằng không, dù đã có ông Chóng, thì cũng không thể.... nhanh được.
8. Thống nhất kinh phí hỗ trợ các CLB tham dự mùa giải 2015: Hạng Nhất quốc gia là 3.379.300.000 đồng và VĐQG là 11.550.000.000 đồng. 9. Thống nhất thông qua dự thu mùa bóng 2016 là 131.135.000.000 đồng trong đó thu từ bản quyền truyền hình là 30 tỷ đồng. 10. Thống nhất thông qua dự chi mùa bóng 2016: Hỗ trợ các CLB 22,8 tỷ đồng, tiếp tục hỗ trợ VFF 10 tỷ đồng/năm. Chi phí mua sóng quảng cáo trên truyền hình cho các Nhà tài trợ là 30 tỷ đồng và chi phí tổ chức các giải đấu (Tổ chức quản lý, di chuyển, ăn ở của trọng tài, giám sát, cán bộ chuyên môn và giải thưởng). Như vậy so với thực chi hỗ trợ CLB mùa bóng 2015 thì mùa bóng 2016 tăng hơn 49,12%. (Trích: Thông cáo báo chí phiên họp thứ 4 – HĐQT Cty VPF năm 2015). Trong phiên họp vừa qua của VPF, lịch thi đấu mùa giải quốc nội 2016 cũng được ấn định. Theo đó, V.League dự kiến khởi tranh ngày 20/2/2016. Mùa giải mới sẽ bắt đầu từ trận tranh Siêu Cup ngày 14/2. Cup quốc gia bắt đầu tranh tài ngày 2/4/2016 với thể thức thi đấu có thay đổi khi các đội phải thi đấu 2 lượt trận sân nhà, sân khách bắt đầu từ vòng tứ kết. Giải Hạng Nhất quốc gia dự kiến khai mạc ngày 9/4/2016. Hiện tại, số đội tham dự vẫn chưa chốt do Cà Mau xin bỏ giải và Bình Định xin thế chỗ. |
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất