11/06/2015 18:19 GMT+7 | Bóng đá
Rất nhiều người trong chúng ta đang kỳ vọng, sẽ lại có thêm một trận chung kết trong mơ nữa và ở đó, HLV Toshiya Miura cùng lứa cầu thủ tài năng hiện tại, có thể thay đổi lịch sử.
Những trang sử "hẹp"
So với 3 trận chung kết cũng tại SEA Games của Malaysia, 4 thuộc về Indonesia…, về mặt tỷ lệ tuy là chúng ta trội hơn, nhưng thành tích lại thua kém! Bóng đá Malaysia đã 2 lần đăng quang, Indonesia 1 lần. Những con số chỉ ra rằng, xét về mặt năng lực cạnh tranh huy chương vàng ở môn bóng đá nam SEA Games, quanh đi quẩn lại cũng chỉ 3-4 cái tên quen thuộc. 25 năm qua, Myanmar và Singapore không còn được nhắc tới như những thế lực.
Chỉ 3-4 nền bóng đá, thậm chí con số còn thấp hơn, đủ sức mạnh tranh chấp huy chương, trên tổng số 10 trước kia và 11 quốc gia sau này tham dự, vẫn được cho là quá lý tưởng. Lịch sử SEA Games từng chứng kiến nhiều bất ngờ, bao gồm cả các ứng viên như Thái Lan và Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng, nhưng có một điều chắc chắn là, các trận đấu chỉ thực sự đáng xem bắt đầu từ vòng bán kết.
U23 Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để giành chức vô địch SEA Games
Tính từ năm 1991, bóng đá Việt Nam từng 3 lần thua trong các trận bán kết khác. Đáng nhớ nhất có lẽ là tại SEA Games 2007, ở vòng bảng U23 Việt Nam thua Singapore nhưng trước lại hạ được Mã và sau thắng sát nút U23 Lào, bất ngờ giành ngôi nhất bảng để “được gặp Myanmar” (theo phát biểu của nguyên Phó chủ tịch phụ trách truyền thông VFF Nguyễn Lân Trung). Nhưng rồi, hàng ngàn CĐV Việt Nam trên SVĐ Municipality (Korat, Thái Lan) đã điếng người khi thủ môn Vĩnh Lợi gây ra quả penalty phút thứ 89 (thời điểm tỷ số trận bán kết với U23 Myanmar vẫn đang là 0-0).
Thủ thành gốc Bình Định đã kịp sửa sai sau đó, với pha đổ người xuất thần, pha bóng mà nhiều người cho rằng đã cứu cả sự nghiệp của Vĩnh Lợi (hiện vẫn đang chơi cho Thanh Hoá và là thủ môn số 1 đội tuyển Việt Nam). Tuy nhiên, U23 Việt Nam vẫn thua chung cuộc sau loạt sút luân lưu định mệnh. Tái đấu Singapore ở trận tranh huy chương đồng, nhưng như "rắn mất đầu" (HLV Alfred Riedl đã rời Korat ngay sau trận bán kết), U23 Việt Nam nhanh chóng sụp đổ tỷ số 0-5.
Bóng đá Việt Nam tạo được rất nhiều cột mốc vĩ đại trong năm 2007: Suất chơi tứ kết Asian Cup, lọt vào tới vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh…, nhưng SEA Games 24 ở Nakhon Ratchasima năm đó còn hơn cả một nỗi đau. Đau vì sự kỳ vọng lên đến đỉnh điểm: “Không giành HCV SEA Games lúc này thì còn lúc nào”, lời của cựu Chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỷ và càng đau hơn bởi trận thua tan nát tỷ số không tưởng trước U23 Singapore.
Từ Manila 2005, đến Korat 2007, Vientiane 2009 và gần nhất khi chúng ta giành quyền vào chơi một trận bán kết SEA Games là tại Jakarta 2011, rồi thất bại. Chỉ tính riêng SEA Games 2007, ít nhất 3 lần các CĐV Việt Nam phải khóc, 2 dành cho bóng đá nam và 1 lần khác là trận thua tức tưởi của các cô gái vàng trong trận chung kết với chủ nhà Thái Lan, trận đấu mà chúng ta bị ông trọng tài người Mã "ép cho ra bã".
