Xin chào những chuyến xe dễ thương của người Sài Gòn
Dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn những ngày đầu tháng 3, ông Nguyễn Duy Long (69 tuổi) ngồi nép mình vào quán nước, tay lọ mọ lướt đọc những dòng tin nhắn trên điện thoại rồi chờ đợi từng cuốc xe.
8 năm qua, hình ảnh cái ông già cao cao, gầy gầy, ngày ngày vẫn ngồi đợi nhận hàng để chở cho khách dù đôi chân bị liệt hoàn toàn đã trở nên quen thuộc với người dân khu vực bến xe Miền Đông. Khác với những tài xế khỏe mạnh, ông Long đến với nghề shipper như một cái duyên trời định, buộc ông gắn phần đời còn lại của mình trên những chuyến xe.
Bị liệt từ năm 1 tuổi, ông Long đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực khi bị bạn bè trêu chọc, dè bỉu bởi đôi chân không lành lặn. Vượt qua nỗi mặc cảm của bản thân, nhìn lại những người có hoàn cảnh giống như mình, ông Long lao vào đời để kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau từ làm mộc, thạch cao, đi bán vé số… rồi cuối cùng, ông trở thành shipper rồi gắn bó với nó.
“Chú nghĩ dù đôi chân của mình đã liệt nhưng vẫn còn đôi tay, còn sức khỏe nên muốn làm việc gì đó để không phải là gánh nặng của gia đình. Nhiều người khuyết tật cứ ỷ lại vào gia đình vì họ sợ này sợ kia, chú thì khác, tự lo được quen rồi, phải sống sao có ích cho xã hội. Đôi khi chú thấy nhiều người tay chân lành lặn mà đi lừa gạt người khác, nghĩ buồn lắm”, ông Long trầm ngâm.
Mỗi ngày, từ 6h sáng, sau khi đưa con đi học, ông Long lại ngồi chờ đơn ở quán cà phê quen gần bến xe Miền Đông. Nhiều hôm ế khách, từ sáng đến chiều vẫn không có nổi một cuốc giao hàng, ông lại lủi thủi quay về nhà. Tuy công việc vất vả, bấp bênh nhưng chưa bao giờ ông Long có ý định từ bỏ.
“Mấy lúc ế, chú mở mạng lên để đọc báo, tin tức…, đọc để mình quên đi, đừng suy nghĩ về cái nhọc nhằn của công việc. Được lao động, nhiều hay ít chú không cần biết, có cuốc xe để chạy là mừng rồi”, ông Long cười nói.
Dù mỗi ngày, số tiền kiếm được từ những cuốc xe giao hàng không nhiều, có khi lại thiếu trước hụt sau trong những khoản chi tiêu bắt buộc của cuộc sống nhưng gặp ai khổ hơn mình, là ông Long lại san sẻ, giúp đỡ. Bởi theo ông Long, nhìn lên trên ông không bằng ai nhưng nhìn xuống dưới, còn rất nhiều người khổ hơn ông rất nhiều. Nên là giúp được là ông dốc hết lòng dạ ra để giúp.
“Cứ đi đâu mà nghe nói làm từ thiện là chú mừng lắm. Mấy chỗ từ thiện hay nhờ chở đồ, chú đều không có lấy tiền. Bất kể chuyện gì trên đời này, khi nhận làm từ thiện là tâm hồn chú tự nhiên vui lắm, quên hết mọi chuyện. Giúp được cho mọi người là thấy hạnh phúc rồi, chứ mình đi lừa gạt thì cuộc sống này vô nghĩa.
Sống là phải hồn nhiên, không lam lam, nếu suy nghĩ được không tham lam thì sẽ qua hết mọi thứ, không còn sợ gì nữa. Chú vô tư đón nhận mọi thứ, chứ cứ sợ ngày mai đói, chết thì tối ngày cứ lo sợ, vậy đâu còn là cuộc sống nữa”, ông Long chia sẻ.
Sau 8 năm gắn bó với nghề shipper, điều ông Long nhận được chính là sự yêu mến của tất cả mọi người, từ khách hàng đến những anh em đồng nghiệp. Nhiều lúc gặp khách hàng khó tính, ông Long luôn tự nhủ phải kiên nhẫn, chiều ý khách hàng, lấy nụ cười hiền hậu để làm dịu sự bực tức, khó chịu của khách. Đổi lại có những khách hàng dễ thương, phụ giúp ông bưng bê hàng hóa lên xuống xe, rồi lâu lâu còn gửi thêm tiền bo, mua card điện thoại gửi tặng. Đó là cái tình người mà ông Long nhận được, khiến ông quên đi nỗi nhọc nhằn của công việc mưu sinh.
“Chú không sợ cực khổ, chú chỉ sợ một số người nữ đi xe tay ga mà cứ xấn vô đầu xe rồi đâm đít xe của chú, bị hoài à”, ông Long cười hóm hỉnh.
Có lẽ với ông Long, nghề shipper là niềm vui, hạnh phúc mà ông trời đặt để cho những năm tháng còn lại của cuộc đời. Dù cho đôi chân của ông không lành lặn như bao người nhưng được sống, được làm công việc thiện lương, ông đã cảm thấy đủ đầy và trọn vẹn.
Cũng giống như ông Long, 6 năm nay, chú Lê Văn Đức (52 tuổi) đã bén duyên với nghề shipper bằng xe ba gác. Rồi dần dần, chú Đức “quen mặt” với các sinh viên chuyển trọ xung quanh khu vực TP. Thủ Đức bởi những cuốc xe đặc biệt của mình. Với học sinh, sinh viên, chú Đức chỉ nhận lời cảm ơn chứ không lấy tiền, nghĩ cũng lạ hen!
Trong căn nhỏ nằm sâu trong con hẻm đường Nguyễn Văn Tăng, chú Đức cặm cụi lau chiếc xe ba gác cũ rồi tự cười mình ên. Sau một lần cưa cây bị đứt xương tay, cái duyên với nghề chạy xe ba gác tự tìm đến với người đàn ông U50.
“Lúc đầu mới chạy xe chú bỡ ngỡ lắm nhưng chạy riết rồi quen, khách hàng cũng biết đến mình rồi kêu. Cái nghề này vất vả, ra đường phức tạp, xe cộ lại đông nhưng nghề đã chọn chú rồi, không bỏ được. Nhiều khách thấy chú cũng thương, chạy cho người nào là người đó thành mối luôn, còn giới thiệu khách cho chú nữa”, chú Đức vui vẻ kể.
Chỉ tay vào tấm bảng “chuyển trọ miễn phí cho sinh viên”, chú Đức cho biết hơn 3 năm qua, việc làm này đã thực sự khiến cuộc sống của chú Đức thêm phần ý nghĩa.
“Chú thấy sinh viên đáng tuổi con mình, đi học thì làm gì ra tiền mà mỗi lần chuyển trọ, thuê chở đồ tốn kém lắm nên thà chú bỏ ra 50-100 ngàn đổ xăng để chở giúp, nó không đáng là bao chứ để tụi nó kêu xe ngoài cũng mất 400-500 ngàn, tội lắm. Với học sinh, sinh viên chú Đức không có lấy tiền, chở miễn phí hết luôn”, chú Đức tâm sự.
Từ ngày dán bảng “chuyển trọ miễn phí”, chú Đức bỗng trở nên nổi tiếng trong mắt các bạn sinh viên. Hễ có nhu cầu chuyển trọ, các bạn lại nhờ chú Đức phụ giúp.
“Có đứa nó xưng là sinh viên nhưng có đứa không chịu nhận, cứ bảo đi làm rồi để trả tiền cho chú. Mà chú nhìn cái bàn học, đồ dùng của nó là chú biết, gặng hỏi một chút là nó nhận nó sinh viên liền hà. Chú bảo rồi, là sinh viên thì chú không có lấy đâu.
Nhiều đứa dễ thương lắm, chú đến loay hoay khiêng đồ, rồi chạy đi mua nước cho chú. Làm vậy mà vui, chú nhận lời cảm ơn được rồi chứ tiền bạc nhất quyết chú không nhận”, chú Đức chia sẻ.
Vừa nhận được cuộc điện thoại của sinh viên cần chuyển trọ, chú Đức vội lên xe tìm đến địa chỉ khu trọ. Đi được nửa đoạn đường, tiếng chuông điện thoại lại vang lên của một người khách hàng cần chuyển đồ, thế nhưng chú vội từ chối, hẹn lại thời gian khác vì muốn “ưu tiên cho sinh viên”.
“Nhiều lần đang chở đồ cho sinh viên như này thì khách gọi, nếu gặp khách quen thì chú hẹn lại, nói để từ từ chở cho sinh viên chứ ngày mai nó mắc học rồi, chở xong rồi chú mới qua được. Còn khách lạ thì nhiều người nghe chú nói vậy cũng thông cảm, biết chú chở miễn phí cho sinh viên thì họ vui vẻ lắm, trường hợp nào gấp quá thì họ mới kêu xe khác thôi”, chú Đức hào hứng kể.
Mặc dù cuộc sống của chú Đức vẫn còn nhiều khó khăn khi chú là trụ cột gia đình, phải chăm sóc mẹ già và nuôi con còn ăn học nhưng với chú, những cuốc xe giúp chuyển trọ cho sinh viên chẳng đáng là bao, nào các bạn sinh viên cần lắm mới nhờ vả nên lúc nào chú cũng sẵn sàng hỗ trợ.
“Đổi lại, cuộc sống của chú vui hơn, mấy đứa sinh viên gọi tới nói là bạn con giới thiệu chú Đức hay con thấy chú Đức trên đường nên gọi. Vợ chú cũng động viên chú hễ giúp được gì cho tụi nó là cứ giúp, chú thấy hạnh phúc, thoải mái lắm, cuốc xe nó có đáng là bao mà chú đổi lại được một mớ nụ cười”, chú Đức nói.
Trong hơn 3 năm trở thành cầu nối giúp sinh viên chuyển trọ miễn phí, chú Đức luôn cảm thấy áy náy khi đã lỡ từ chối 2 cuốc xe của sinh viên.
“Lúc đó chú rối lắm, khách kêu chở rồi đến sinh viên kêu, mà bạn sinh viên đó ở Tân Phú lận. Đắn đo một hồi chú mới từ chối, nếu chú đang rảnh thì xa mấy chú cũng đi, đằng này khách hẹn trước rồi mà cuốc đó lại xa quá.
Từ chối xong chú thấy trong lòng nó kỳ lắm, cứ áy náy sao ấy. Tụi sinh viên nó khó khăn, nó cần mình nó mới gọi, vậy mà chú lại từ chối như vậy. Dù biết là trong tình thế bất đắc dĩ, đang vận chuyển hàng cho khách nhưng trong lòng vẫn buồn”, chú Đức trầm ngâm.
Tiếng chuông điện thoại vang lên, hớp vội ngụm trà, chú Đức lại lên chiếc xe ba gác cũ, nổ máy rồi lại tiếp tục công việc mưu sinh. Có thể một vài ba năm nữa, vì một lý do nào đó, chú Đức sẽ không tiếp tục công việc nhưng hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi, hiền queo, gặp sinh viên là tươi cười giúp đỡ, chuyển trọ miễn phí chỉ đổi lấy lời cảm ơn sẽ còn mãi trong trí nhớ mọi người.
Tạm khép lại câu chuyện về những nam tài xế, đâu đó trên các nẻo đường ở Sài Gòn vẫn xuất hiện bóng dáng của những tài xế nữ. Tuy họ không khỏe mạnh, dẻo dai như cánh mày râu nhưng bằng một cơ duyên nào đó, họ chọn chiếc xe làm bạn đồng hành, làm cần câu cơm giúp họ tiếp tục cuộc sống.
Chị Huỳnh Ngọc Hạnh (34 tuổi, ngụ quận 6) mở đầu câu chuyện bằng nụ cười hóm hỉnh. Hơn 7 năm làm nghề chạy xe ôm công nghệ, chị Hạnh đã trải qua không ít lần “dở khóc dở cười”. Từ chuyện lạc đường, hư xe đến những cuốc nhầm địa chỉ, boom hàng, tiếp đón những khách say xỉn…
“Người ta hay nghĩ xe ôm thì thường là đàn ông nên một số khách đặt xe thấy em là nữ là hủy cuốc luôn. Có khách lịch sự điện thoại rồi xin phép cho khách được hủy vì ngại, nhưng cũng có khách vừa đặt xong là hủy liền. Em không biết có phải do mình là nữ hay không, nhiều lúc em cứ nghĩ chắc do khách bấm nhầm địa chỉ rồi hủy thôi”, chị Hạnh vui vẻ nói tiếp.
“Cũng có nhiều khách thấy em đến đón là giành tay lái, tự nhiên kế em được chở luôn. 7 năm qua, cái nghề này khiến cuộc sống em thay đổi nhiều lắm”.
Là một người mẹ đơn thân, trước khi bén duyên với nghề xe ôm công nghệ, chị Hạnh từng trải qua khoảng thời gian đi làm công nhân. Nhưng vì không chủ động được giờ giấc, con nhỏ hay đau ốm nên sau khi được người quen giới thiệu, chị Hạnh đánh liều chuyển mình sang chạy GrabBike.
“Lúc đầu chạy em gặp nhiều khó khăn lắm, phần thì chưa biết dùng app, không rõ đường đi, giao tiếp với khách hàng cũng khó, đặc biệt là khách nước ngoài. Nhưng nghề dạy mình mà, riết rồi em cũng quen, được cái công việc này giúp em có đồng ra đồng vô mỗi ngày, 7 năm qua, cuộc sống của em thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nhờ xe ôm công nghệ, em có thêm nhiều bạn bè, lo cuộc sống cho bản thân và gia đình cũng tốt hơn”, chị Hạnh nói.
Bắt đầu công việc từ sáng sớm, kết thúc vào lúc 8-9h tối, hơn 10 tiếng làm việc ngoài đường với nhiều bất tiện từ việc ăn uống, đi vệ sinh, nhiều lúc chị Hạnh nghĩ đến việc dừng lại công việc mặc định không dành cho nữ này. Nhưng nghĩ đến con cái, chị quyết tâm bám trụ.
“Ai cũng hỏi em là phụ nữ sao không chọn cái nghề dễ dàng làm mà chọn đi nắng đi mưa, suốt ngày rong ruổi ngoài đường. Chưa kể lúc hư xe, lủng bánh, đi vô các đoạn đường vắng nguy hiểm. Có vài lần khách đi xe còn hay đụng chạm, em cũng phải cư xử khéo léo để không làm khách phật lòng, tự biết điểm dừng”, chị Hạnh tâm sự.
Trong suốt quá trình làm nghề chạy xe ôm công nghệ, điều mà chị Hạnh buồn nhất là những lần khách âm thầm hủy cuốc. Nhiều lần chạy xe đến địa điểm đón, mở app ra mới biết khách đã hủy từ lâu.
“Nếu lỡ khách có hủy thì nói em một tiếng, em cũng vui lòng chứ đừng âm thầm hủy như vậy, em buồn lắm. Thà cho em một lý do để em đừng tới đón, chứ khi tới rồi lại hủy. Mỗi cuốc xe với những tài xế như em rất quan trọng nên em mong là khách khi đặt xe trúng tài xế nữ rồi thì đừng hủy cuốc mà hãy tin tưởng tài xế. Chứ mỗi cuốc xe là một hi vọng, khách mà hủy cuốc không lý do sẽ khiến tụi em bị mất tỷ lệ đạt thưởng, mất khả năng nổ cuốc những chuyến sau nữa”, chị Hạnh chia sẻ.
Cũng giống như chị Hạnh, trong 7 năm làm nghề đưa rước khách bằng xe ôm công nghệ, chị Vũ Thị Lệ Uyên (43 tuổi, quê Đồng Nai) gặp không ít trường hợp khách hàng hủy cuốc vì thiếu sự tin tưởng ở tay lái của những nữ tài xế GrabBike.
“Nếu lỡ mọi người có đặt xe trúng tài xế nữ, đừng có suy nghĩ là tay lái nữ yếu. Một khi nữ bước chân ra đường làm cái nghề này rồi thì không có yếu tay lái đâu, đừng có hủy cuốc xe mà tội nghiệp…
Tụi chị tìm một cuốc xe rất là khó, ở trên điều phối mỗi người một cuốc xe, lỡ như bị hủy cuốc là tài xế bị ảnh hưởng đủ thứ. Nhiều khách hàng nam hay ngại vấn đề ngồi đằng sau phụ nữ, để cho phụ nữ chở nhưng chắc mấy anh thấy mình là hết ngại”, chị Uyên vừa cười vừa nói.
Theo chị Uyên, cái khó khăn lớn nhất của những tài xế nữ là gặp phải những khách hàng say xỉn, có hơi men trong người. “Người ta ngồi rất là khó, không có vững, rồi nhiều khi lý trí khách không làm chủ được, đôi khi lại này nọ khiến chị khó chịu. Nhưng đã làm nghề phục vụ khách hàng mà, chị cũng phải khéo léo để khách hiểu, không làm tổn hại cả 2 bên.
Nhiều khách chị tới đón, khuyên họ đi GrabCar nhưng họ không chịu, rồi có trường hợp tự nhiên khách lại cáu gắt với mình, có thể lúc đó khách đang có điều gì đó không vui, chị cũng cố gắng để làm hài lòng khách”, chị Uyên tâm sự.
Dù công việc vất vả, ra đường từ sáng đến tối, đôi khi gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười, khách hàng khó tính nhưng chị Uyên vẫn cố gắng bám trụ với nghề. Như bao nhiêu người phụ nữ khác, bản thân chị Uyên hay chị Hạnh đều muốn một tổ ấm gia đình trọn vẹn, được sự yêu thương của chồng con, nhưng vì hoàn cảnh khiến cả 2 làm mẹ đơn thân. Điều mà hai chị quan tâm nhất chính là sức khỏe của bản thân để có thể tiếp tục bươn chải, lo cho gia đình nhỏ của mình.
“Là nữ mà, chị cũng sợ đen, sợ xấu lắm chứ nhưng đã chọn nghề này rồi thì phải mạnh mẽ, sức khỏe mới là điều quan trọng nhất. nếu không có sức khỏe thì chẳng làm được gì cả, về sắc vóc thì sau này mình có tiền, mình làm sau”, chị Uyên cười đùa.
“Nhiều người bạn nói sao em chạy riết càng ngày càng đen. Nhưng em nghĩ như vầy, cuộc sống của mình mà, mình không lo được cho mình thì ai lo, mình không kiếm tiền thì ai giúp mình kiếm tiền đây? Mình có đen cũng là thân thể của mình, mình đen cũng là tên đó còn mình trắng cũng là tên đó, chớ không ai đổi khác được. Em chỉ lo cho sức khỏe thôi, còn xấu đẹp với em nó không quan trọng, nếu ai cũng nghĩ xấu đẹp thì sao dám ra đường để chạy xe”, chị Hạnh vừa nói vừa chỉ vào phần cánh tay cháy nắng của mình.
Cũng giống như chị Hạnh, trong 7 năm làm nghề đưa rước khách bằng xe ôm công nghệ, chị Vũ Thị Lệ Uyên (43 tuổi, quê Đồng Nai) gặp không ít trường hợp khách hàng hủy cuốc vì thiếu sự tin tưởng ở tay lái của những nữ tài xế GrabBike.
“Nếu lỡ mọi người có đặt xe trúng tài xế nữ, đừng có suy nghĩ là tay lái nữ yếu. Một khi nữ bước chân ra đường làm cái nghề này rồi thì không có yếu tay lái đâu, đừng có hủy cuốc xe mà tội nghiệp…
Tụi chị tìm một cuốc xe rất là khó, ở trên điều phối mỗi người một cuốc xe, lỡ như bị hủy cuốc là tài xế bị ảnh hưởng đủ thứ. Nhiều khách hàng nam hay ngại vấn đề ngồi đằng sau phụ nữ, để cho phụ nữ chở nhưng chắc mấy anh thấy mình là hết ngại”, chị Uyên vừa cười vừa nói.
Theo chị Uyên, cái khó khăn lớn nhất của những tài xế nữ là gặp phải những khách hàng say xỉn, có hơi men trong người. “Người ta ngồi rất là khó, không có vững, rồi nhiều khi lý trí khách không làm chủ được, đôi khi lại này nọ khiến chị khó chịu. Nhưng đã làm nghề phục vụ khách hàng mà, chị cũng phải khéo léo để khách hiểu, không làm tổn hại cả 2 bên.
Nhiều khách chị tới đón, khuyên họ đi GrabCar nhưng họ không chịu, rồi có trường hợp tự nhiên khách lại cáu gắt với mình, có thể lúc đó khách đang có điều gì đó không vui, chị cũng cố gắng để làm hài lòng khách”, chị Uyên tâm sự.
Nói về những dự định tương lai, chị Hạnh cho biết vẫn sẽ tiếp tục với công việc chạy xe ôm công nghệ, tuy nhiên bản thân sẽ chú ý đến sức khỏe hơn, vì bản thân có sức khỏe, chị mới gìn giữ được hạnh phúc còn lại cho tổ ấm nhỏ của mình.
“Em chỉ muốn nhắn nhủ đối với những tài xế, đặc biệt là chị em phụ nữ, điều quan trọng nhất là phải có sức khỏe, phải vững tay lái, giữ được an toàn cho khách và cho chính bản thân mình.
Đừng vì một cuốc xe gấp rút mà chạy nhanh để xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Em cũng mong là khi ra đường, mọi người có ý thức hơn khi tham gia giao thông, đằng nào cũng về tới nhà nên đừng phóng nhanh, vượt ẩu. Nhiều lúc kẹt xe, lỡ các tài xế có trễ hàng, đón khách chậm thì cũng mong các khách hàng thông cảm, đừng hối tài xế mà tội nghiệp”, chị Hạnh trải lòng.
Mở hộp cơm trưa mang theo, chị Hạnh cùng chị Uyên chia nhau phần đồ ăn có được, tranh thủ nghỉ ngơi một chút trước khi tiếp tục công việc. Trong một góc nhỏ của quán cà phê ven đường, cả 2 cười đùa vui vẻ rồi kể cho nhau nghe về những cuốc xe gặp phải trên đường.
Tạm quên đi những nỗi nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh, công việc chạy xe ôm công nghệ thật sự đã mang lại cho chị Uyên, chị Hạnh nhiều niềm vui mới. Nhờ có công việc, 2 người mẹ đơn thân đã có thêm nhiều anh chị em, bạn bè thân thiết, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, nó chẳng khác gì ngôi nhà thứ 2 để giúp hai chị có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Hi bác tài - những câu chuyện nho nhỏ được kể lại trong bức tranh muôn màu của cuộc sống về những người tài xế. Dù họ là ai, không phân biệt giới tính, tuổi tác, họ đã chọn làm bạn đồng hành trên những chuyến xe theo một cách riêng biệt. Cảm ơn các bác tài đã tô điểm cho bức tranh cuộc sống thêm phần sống động, lan tỏa nghị lực sống và tình yêu thương giữa con người dành cho nhau.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất