28/03/2015 06:27 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Thông thường, các phi công lái máy bay chở khách là những người chúng ta có thể tin tưởng. Họ chào đón chúng ta ở cửa ra vào, trong bộ đồng phục chỉnh tề, tươm tất. Họ đưa ra những thông báo khiến chúng ta thấy an tâm, đưa ta tới đích an toàn và hẹn gặp lại vào lần sau.
Nhưng nay cảm giác an toàn này đã dính một đòn nặng nề, sau vụ chiếc máy bay mang số hiệu 4U 9524 thuộc hãng Germanwings (Đức) đâm vào vách núi Alps tại Pháp.
Khi hành khách thành đối tượng cần bảo vệ
Cơ quan điều tra nói rằng cơ phó Andreas Lubitz, 28 tuổi, đã cố tình khóa cửa không cho cơ trưởng vào khoang lái và sau đó hướng máy bay lao xuống. Cú va chạm với vách núi khiến cho anh ta cùng 149 hành khách khác thiệt mạng.
"Trong tương lai gần, các phi công sẽ bị nhìn nhận với một sự nghi kỵ lớn hơn một chút" - phi công John M. Cox của hãng US Airways, giờ là Giám đốc điều hành công ty tư vấn an toàn bay Safety Operating Systems, đánh giá - "Gã phi công nổi loạn này không phải là trường hợp đầu tiên và đáng buồn thay, chưa chắc anh ta là trường hợp cuối cùng".
Kể từ sau các vụ khủng bố 11/9, hoạt động an toàn hàng không thường tập trung vào việc bảo vệ các phi công khỏi hành khách. Người ta chưa có cơ chế bảo vệ ngược lại. Hành khách bị kiểm tra rất gắt gao xem có mang súng và thuốc nổ lên máy bay hay không. Tuy nhiên một số phi công lại được phép mang súng bên mình khi làm việc.
Ngoài ra các phi công thường được kiểm tra rất kỹ sức khỏe tinh thần khi tuyển dụng. Tuy nhiên khi đã được tuyển, họ ít phải thực hiện lại các bài kiểm tra này. "Hiện nay tôi cho rằng mọi người đều lo ngại" - hành khách Steve Serdachny nói khi trên đường đi từ Toronto tới Moskva - "Đi lại bằng máy bay là phương thức di chuyển an toàn, nhưng anh không thể ngăn cản những kẻ điên. Nếu ai đó định giở trò điên rồ, anh sẽ chẳng thể làm gì để ngăn việc đó cả".
Hàng loạt vụ phi công làm loạn
Nhưng bất chấp những e ngại này, hành khách rồi sẽ tin tưởng trở lại vào các phi công. Năm ngoái, các hãng hàng không trên toàn cầu đã chở 3,7 tỷ hành khách đi lại. Sự tiện lợi của hoạt động di chuyển bằng máy bay khiến người ta khó có thể từ bỏ nó.
Ngoài ra, đây không phải là lần đầu tiên một phi công nổi loạn và giết chết mọi hành khách trên máy bay. Có thể kể ra lần máy bay của hãng Japan Airlines gặp tai nạn trong năm 1982; máy bay SilkAir bị rơi vào năm 1997 và máy bay EgyptAir đâm xuống đất trong năm 1999. Các chuyên gia hàng không nói rằng tất cả những thảm kịch đó đều có nguyên nhân do phi công tự sát.
Gần đây, một cuộc điều tra sơ bộ vào vụ máy bay của hãng Mozambique Airlines đâm xuống Namibia trong tháng 11/2013 cho thấy cơ trưởng đã khóa trái cửa, nhốt cơ phó ở ngoài khoang lái. Tiếp đó ông này điều khiển máy bay đâm xuống đất, khiến 31 người thiệt mạng.
Ngoài ra còn phải kể tới vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay mang số hiệu MH370 thuộc hãng Malaysia Airlines cách đây 1 năm. Một trong những giả thuyết hàng đầu hiện nay là một trong hai phi công đã cố tình đánh cướp máy bay rồi đâm nó xuống nơi nào đó ngoài biển.
Khó tránh các trường hợp cá biệt
Hiện nay hoạt động kiểm tra sức khỏe tinh thần của các phi công diễn ra không theo một quy chuẩn nhất định. Từng hãng bay và từng nước sẽ có các kiểu kiểm tra riêng. Tại Mỹ, thị trường hàng không lớn nhất thế giới, phi công phải vượt qua một cuộc kiểm tra sức khỏe thể chất thường niên hoặc sau mỗi 6 tháng, tùy theo lứa tuổi của họ. Phi công cũng được yêu cầu phải nêu rõ xem họ có gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần hoặc thể chất không. Các hành vi giấu diếm có thể khiến phi công bị phạt tới 250.000 USD.
Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ nói rằng bác sĩ phải hỏi cánh phi công nhiều câu hỏi về sức khỏe tâm lý, trong những lần kiểm tra định kỳ này. Tuy nhiên vài phi công cho hãng tin AP biết rằng họ không nhận được những câu hỏi cụ thể như thế.
"Họ kiểm tra mắt, tai, tim phổi của anh - tất cả những bộ phận có thể suy giảm chức năng khi anh già đi. Nhưng họ chẳng động đến cái đầu của anh" - Bob Kudwa, cựu phi công hãng American Airlines cho biết.
Carsten Spohr, Giám đốc điều hành tập đoàn Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, nói rằng hoạt động kiểm tra tâm lý không nằm trong những bài kiểm tra y tế thường niên mà các phi công của hãng phải thực hiện. "Không một hệ thống nào trên thế giới có thể chống được những trường hợp cá biệt như thế" - ông Spohr nói.
Trong thảm kịch của hãng Germanwings, Lubitz đã kiểm tra sức khỏe lần cuối vào ngày 27/1 và người ta không thấy có dấu hiệu bất thường nào. Một công tố viên Pháp nói rằng không có dấu hiệu của hoạt động khủng bố trong vụ này và cơ quan điều tra đã chuyển hướng chú ý vào đời sống riêng tư của Lubitz.
Với những người bị ảnh hưởng từ thảm kịch Germanwings, cho dù Lubitz ra tay vì động cơ nào, họ cũng không thể chấp nhận được. "Một cá nhân không có quyền chấm dứt cuộc sống của hàng trăm con người và gia đình khác" - Esteban Rodriguez, một người Tây Ban Nha mất 2 người bạn trong vụ này, đau khổ nói.
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất