Tái hiện khoảnh khắc cuối cùng trên MH17

21/07/2014 07:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Những người đã trực tiếp nhìn vào vô số tấm ảnh dễ gây sốc chụp hiện trường vụ rơi chuyến bay số hiệu MH17 có thể sẽ chú ý tới một chi tiết quen thuộc: rất nhiều thi thể không còn quần áo trên người.

Với những ai chưa nhìn thấy các tấm ảnh, họ có thể biết được điều này qua các bài báo tường thuật từ hiện trường.

Những lực tác động khi rơi

Theo tường thuật của phóng viên Sabrina Tavernise của tờ New York Times, các nạn nhân gồm “một người phụ nữ gần như khỏa thân, trên người chỉ còn một chiếc áo lót màu đen”; “một người đàn ông nằm úp mặt xuống đất, chân vẫn còn tất nhưng trên người đã chẳng còn chiếc quần”; một bé trai “mặc áo phông xanh, đi giày Nike đỏ, nhưng cũng không còn quần trên người”. Vì sao lại có hiện tượng kỳ lạ này?

"Nếu quần áo không còn trên thi thể, điều này có nghĩa hành khách đã bị bắn ra khỏi ghế máy bay và bị gió, với tốc độ cực cao, lên tới hàng trăm cây số mỗi giờ, đập vào người khi họ đang rơi" - chuyên gia an toàn hàng không Alan Diehl, điều tra viên của Ủy ban An toàn hàng giao thông quốc gia Mỹ cho biết – “Tác động của những luồng gió như thế có thể dễ dàng xé rách các loại quần áo".


Hình ảnh minh họa tên lửa Buk bắn trúng MH17

Diehl cũng nói rằng chuyện xảy ra với một hành khách như trong thảm họa MH17 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc người ta ngồi trên ghế máy bay như thế nào. "Thi thể dễ dàng bị xé sạch quần áo nếu bắn ra khỏi máy bay (ở độ cao hơn 10.000 mét). Tuy nhiên thi thể sẽ còn nguyên vẹn nếu hành khách đó không tháo dây an toàn và ghế họ ngồi vẫn gắn vào một phần của máy bay như thân hoặc cánh” – ông cho biết.

Dù các nhà điều tra chưa rõ MH17 vỡ tung trên trời như thế nào, Diehl đã đưa ra phỏng đoán của riêng mình: “Nếu phần giữa thân máy bay vẫn gắn với một cánh thì nó sẽ rơi xuống đất với tốc độ 200km/h, tốc độ đó chỉ như một vụ đâm xe dưới mặt đất. Vì thế, thi thể nạn nhân cũng chịu lực phá hủy rất khác so với những người bị bắn ra khỏi máy bay”.

Tuy nhiên dù trong tình huống nào, Diehl cũng tin rằng các hành khách đã chẳng còn sống hoặc tỉnh táo để biết rằng máy bay của họ vừa trúng tên lửa. "Máy bay sẽ bị mất áp suất cực nhanh và ở độ cao lớn như thế, hành khách sẽ ngất ngay lập tức. Thực tế này, cộng với việc các hành khách phải chịu sự tác động của hàng loạt lực G khi máy bay xoay vòng và rơi xuống, khiến họ sẽ không còn biết bất cứ chuyện gì xảy ra” – ông nói.

Chết trong nháy mắt

Quan điểm này cuả Diehl cũng giống với ý kiến của nhiều chuyên gia, khi họ cố gắng giải thích xem chuyện gì đã xảy ra với MH17, ngay khi tên lửa lao trúng nó.

Justin Bronk, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Royal United Services (RUSI), cho tờ Mail Online biết rằng một quả tên lửa Buk (NATO gọi là SA-11) được thiết kế để “xé nát” máy bay ra từng mảnh.

“Việc xác máy bay trải ra trên một khu vực rộng lớn dường như đã xác nhận điều này. Tên lửa sử dụng một đầu dò để tính toán khoảng cách với máy bay. Khi còn cách chừng một vài chục mét, nó sẽ phát nổ, bắn ra vô số mảnh vỡ xuyên qua máy bay tại nhiều điểm” – ông nói – “Mảnh vỡ sẽ trúng vào phần cánh, động cơ và bình nhiên liệu, gây cháy nhiên liệu. Một chiếc máy bay cỡ lớn như thế được tăng áp bên trong để con người có thể thở dễ dàng ở độ cao lớn, nên nó sẽ phát nổ ngay lập tức. Gần như không ai trên máy bay biết được chuyện gì vừa xảy ra. Nếu không chết ngay, họ cũng sẽ bất tỉnh trong nháy mắt”.

Trên blog cá nhân, chuyên gia hàng không người Italy là David Cenciotti viết rằng tên lửa phát nổ sẽ gây giảm áp nghiêm trọng trong khoang máy bay: “Không dễ để đoán xem chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi tin máy bay đã chịu tác động từ vụ nổ, do tên lửa này chỉ phát nổ ở khoảng cách gần. Đầu đạn sẽ bắn các mảnh vỡ với tốc độ cực cao xuyên qua thân máy bay. Vụ nổ và các mảnh vỡ sẽ khiến máy bay lập tức mất áp suất, mất điện, khả năng điều khiển và bị cháy”.   

“Tại độ cao lớn như thế, ở bên ngoài máy bay nhiệt độ đã tụt xuống khoảng -50°C. Với một lỗ thủng lớn ở thân và tốc độ hơn 800km/h, hành khách không thể nào sống sót nổi. Chúng tôi không biết phi hành đoàn có sống sót sau vụ nổ không dù nhiều khả năng họ sẽ bất tỉnh rất nhanh” – ông đánh giá.

Còn theo James Vosswinkel, người từng lãnh đạo nhóm nghiên cứu về vụ nổ máy bay mang số hiệu TWA 800 ở New York vào năm 1996, thì sức công phá của tên lửa và tình trạng giảm áp đột ngột làm cho các hành khách chết hoặc bất tỉnh ngay lập tức. Về cơ bản trong những vụ nổ máy bay như MH17, mọi hành khách đều phải chịu các lực tác động chết người, không cần biết họ ngồi ở đâu trên máy bay. “Đó là biến cố mà không ai có thể sống sót” – Vosswinkel cho biết.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link