… Bù lại tương lai là vinh quang?
U23 Thái Lan và U23 Việt Nam đã chính thức đoạt 2 chiếc vé bảng B, vào tranh bán kết, trước lượt trận cuối. Xét về năng lực cạnh tranh với các đối thủ ở bảng A (dù cảm tính và lý thuyết), trận chung kết trong mơ giữa hai nền bóng đá mạnh nhất nhì trong lịch sử 12 kỳ SEA Games gần nhất, là hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là lúc HLV Miura cần có những toan tính và chúng ta cần thêm một chút may mắn nữa để chiến thắng trong một trận đấu.
U23 Thái Lan, ngoài chiều sâu đội hình và tính hiện đại trong lối chơi, họ còn sở hữu cả “Messi Thái” Chanathip Songkrasin. Nhưng, U23 Việt Nam thậm chí còn có nhiều hơn thế, với cả “Ronaldo xứ Nghệ” là Phi Sơn và một “Messi Việt” khác là Công Phượng. Cả 3 tuyến, chúng ta tập hợp toàn “chiến binh”, nào là Mạnh Hùng, Quế Hải; là Huy Hùng, Hữu Dũng và đương nhiên cả sản phẩm lò Sparta Prague, Mạc Hồng Quân; lại thêm bộ cánh Huy Toàn, Ngọc Thắng…
Đấy là câu chuyện bên lề, chứ sức mạnh thực sự của U23 Việt Nam phải là “bộ não” Toshiya Miura. Thuyền trưởng người Nhật Bản là một người thực tế, thậm chí là thực dụng, với kết quả là thứ duy nhất ông theo đuổi, chứ không chơi bóng để chiều lòng bất cứ ai. Khi một bộ phận các trụ cột ở đội tuyển Việt Nam mắc "bệnh ngôi sao" trước thềm AFF Suzuki Cup 2014 trên sân nhà, ông sẵn sàng để họ ngồi ngoài, đồng thời trao cơ hội cho người trẻ. Trẻ, khoẻ và máu.
Tại SEA Games 28, có thể nói U23 Việt Nam là đội khó đoán và khó lường nhất. Ở lá phổi hàng tiền vệ, HLV Miura không cần một chuyên gia dẫn dắt thật sự, mà chỉ cần những “tay trống” biết cách đoạt bóng và triển khai ra biên. Nó như một lập trình, nhưng đã đạt đến cảnh giới hay chưa thì không ai trả lời được. Cầu thủ chỉ được nhắc nhở, hãy cứ làm như thế. Việc HLV Miura xin lỗi học trò khi họ chấn thương, là một nét mới.
Sức mạnh thực sự của U23 Việt Nam phải là “bộ não” Toshiya Miura
Đã có nhiều “chuyên gia hiến kế”, với những phân tích về sức mạnh tiềm ẩn của Thái Lan, nhưng dám chắc những ngày này, HLV Miura đâu có thời gian và có lẽ cũng không quan tâm đến báo chí viết gì. Ngay cả một câu hỏi về Công Phượng, ông thầy người Nhật Bản cũng xua tay luôn. “Công Phượng có thể giúp cho việc bán báo chạy hơn” (lời HLV Miura), nhưng với ông Miura, Phượng cũng chỉ là một trong những thành viên như bao cầu thủ khác của U23 Việt Nam mà thôi.
Chốt lại về trận chung kết trong mơ (nếu xảy ra), chúng ta có bao nhiêu phần trăm giành chiến thắng? Và nếu có thắng Thái Lan, giành HCV rồi, thì tương lai nền bóng đá là gì? Chuyện thế nào, hạ hồi phân giải!
“Bóng đá đừng nói là không vị thành tích. Với HLV và cầu thủ, được chơi một trận chung kết, dù chỉ là chung kết giải làng xã, cũng là vinh dự lớn và chiến thắng luôn là điều tuyệt vời nhất. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm và tin tưởng một cách tuyệt đối rằng, lứa cầu thủ này sẽ làm nên chuyện. Bắt đầu từ chiếc HCV SEA Games 28, nếu chúng ta được cộng hưởng bởi sự may mắn. Đá một trận với Thái Lan không phải không có cơ hội chiến thắng”, HLV Nguyễn Văn Sỹ.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất