Nổi lên cùng sức mạnh: Haruki Murakami ở tuổi 60

22/12/2009 09:16 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Nhà văn Nhật Bản danh tiếng Haruki Murakami bước vào tuổi 60 thật huy hoàng: bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất của ông ngay lập tức xác lập vị trí số một trong lòng độc giả và cả trong danh sách sách bán chạy nhất của năm ở đất nước mặt trời mọc. Theo nhà văn Mỹ Roland Kelts, giảng viên ĐH Tokyo, người đã nhiều lần có dịp trò chuyện cùng Murakami, mặc dù bị ám ảnh bởi tuổi 60, nhưng dường như, tuổi tác chỉ khuyến khích chứ không hề khiến nhà văn nhụt chí. Dưới đây là bài viết của Roland Kelts, như lời chúc cho Murakami ở tuổi lục tuần.

"Thần tượng của tôi là Dostoyevsky,” Haruki Murakami nói điều này với tôi vào một buổi tối khuya năm ngoái. “Hầu hết các nhà văn càng già càng yếu đi. Nhưng Dostoyevsky khác. Ông ngày càng mạnh mẽ và vĩ đại hơn lên. Ông viết Anh em nhà Karamazov năm gần 60 tuổi. Đó là một tiểu thuyết vĩ đại.”

Đầu năm nay, Murakami sang sáu mươi. Gần đây, qua những buổi chuyện trò lan man với ông ở Mỹ và Nhật, tôi hiểu ra rằng dấu mốc này ám ảnh tâm trí ông rất nhiều. “Tôi sẽ sáu mươi, anh biết đấy,” ông thường bắt đầu như vậy. Hoặc: “Tôi gần sáu mươi rồi, vậy thì…”


Có vẻ như những năm vượt lên chính mình ấy chỉ khuyến khích chứ không khiến ông nhụt chí, nhất là mỗi khi bàn về cuốn sách ông đang viết. Murakami tự hào thông báo rằng đó sẽ là tiểu thuyết dài nhất của ông, gấp đôi tác phẩm đồ sộ Kafka bên bờ biển của năm 2002, dày 450 trang. Cuốn sách mới sẽ được in thành hai tập, sẽ hạ cánh xuống mọi hiệu sách Nhật khoảng mùa Xuân năm 2009.

Và nó đã hạ cánh - lay động mặt đất, gây sấm chớp trong giới văn chương và xuất bản Nhật.

Trong một buổi trò chuyện trực tiếp trên sân khấu mà tôi có dịp làm chủ tọa cùng Murakami tại Đại học California ở Berkeley mùa Thu năm ngoái, ông cứ nhắc đi nhắc lại bản chất “nguy hiểm” của việc viết các tác phẩm hư cấu, nhấn mạnh rằng khi viết tiểu thuyết, nhà văn “phải đi xuống một chốn mờ mịt” và “anh ta cần sức khỏe để tồn tại, để quay trở lên bề mặt.”

1Q84 đã quăng tác giả của nó xuống một chốn đen như mực. Nhan đề là vọng âm của tác phẩm phản địa đàng kinh điển 1984 của tác giả người Anh George Orwell (trong tiếng Nhật, chữ Q đồng âm với số 9). Tiểu thuyết của Orwell được xuất bản lần đầu tiên chính xác sáu mươi năm về trước, năm 1949 - chính năm Murakami chào đời tại Kyoto. Câu chuyện 1Q84 làm nổi bật các chủ đề tôn giáo, bạo lực, dục tính, lạm dụng tình dục, giết người và tự sát, với lối miêu tả nhiều thế giới song hành giờ đã là đặc thù của Murakami.

Murakami từng một lần kể với tôi rằng ông thích thay đổi giữa những tiểu thuyết ngắn nhẹ nhàng, tác phẩm phi hư cấu và loại hình ma-ra-tông đường trường tập trung vào những chủ đề đòi hỏi phải tạo ra các tác phẩm đồ sộ hơn, huyền hoặc hơn như Biên niên ký chim vặn dây cót năm 1995 và Kafka bên bờ biển. Hai sáng tác ngay sát 1Q84 đều tương đối mỏng mảnh: After Dark - cuốn tiểu thuyết bao chứa trong cốt tủy một hành động bạo liệt, tung ra những câu hỏi về bạo lực, phân biệt chủng tộc và ký ức cá nhân cũng như lịch sử - và What I Talk About When I Talk About Running - cuốn hồi ký có cấu trúc lỏng lẻo mà ông kể tôi nghe ông đã viết như tác phẩm tổng thể hoàn toàn mạch lạc - chứ không phải như một tập hợp các bài luận - nhằm kiểm nghiệm các nối kết giữa chạy và sáng tác.

“Cuốn sách không chỉ là về chuyện chạy, mà còn về một cách sống. Nó không phải là sách công cụ. Cách tôi chạy là cách tôi sống, nên cuốn sách là về các kết nối giữa sống, chạy và viết. Nhìn nhận của tôi về cuộc sống.”

Nhìn nhận của Murakami về cuộc sống dường như đã thay đổi vài năm gần đây. Người đàn ông tôi gặp lần đầu tiên hơn 10 năm về trước nghiêm nghị phản đối chính trị cũng như sự xuất hiện trước công chúng. Song tại Berkeley, California mùa Thu trước, ông phát biểu hàng giờ liền, trả lời những câu hỏi của sinh viên và ký tặng sách. Và tháng Hai vừa rồi, người xem truyền hình toàn thế giới thấy ông đứng vững chãi sau bục phát biểu ở Israel, nhận giải thưởng văn chương cao quý nhất của đất nước này, và phát biểu bằng một thứ tiếng Anh trôi chảy, vô cùng biểu cảm. Ông nói về tinh thần đối kháng của ông với mọi cuộc chiến tranh, sự đồng cảm của ông với kẻ yếu và kẻ bất đồng, cũng như niềm say mê ông dành cho sự độc đáo của tâm hồn con người. Phát ngôn mạnh mẽ và rõ ràng, từ ngữ của Murakami hòa quyện cá nhân với chính trị, siêu hình với logic, tạo nên một lập luận hùng hồn cổ súy cho tự do cá nhân và công lý.

Khi tôi hỏi ông về những thay đổi này, ông miêu tả ý thức trách nhiệm phải lên tiếng nói về thế giới của chúng ta ngày càng tăng trong ông. “Tôi cảm thấy bây giờ đó là bổn phận của tôi.”

Chắc chắn thần tượng của ông, tức tác giả Dostoevsky sống-tương đối-khắc khổ-hơn, đã chọn một phương pháp khác để cho ra đời cuốn sách vĩ đại vào cuối tuổi trung niên?

Murakami có vẻ hơi bối rối sau nụ cười rộng mở: “Tôi không biết quá trình đó xảy ra như thế nào. Tôi không nghĩ ông ấy chạy hay làm gì cả. Tôi nghĩ ông ấy uống rượu và đánh bạc. Nhưng ông ấy là một hình mẫu trên phương diện thành tựu.”

Chào mừng ông đến với lục tuần, Haruki. Bách niên giai lão.

     Một trạng thái tâm lý chung của con người trong thế giới đương đại, ấy là họ trở nên băn khoăn liệu thế giới họ trông thấy là thực hay không thực. Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ ngày 11/9/2001, những vụ tấn công ở New York trong quang cảnh hồ như không thực…

     Khi đoạn video tòa tháp sụp đổ được chiếu đi chiếu lại liên miên, vài người có thể vô thức và nhất thời cảm thấy họ đang lạc vào một thế giới lạ lùng nơi hai tòa tháp ấy không tồn tại. Họ có thể nghĩ có một thế giới nơi Tổng thống George W. Bush không tái đắc cử và cuộc chiến Iraq không bùng nổ.

     Tôi nghĩ trận động đất lớn ở Hanshin tháng Giêng năm 1995 và vụ tấn công bằng khí độc hệ thống tàu điện ngầm Tokyo tháng Ba cùng năm đó khiến nhiều người Nhật trải qua cảm thức tách biệt khỏi thực tại trước người dân các nước khác. Họ tự hỏi, "Chúng ta ở đây làm gì?".

     Các tiểu thuyết của tôi, ngoại trừ Rừng Na Uy, đều không đại diện cho những gì chúng ta gọi là thực tế, mà dường như đã bắt đầu được chấp nhận trên toàn thế giới như là các tác phẩm đại diện cho chủ nghĩa thực tế mới - đặc biệt từ sau 11/9.

     Đồng thời, tôi thích những tiểu thuyết thế tục của Honore de Balzac (1799-1850). Tôi muốn viết một "tiểu thuyết toàn diện" bằng phong cách của riêng mình, miêu tả các hoàn cảnh xã hội ngày nay từ một quan điểm ba chiều.

     Với sự phát triển của công nghệ, chúng ta có thể tiếp nhận vô số thông tin trên Internet, nhưng cũng dễ vì thế mà bị lợi dụng.

     Đúng vậy. Thế giới ngày nay hoàn toàn khác thế giới của năm 1984. Hồi ấy cũng có máy xử lý văn bản, nhưng không ai có máy tính cá nhân ở nhà. Chúng tôi phải đến thư viện để tìm kiếm thông tin mình cần. Điện thoại di động không có nên phải đợi đến lượt sử dụng điện thoại công cộng.

     Chúng tôi nghe các đĩa nhạc chơi chậm ở tốc độ 33 1/3 vòng/phút. Mọi thứ thay đổi cơ bản. Ngày nay, ai cũng có thể phát biểu ý kiểu - bất kể trái đạo lý cỡ nào - trên blog hay các thông điệp nặc danh xấu xa được tung lên khắp nơi trên mạng. Thông tin và quan điểm cá nhân có thể dễ dàng bị sao chép và tung ngược trở lại liên miên. Tốc độ và sự tiện lợi được xem trọng hơn tất thảy.

     Hồi tháng Hai tôi được trao giải Jerusalem, rõ ràng có hẳn một “cơn bão” trên mạng vì người ta cứ tranh cãi xem liệu tôi có từ chối nhận giải hay không. Thật tiếc, cuộc bàn cãi dừng ngay trước khi đào sâu chủ đề nếu tôi đi dự lễ trao giải thì rồi làm được chuyện gì.

Haruki Murakami


Thu Yến (dịch từ trannet.co.jp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link