Ông Nguyễn Sỹ Hiển, Chủ tịch HĐ HLV QG: “BĐVN giờ mới chỉ là tiêu tiền và làm thương hiệu”

21/01/2011 13:22 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Từ góc nhìn của một người đã và đang tham dự đủ mọi vai trò trong nền bóng đá VN, từ cầu thủ, HLV cho tới nhà quản lí, ông Hiển cho rằng bóng đá VN hiện tại mới chỉ là tiêu tiền và đánh bóng thương hiệu mà thôi.

* Thưa ông, trước tiên ông đánh giá như thế nào về cuộc đua đến chức vô địch ở V-League 2011? Ông có nghĩ HN.T&T sẽ bảo vệ được danh hiệu ĐKVĐ?

- Tôi nghĩ là khó đấy, và chắc chắn cuộc đua đến chức vô địch năm nay không chỉ có riêng HN.T&T. Tôi thấy rất nhiều đội bóng dù công khai tuyên bố mục tiêu vô địch, nhưng lại chuẩn bị âm thầm một cách kỹ lưỡng, nhất là những đội chưa vô địch lần nào. Ngoài những cái tên truyền thống thì còn có thể kể ra một số ứng viên tiềm năng như V.Ninh Bình, Navibank SG hay không ít đội bóng khác nữa.

* Năm ngoái, ngay sau lượt đi, 2 suất đi đá play-off và xuống hạng coi như đã ngã ngũ vì Nam Định và Navibank SG quá yếu? Năm nay ông có nghĩ kịch bản sẽ lặp lại, chẳng hạn như với HN.ACB, đội bóng gần như chưa có sự đầu tư đáng kể nào từ lúc đoạt vé thăng hạng?

- Tôi nghĩ kịch bản này không dễ để xảy ra. Chẳng hạn HN.ACB dù mới quay lại V-League thật nhưng cũng chưa biết thế nào, vì “đường dài mới biết ngựa hay”, V-League đã chứng kiến nhiều đội bóng chơi phập phù ở nửa đầu mùa giải nhưng ở giai đoạn sau thì vọt lên mạnh mẽ. Chẳng hạn cả 2 lần ĐT.LA đoạt chức vô địch năm 2005 và 2006 đều có kịch bản như vậy, nhưng trường hợp của ĐT.LA cũng là chuyện hiếm có.

* HA.GL hay ĐT.LA đều từng là mô hình kiểu mẫu của V-League ở thời kỳ “khởi thuỷ” của bóng đá chuyên nghiệp, nhưng mấy năm qua họ lại án binh bất động. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi cho rằng bây giờ cả HA.GL và ĐT.LA đều có những mối quan tâm khác lớn hơn bóng đá. Vả lại, việc đánh bóng thương hiệu thông qua bóng đá họ cũng đạt rồi, chức vô địch V-League thì cũng đã có, cho nên nếu giờ lại đầu tư tiền để mua ngôi sao thì lại tốn kém, mà cũng có trường hợp mua rồi nhưng không thành công và lại nảy sinh rắc rối nội bộ. Bởi thế, khát khao của họ không thể bằng những đội chưa vô địch. Có đội giờ quay qua chăm chút cho đào tạo trẻ, có đội lại bán hết ngôi sao, thế thì khó mà có vị trí cao.


 Ông Nguyễn Sỹ Hiển cho rằng bóng đá VN hiện tại mới chỉ là tiêu tiền và đánh bóng thương hiệu mà thôi

*Ở giải Ngoại hạng Anh, Manchester United vô địch nước Anh tới 18 lần, nhưng vẫn hừng hực quyết tâm, còn tại V-League, đội nào nhiều nhất cũng chỉ vô địch 2 lần rồi là hết động lực. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Man Utd với bóng đá Anh là cả một truyền thống. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như lực lượng cầu thủ, hay chế độ lương thưởng hậu hĩnh.

*Nhưng cầu thủ ở VN bây giờ cũng nhận mức thu nhập rất cao so với mặt bằng xã hội?

- Cao thế chứ cao nữa cũng không so được với thế giới, nhất là với những CLB có truyền thống lên tới hàng thế kỷ như Man Utd. Ngay ở nước Anh, giữa Chelsea và Man Utd cũng có sự phân biệt rất rõ, bởi đâu có ai coi Chelsea là một đội bóng có bề dày thành tích như Man Utd. Hơn nữa, khi so sánh VN với nước ngoài cũng rất khác, từ nhận thức cho tới nền kinh tế. Ở nước ngoài, người ta đầu tư cho bóng đá hàng trăm triệu USD, nhưng ở VN, vô địch một mùa là năm sau các ông chủ sờ vào hầu bao để tính toán lại ngay. Vả lại, bản thân ở doanh nghiệp làm bóng đá, đâu phải tất cả đều máu mê bóng đá như nhau, nên chỉ cần một vài kết quả bất lợi thì mọi việc cũng có thể khác lắm rồi.

* Có phải vì bóng đá VN chưa sinh lời được như nước ngoài nên mới như vậy?

- Rõ ràng như thế, bóng đá VN hiện tại mới chỉ là tiêu tiền và đánh bóng thương hiệu mà thôi, còn nước ngoài thì gắn liền quyền lợi giữa các bên với nhau, và đầu tư là cả một quá trình chứ không chỉ nhìn vào đội một, chưa kể thực lực cũng khác hoàn toàn. Ở VN, trước đây Thể Công vô địch liên tục vì truyền thống và cũng vì nhiệm vụ, nên lúc nào chúng tôi cũng phải phấn đấu cho mục tiêu cao nhất.

* Vậy sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại ở BĐ VN là do yếu tố tinh thần, thưa ông?

- Đúng vậy, ngày xưa chúng tôi thi đấu chỉ vì bóng đá, vì màu cờ sắc áo và không bị yếu tố tiền nong chi phối, còn người xem thì tới sân để thưởng thức nghệ thuật chơi bóng cũng như tinh thần cố gắng của cầu thủ, còn bây giờ có thấy ai tới sân không? V-League mấy mùa vừa rồi có bao giờ sân Hàng Đẫy kín khán giả không? Tương tự như thế là sân Thống Nhất tại TP.HCM. Ở Hà Nội hay TP.HCM bây giờ, thật khó để tìm ra một đội bóng được coi là đại biểu đích thực và có sự gắn bó máu thịt với CĐV như CAHN hay Thể Công trước kia. Còn nhiều vấn đề nữa, ngay cả VĐV bây giờ cũng vậy, đủ lông đủ cánh là chọn chỗ nào nhiều tiền để đi.

Bầu Thắng nói đúng đấy, cầu thủ VN giờ không quá 3 tỷ, nhưng vì thiếu người, và hễ đội này bỏ đội kia lại mua, mà đào tạo thì chưa kịp nên mới có chuyện như vậy. Ở AFF Suzuki Cup vừa qua, chỉ vắng Công Vinh còn Việt Thắng bị đau mà hàng tiền đạo ĐTVN đã ngay lập tức trục trặc và đá không nổi, trong khi Malaysia thì thuần là cầu thủ nội, HLV nội và nhờ được bồi dưỡng với nhau cả một êkíp từ U19 cho tới ĐTQG nên vô địch quá xứng đáng.

* Vậy ông có nghĩ V-League một ngày nào đó sẽ không có ngoại binh, như Malaysia?

- Đấy là một chủ trương lớn và sẽ đến lúc như thế, phải rút dần ngoại binh đi, chỉ còn cầu thủ nội thôi. Ngày xưa không có ngoại binh tại sao vẫn kín sân, còn giờ có cả nội lẫn ngoại lại không đủ khán giả tới sân? Nhưng để tới ngày ấy thì cần có một sự thay đổi đồng bộ và toàn diện, và sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra. Chẳng hạn như công tác đào tạo thì thế nào, nếu chỉ nội binh không thì các doanh nghiệp tham gia bóng đá liệu có chấp nhận, nếu các doanh nghiệp rút lui thì đội bóng làm gì còn tiền mua cầu thủ hay trả lương cao như giờ? Đấy là những vấn đề rất lớn mà tôi nghĩ ở thế  hệ của tôi thì chưa chắc đã có thể giải quyết.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hoàng Anh (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link