06/09/2014 15:56 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Việc đào tạo trẻ hiện nay trong thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt nói riêng được nhà báo Hồng Ngọc ví với việc ngành chăn nuôi khai thác con giống từ tự nhiên mà chưa chủ động trong việc tạo con giống bằng sinh sản nhân tạo.
Cà phê thể thao: Chào anh Hồng Ngọc! Thể thao Việt Nam đang chứng kiến những hiện tượng thú vị về đào tạo trẻ, chứng tỏ chúng ta có thể thành công với nó nếu đầu tư một cách bài bản: đội tuyển U19 với nòng cốt là Học viện HAGL Arsenal JMG, và kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên.
Hồng Ngọc: Tôi tôn trọng những gì mà Học viện của HAGL đã làm, cũng như những gì đã đưa Ánh Viên lên tầm cao. Nhưng nó cũng giống như việc chúng ta nuôi trồng thủy sản nhờ may mắn bắt được giống trong tự nhiên vậy.
Tôi chưa hiểu phép ví von của anh?
Có 3 nấc thang của tiến hóa. Ở nấc thứ nhất là khai thác tự nhiên thuần túy. Nấc này thì không chỉ con người, mà con vật cũng làm được. Bắt được cá thì ăn, hái được quả thì chén. Nấc thứ hai là khai thác tự nhiên có tính chủ động, mà chỉ con người mới làm được. Chúng ta không chỉ bắt gà ngoài tự nhiên, mà chúng ta thuần hóa, nuôi gà từ nhỏ. Nấc này mới chỉ đánh dấu con người vừa tiến hóa khỏi người vượn thành người. Nấc thứ ba là khai thác tự nhiên chủ động cao. Con người không chỉ thuần hóa để nuôi nó làm thịt, mà còn cho nó sinh đẻ để có gà giống theo ý mình, để muốn nuôi bao nhiêu cũng được, chừng nào việc nuôi còn có giá trị. Đó là nấc của con người văn minh, xét từ phương diện sản xuất.
Sao anh nghiêm trọng hóa nấc hai và nấc ba thế? Nuôi được gà thì nó sẽ đẻ trứng và ấp nở thôi?
Với gà thì có vẻ là dễ, nhưng có vô số loài mà việc sinh đẻ của nó là việc con người không dễ chủ động được, đặc biệt là các loài thủy sản nước lợ và nước mặn. Ta thuần hóa và nuôi nó, nó chỉ lớn mà không đẻ. Phải ở môi trường tự nhiên, như trong điều kiện dòng chảy mạnh, nơi gặp gỡ giữa các dòng thủy lưu… nó mới sinh đẻ. Con người không thể ăn thịt gà, thịt lợn mãi mà còn thích ăn tôm hùm, nhưng khổ nỗi là ở Việt Nam hiện nay chúng ta chưa cho tôm hùm sinh sản nhân tạo được, nên để có tôm hùm giống mà nuôi thì ngư dân phải lặn ngoài biển mà tìm, và một phần vì thế mà tôm hùm rất đắt. Trong khi việc nuôi trồng tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh phát triển rất mạnh vì chúng ta đã cho sinh sản nhân tạo được con giống.
Có vẻ anh định ví với việc đào tạo trẻ của thể thao Việt Nam giống như… nuôi tôm hùm?
Đúng thế! Chúng ta bắt gặp Ánh Viên ở một giải phong trào khi đã 15 tuổi, rồi “bắt” về “nuôi”. Học viện HAGL Arsenal JMG “giăng” một mẻ lưới để “bắt” được hai chục cầu thủ trẻ đã 11-12 tuổi, đem về “nuôi”. Vậy nếu không tình cờ “bắt” được Ánh Viên thì sao? Mẻ lưới mà HAGL “giăng” không vét được Công Phượng, Xuân Trường thì sao?
Chúng ta không làm gì cho đến khi Ánh Viên 15 tuổi cả, và cũng không làm gì khi Công Phượng, Xuân Trường 11 tuổi cả. Nó không khác gì với việc chúng ta khai thác con giống ngoài tự nhiên về nuôi mà không chủ động được sinh sản nhân tạo ra con giống, như việc nuôi tôm hùm ở Việt Nam hiện nay. Có điều là sản phẩm đào tạo của chúng ta dù khan hiếm nhưng chưa chắc đã có giá trị kinh tế như tôm hùm mà có khi chỉ ngang giá với tôm đất, trên thị trường thế giới.
Nhưng thể thao là hoạt động xã hội, nó đâu phải là việc nhân giống động thực vật?
Con người vượt lên trên con vật là nhờ ý thức, giúp nó chủ động, sáng tạo trong mọi việc, dù là hoạt động xã hội. Có điều với việc nhân giống động thực vật, một cá nhân có thể chủ động được, còn với hoạt động xã hội, một cá nhân không quyết định được hoàn toàn. Nó cần có chiến lược, có thể chế, và có nỗ lực tập thể.
Việc “chủ động con giống” trong thể thao, anh định nói về thể thao phong trào hay thể thao học đường?
Anh đã “đọc” được ý tôi. Với tôi là cả hai. Thể thao phong trào là cái gốc để xây dựng tình yêu thể thao của mọi người dân. Phải chơi thể thao thì mới yêu nó thật sự. Ý nghĩa của nó thì rõ ràng rồi: tăng cường hoạt động thể chất giúp mọi người khỏe mạnh, tăng năng suất làm việc và giảm chi phí y tế; tăng thêm ý thức tập thể và rèn luyện sự cao thượng để xây dựng cộng đồng lành mạnh.
Nó cũng là cầu để tạo ra cung về sân chơi thể thao, nếu như ngành quy hoạch chưa chủ động trong việc tạo mặt bằng cho sân bãi. Gần đây tôi có thấy những bức ảnh về bóng đá “phủi”, hay bóng đá phong trào ở Hà Nội, nó thậm chí có sức hút với khán giả hơn rất nhiều trận ở V-League, bởi vì nó là bóng đá của cộng đồng và từ cộng đồng.
Khi thể thao phong trào phát triển thì các bậc phụ huynh mới ý thức đầy đủ tầm quan trọng của thể thao, dẫn đến việc họ có nhu cầu cho con em mình chơi thể thao, chứ không đơn thuần là học, học gạo, và học gạo. Khi trẻ em chơi thể thao thì mới sinh ra tài năng thể thao.
Chúng ta đang nói về những Ánh Viên, Công Phượng, nhưng chúng ta đã không được nói đến rất nhiều những cá nhân khác lẽ ra có thể thành những Ánh Viên, Công Phượng hay hơn thế nữa, chỉ vì họ đã không được chơi hoặc chơi không đủ nhiều để được phát hiện tài năng.
Nhưng “quần chúng” và “học đường” là việc của số đông. Trong khi anh đang nói về sự chủ động của con người, và có vẻ như anh tự mâu thuẫn?
Câu hỏi hay!
Đám đông thì đa số thiếu chủ kiến và bị dẫn dắt, nên sinh ra những nhà lãnh đạo, thậm chí lãnh tụ. Sự chủ động tôi muốn nói tới ở đây là của những nhà lãnh đạo, họ cần vạch chiến lược và xây dựng đường lối phát triển.
Nhưng là nhà lãnh đạo nào? Chúng ta thường quan niệm đó là người lãnh đạo ngành thể thao, hay ông Chủ tịch Liên đoàn bóng đá. Và hình như chính các vị đó cũng nghĩ như thế, nên mọi việc bế tắc. Để thoát khỏi bế tắc, cần có sự cởi trói về chính sách, và sự đồng bộ với các lĩnh vực liên quan.
Thể thao là hoạt động cộng đồng, và vì thế nó phải tụ tập đông người, đặc biệt là khi cổ vũ thi đấu. Nếu chúng ta còn hạn chế tụ tập đông người ngoài những trường hợp “cho phép” thì thể thao phong trào còn bị hạn chế phát triển.
Thể thao thì phải có sân chơi, đó không đơn thuần là việc của ngành thể thao, mà còn là của quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch trường lớp.
Chơi thể thao cũng cần có thời gian. Tại học đường, nó cần là một phần quan trọng mà lịch học tập phải tính đến để phù hợp. Mỗi tuần 2-3 tiết thể dục thì không thể tạo ra nền thể thao học đường. Và nếu cuối tuần lại phải đi học thêm các môn chính khóa nữa thì cũng không thể có thể thao học đường. Đó là vấn đề của ngành giáo dục, đào tạo.
Để giải quyết đồng thời tất cả các vấn đề trên, tôi e rằng đó không phải là việc riêng của nhà lãnh đạo thể thao, quy hoạch, hay giáo dục, mà cần tới một chiến lược quốc gia, và có ít nhất một nhà lãnh đạo cao cấp chủ trì và đôn đốc thực hiện.
Đến cà phê cũng cần chiến lược quốc gia cơ mà! Hẹn anh bàn “chuyện chiến lược” cuối tuần sau nhé !
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất